1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu Thần Châu 9 nối ghép thành công với phòng thí nghiệm không gian

(Dân trí) - Tàu vũ trụ Thần Châu 9 của Trung Quốc, chở 3 phi hành gia, hôm nay đã nối ghép tự động thành công với mô-đun thí nghiệm không gian Thiên Cung 1 - một bước đi quan trọng tiến tới việc xây dựng trạm vũ trụ của riêng nước này.

 
Ảnh chụp ngày 18/6 cho thấy tàu Thần Châu 9 đã nối ghép thành công với Thiên Cung 1.

Ảnh chụp ngày 18/6 cho thấy tàu Thần Châu 9 đã nối ghép thành công với Thiên Cung 1.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, cuộc nối ghép giữa Thần Châu 9 và Thiên Cung 1 diễn ra ngay sau lúc 14 giờ hôm nay giờ Bắc Kinh trên bầu trời Trung Quốc - một thành tựu mới cho chương trình không gian của Bắc Kinh. Sự kiện này được phát trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia.

Sứ mệnh Thần Châu mới nhất được phóng hôm 16/6, đưa phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc vào quỹ đạo. Nữ Thiếu tá không quân Liu Yang, 33 tuổi, đã rời trái đất cùng 2 đồng nghiệp nam, Jing Haipeng, 46 tuổi, và Liu Wang, 42 tuổi.

Cuộc nối ghép hôm nay là một nhiệm vụ tự động do các máy tính - chứ không phải các phi hành gia - thực hiện. Đây là lần thứ 3 Trung Quốc thực hiện hành công cuộc kết nối trên vũ trụ một cách tự động sau 2 cuộc nối ghép tương tự thành công hồi năm ngoái, nhưng đầu là lần đầu tiên cho một sứ mệnh có người lái.

Vào tháng 11/2011, tàu vũ trụ không người lái Thần Châu 8 đã 2 lần nối ghép thành công với Thiên Cung 1 bằng điều khiển từ xa.

Việc kết nối diễn ra ở độ cao khoảng 340km bên trên trái đất. Nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc, Liu Yang, đã điều khiển một máy quay cầm tay để ghi lại khoảnh khắc nối ghép.
 
Đồ hoạ mô phỏng cuộc kết nối trên vũ trụ.
Đồ hoạ mô phỏng cuộc kết nối trên vũ trụ.

Sau cuộc nối ghép tự động, 2 phi hành gia sẽ bước vào Thiên Cung 1 để tiến hành các thử nghiệm và thí nghiệm, trong khi người thứ 3 vẫn ở lại tàu vũ trụ.

Tuy nhiên, mục đích chính của sứ mệnh Thần Châu 9 lần này là tiến hành cuộc nối ghép vũ trụ có người điều khiển đầu tiên của Trung Quốc, vốn đòi hỏi sự khéo léo và độ chính xác lớn hơn nhiều từ các phi hành gia.

Dự kiến, các nhà du hành vũ trụ sẽ thực hiện cuộc nối ghép có người điều khiển sau vài ngày nữa.

Phi hành gia Liu Wang, người đã tham gia chương trình vũ trụ trong 14 năm, sẽ chỉ đạo nhiệm vụ kết nối. Trong khi đó, nữ phi hành gia Liu Yang sẽ tiến hành các thí nghiệm y học và các cuộc thử nghiệm vũ trụ khác.

“Chúng tôi đã thực hiện thử hơn 1.500 lần”, phi hành gia Liu nói trong một cuộc họp báo trước vụ phóng.
 
“Chúng tôi đã làm chủ các công nghệ và kỹ thuật. Trung Quốc có công nghệ và các phi hành gia hàng đầu, vì thế tôi tin tưởng chúng tôi sẽ hoàn thành việc nối ghép có người điều khiển”, Liu Wang cho biết thêm.
 
Tên lửa đẩy đưa tàu Thần Châu 9 rời bệ phóng hôm 16/6.
Tên lửa đẩy đưa tàu Thần Châu 9 rời bệ phóng hôm 16/6.

Thần Châu 9 là sứ mệnh có người lái thứ 4 của Trung Quốc và là một cơ hội nữa để “người khổng lồ” châu Á chứng tỏ nước này đã tiến nhanh như thế nào trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng một trạm vũ trụ lâu dài của riêng nước này vào khoảng năm 2020 để thay thế mô-đun thí nghiệm không gian Thiên Cung 1, vốn được phóng lên hồi năm ngoái.

Sau Thần Châu 9, Bắc Kinh dự kiến sẽ phóng sứ mệnh Thần Châu 10 tới Thiên Cung vào năm tới.
 
Video cuộc nối ghép tự động giữa Thần Châu 9 và Thiên Cung 1:
 
 
 
An Bình
Theo AFP, AP