1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tàu thăm dò sao Kim của Nhật bay chệch quỹ đạo

(Dân trí) - Một tàu thăm dò của Nhật Bản được phóng lên trong một sứ mệnh kéo dài 2 năm nhằm nghiên cứu sao Kim đã không đi vào quỹ đạo dự tính và có thể đã bay qua hành tinh này.

 
Tàu thăm dò sao Kim của Nhật bay chệch quỹ đạo - 1
Tàu thăm dò Akatsuki đang tiến tới sao Kim.

Tàu thăm dò tên gọi Akatsuki, có nghĩa là "Bình minh" trong tiếng Nhật, dường như đã không bắn động cơ phản lực đủ mạnh để đẩy nó vào đúng quỹ đạo sau khi tàu bay ngang qua sao Kim hôm qua. Cơ quan vũ trụ Nhật Bản JAXA cho biết vẫn đang giữ liên lạc với tàu.

Akatsuki được phóng lên hôm 20/5 với mục đích nghiên cứu hoạt động núi lửa trên sao Kim và thu thập dữ liệu về tầng mây dầy và khí hậu của hành tinh này. Tàu được trang bị các camera hồng ngoại và các thiết bị khác để thực hiện sứ mệnh.

Các quan chức Nhật Bản cho biết tàu đã mất liên lạc ngay sau khi bắn động cơ phản lực để đẩy nó vào quỹ đạo. Liên lạc đã được nối lại sau đó nhưng tàu không nằm ở chế độ an toàn và không đạt được vị trí cần thiết để đi vào đúng quỹ đạo như dự tính.

JAXA tuyên bố không từ bỏ hi vọng. “Thật không may là nó không đi vào quỹ đạo. Nhưng có vẻ như tàu vẫn hoạt động và chúng ta có thể cố gắng thử lại khi nó bay qua sao Kim 6 năm kể từ bây giờ”, Hitoshi Soeno, một quan chức của JAXA, nói.

Đưa tàu Akatsuki vào quỹ đạo, nếu thành công, sẽ là một thành tựu lớn của Nhật Bản, vốn trước đó đã thất bại khi phóng tàu thăm dò sao Hoả. Tàu thăm dò sao Hoả, tên gọi Nozomi, có nghĩa là “Hi vọng”, được phóng năm 1998 đã gặp hàng loạt sự cố kỹ thuật.
 
Sự cố hôm qua là một thất bại lớn cho chương trình không gian của Nhật Bản.

Nhật Bản từ lâu đã là một trong các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực vũ trụ của thế giới. Nhật Bản cũng là quốc gia châu Á đầu tiên đưa vệ tinh lên quỹ đạo quanh Trái đất vào năm 1970 và đã phát triển một tên lửa đẩy độ chính xác cao trong các tên lửa dòng H-2.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nhật Bản đã bị "vượt mặt" bởi các thành tựu không gian lớn của Trung Quốc, vốn đã đưa các nhà du hành lên vũ trụ 2 lần kể từ năm 2003 và là quốc gia thứ 3 độc lập đưa người lên vũ trụ sau Nga và Mỹ.

An Bình
Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm