Tàu sân bay Trung Quốc: Chỉ là “viên đá” trong “cột mốc lớn”?
(Dân trí) - Việc Trung Quốc triển khai tàu sân bay đầu tiên đã đánh dấu cột mốc biểu tượng cho sức mạnh quân sự ngày một phát triển của nước này, song giới phân tích cho rằng đồ “dùng lại” này “còn khuya” mới có thể trở thành "kẻ thay đổi cục diện cuộc chơi".
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được đánh số 16 hồi tháng 8 vừa qua.
Trung Quốc chính thức đưa tàu sân bay đầu tiên của mình vào hoạt động vào hôm thứ ba vừa qua, “phô trương” sức mạnh khi hai đối thủ trên biển ở châu Á đang ở giai đoạn nước sôi lửa bỏng vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Hoa Đông.
Giới chức quân sự và chính trị Trung Quốc gọi tàu Liêu Ninh, dài 300m, là cú nhảy vọt ngoạn mục về khả năng hải quân vào thời điểm Mỹ cho biết đang chuyển “trục xoay” chiến lược sang châu Á.
Nhưng không có toàn bộ nhóm tàu chiến còn lại hay máy bay đi kèm với tàu sân bay, “phần cứng” mới này được giới phân tích đánh giá chỉ là bước đi đầu tiên mang tính biểu tượng, có thể cho phép hải quân Trung Quốc chút “danh giá”, nhưng không có nghĩa là sẽ thay đổi hoàn toàn lựa chọn quân sự của cơ quan này.
Tại lễ khởi động tàu ở thành phố cảng Đại Liên, đông bắc Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gọi sự kiện là “cột mốc quan trọng” trong lịch sử quân sự và phát triển vũ khí của Trung Quốc.
Yang Yi, phó đô đốc hải quân Trung Quốc, cho biết trong bài bình luận trên báo chí nhà nước rằng, tàu sân bay đã đưa Trung Quốc tiến gần tới mục tiêu quốc gia “không chỉ là cường quốc trên bộ mà còn là cường quốc trên biển”.
Căng thẳng ở Hoa Đông đã tăng mạnh trong những tháng gần đây do tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh đối với Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc cũng có tranh chấp tương tự với các nước trong Biển Đông.
Với tàu sân bay Liêu Ninh, “chúng ta sẽ có nhiều cách hơn, cả mềm mỏng lẫn cứng rắn, để giải quyết tranh chấp ở Hoa Đông và Biển Đông”, Qiao Liang, một tướng không quân và là một học giả quân sự hàng đầu Trung Quốc cho biết trên báo chí nhà nước.
Song giới phân tích nhấn mạnh Trung Quốc vẫn thiếu phi đội máy bay được biên chế cho tàu sân bay và chiếc tàu “second-hand” tân trang lại này chỉ đưa Trung Quốc tiến xa hơn đôi chút trong công cuộc phát triển lực lượng tàu sân bay của riêng mình.
“Chiếc tàu sân bay này giống với viên đá trong cột mốc hơn”, Arthur Ding, chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Đài Loan cho hay.
Ding cho rằng tàu sẽ gây “tác động tâm lý” tới khu vực do tính biểu tượng của nó nhưng “chắc chắn không thay đổi được cán cân quyền lực nói chung ngay tức khắc”, bởi nó được sử dụng chủ yếu là sàn tập dượt cho các tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai.
Ukraine xây dựng tàu cho lực lượng hải quân của mình vào những năm 1980, và sau đó bán vỏ của nó cho Bắc Kinh vào năm 1998. Cuối cùng tàu được kéo về Trung Quốc và tại đây được lắp đặt động cơ, hệ thống định vị hàng hải.
Tuy nhiên phát triển máy bay cánh cố định và phi công huấn luyện có khả năng hạ cánh trên tàu sân bay lại là một vấn đề khác, Ralph Cossa, nhà phân tích quân sự tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Honolulu, cho hay.
“Hoạt động của tàu sân bay không hề dễ. Tân trang lại tàu là một chuyện. Phát triển một phi đội máy bay cho tàu sân bay là chuyện khác”, ông cho hay.
Trung Quốc hiện đang phát triển máy bay chiến đấu J-15, có khả năng nhằm dùng cho tàu sân bay. Hình ảnh rò rỉ trên các trang mạng của Trung Quốc cho thấy loại máy bay này đã xuất hiện trên khu vực đậu máy bay của tàu sân bay. Tuy nhiên khả năng của chúng vẫn chưa được chứng minh.
“Không thể gọi một con tàu là tàu sân bay mà không có máy bay”, Qiao được báo chí Trung Quốc cho biết. Tuy nhiên, ông tự tin Trung Quốc sẽ sớm có khả năng phát triển được phi đội cho tàu sân bay.
Tàu sân bay Liêu Ninh, được đặt tên theo tỉnh ở đông bắc Trung Quốc, dự kiến sẽ không hoạt động với tư cách là tàu sân bay đúng nghĩa ít nhất là trong 3 năm nữa và một tàu sân bay kế tiếp do Trung Quốc tự phát triển sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa trong tương lai.
Trung Quốc ngày càng hung hăng, mạnh bạo hơn trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước khoác, khi tiềm lực kinh tế và quân sự của họ được mở rộng, khiến các nước láng giềng không khỏi lo âu.
Nhưng theo Cossa, thậm chí ngay cả khi hoạt động hết hiệu suất, Liêu Ninh cũng có ít hi vọng đối đầu được với tàu nhỏ hơn, nhưng ưu việt hơn về công nghệ, lại được Mỹ ủng hộ của Lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản, chứ chưa nói đến Hạm đội thứ 7 của Mỹ.
“Tôi nhận thấy họ sẽ không tìm cách đưa tàu sân bay không vũ khí của họ vào Hoa Đông để gây áp lực với Nhật, ít nhất là trong vài năm nữa”, ông cho hay.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Trung Quốc phải khởi đầu từ đơn giản và Liêu Ninh sẽ “làm tăng thêm niềm kiêu hãnh” và cho phép hải quân Trung Quốc “phủ bóng lớn hơn” trên các vùng biển ở khu vực, Cossa nhận xét.
Cũng theo ông, ít nhất chiếc tàu cũng khiến các đối thủ nhỏ hơn, như Philippines, phải dè chừng.
Vũ Quý
Theo AFP