1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tàu sân bay của Trung Quốc: Hữu danh vô thực

(Dân trí) – Ngày 28/8 báo giới Trung Quốc đồng loạt loan tin tàu sân bay của nước này bắt đầu đợt chạy thử lần thứ 10. Ngay sau đó hãng tin Reuters đã đăng tải một bài viết khẳng định tàu sân bay này chỉ “hữu danh vô thực” bởi còn rất thiếu khả năng tác chiến.

Ngày 28/8, hàng loạt tờ báo lớn của Trung Quốc như Nhân dân nhật báo, Tân Hoa Xã, Thời báo hoàn cầu…đã đăng tải trên trang nhất thông tin tàu sân bay Thi Lang của nước này chuẩn bị bước vào đợt thử nghiệm thứ 10. Kèm theo đó là rất nhiều bức ảnh cho thấy sự “hoành tráng” của con tàu này.
Tàu sân bay của Trung Quốc chưa đủ khả năng tác chiến

Tàu sân bay của Trung Quốc chưa đủ khả năng tác chiến

Ngay sau đó hãng tin Reuters đã đăng tải bài phân tích của phóng viên David Lague khẳng định Thi Lang thực chất chỉ hữu danh vô thực. Với tiêu đề “China's aircraft carrier: in name only” (tạm dịch: Tàu sân bay Trung Quốc: chỉ hữu danh vô thực), tác giả khẳng định:

“Bất chấp những kỳ vọng của công chúng rằng tàu sân bay của Trung Quốc, một con tàu từ thời Xô Viết mua về từ Ukraine và được sửa sang lại, sẽ trở thành biểu tượng của của lực lượng hải quân hùng mạnh, các chuyên gia quân sự cho rằng nó vẫn còn thiếu các máy bay chiến đấu, vũ khí, thiết bị điện tử, công tác huấn luyện và hỗ trợ hậu cần để có thể trở thành một con tàu chiến thực sự”, bài báo viết. 

Tác giả cũng dẫn lời ông Carlo Kopp, nhà đồng sáng lập Air Power Australia, một cơ quan tư vấn quân sự độc lập tại Melbourne, Australia khẳng định “hiện vẫn chưa có gì là chắc chắn nhưng sẽ phải mất ít nhất từ 3 đến 5 năm” con tàu thường được biết đến dưới cái tên cũ là Varyag này mới sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Một số nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc từng đồn đoán rằng tàu sân bay này sẽ được biên chế vào lực lượng hải quân trong năm nay. Tuy nhiên các lãnh đạo cấp cao của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bác bỏ những nhận định này và khẳng định rằng con tàu trọng tải 60.000 tấn còn cần rất nhiều thời gian trước khi sẵn sàng nhận nhiệm vụ và phải trải qua một chương trình chạy thử và tập luyện toàn diện.

“Ngay cả khi Varyag có thể làm nhiệm vụ, các nhà phân tích quân sự nhận định vai trò của nó cũng rất hạn chế, chủ yếu phục vụ huấn luyện và kiểm nghiệm trước khi Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự đóng trong nước đầu tiên sau năm 2015”, tác giả viết tiếp.

“Các thông tin từ các blog và trang web quân sự không chính thức của Trung Quốc đồn đoán rằng Trung Quốc có kế hoạch tự đóng 3 tàu sân bay tại xưởng đóng tàu trên đảo Chanxing, gần Thượng Hải. Tuy nhiên, các nhà phân tích cả chuyên nghiệp và nghiệp dư, những người nghiên cứu các bức ảnh vệ tinh chụp các xưởng đóng tàu của Trung Quốc hiện vẫn chưa thấy dấu hiệu gì của hoạt động này”. 

Bài báo cũng trích dẫn báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc nhận định có thể Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất một vài bộ phận của các tàu sân bay tự đóng. “Trong khi phải mất vài năm nữa một tàu sân bay thực sự mới ra đời, chương trình này đã trở thành biểu tượng của 3 thập kỷ phát triển của quân đội Trung Quốc. 

Từ chỗ chủ yếu dựa trên các lực lượng trên bộ đông đúc với đa phần vũ khí lạc hậu trở thành một đội quân tinh giản hơn, được đào tạo tốt hơn với các tàu chiến hiện đại, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và một lực lượng tên lửa chính xác”. 

Tác giả David Lague cũng cho rằng việc đưa các tàu chiến đắt tiền và phức tạp vào hoạt động ngoài việc giúp PLA tăng khả năng triển khai quân tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông còn có giá trị tuyên truyền to lớn với chính quyền nước này. “Bởi nó thể hiện rằng Trung Quốc đang trở thành một cường quốc hải quân hàng đầu”. 

Dù vậy cho đến nay, ngoài Mỹ thì mới chỉ có một số ít quốc gia như Anh, Pháp, Ấn Độ và Nga có thể phát triển lực lượng tàu sân bay đủ khả năng tham chiến một cách hiệu quả.

Ban đầu khi Trung Quốc mua Varyag  năm 1998 họ khẳng định muốn biến con tàu, vốn đã bị tháo gỡ toàn bộ máy móc và bất kỳ thiết bị nào có thể sử dụng cho mục đích quân sự, thành một “casino trên biển”. Nhưng việc quá trình thử nghiệm kéo dài cùng những sự chuẩn bị cho tàu sân bay này cho thấy nó vẫn còn chưa thể tham chiến chưa nói đến việc thu hẹp khoảng cách với các nền hải quân tiên tiến hơn.

Bài báo nhận định một trong những thách thức chính Trung Quốc đang đối mặt đó là phải xây dựng một lực lượng máy bay chiến đấu và trực thăng có sải cánh đặc biệt để có thể cất cánh được từ tàu sân bay này. Hiện Trung Quốc đang phát triển mẫu chiến đấu cơ J-15, một “bản sao” của máy bay Su-33 của Nga, một loại chiến đấu cơ từng được dự định dùng trên các tàu sân bay thời Xô Viết.

Trung Quốc đã nhập khẩu toàn bộ cũng như tự sản xuất nhiều phiên bản tương tự của các chiến đấu cơ của Nga, nhưng các chuyên gia cho rằng việc xây dựng các phần mềm điều khiển, hệ thống thiết bị điện tử, vũ khí, các ra đa…cho một con tàu sân bay có yêu cầu cao hơn sẽ phức tạp và tốn kém hơn nhiều. 

Thanh Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm