1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu sân bay thứ hai của Mỹ tới Trung Đông, Iran ra "tối hậu thư"

Thành Đạt

(Dân trí) - Quân đội Mỹ thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai đã đến Trung Đông, trong khi quan chức Iran đã đưa ra "tối hậu thư" với Washington.

Tàu sân bay thứ hai của Mỹ tới Trung Đông, Iran ra tối hậu thư - 1

Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận ở Biển Ả Rập ngày 17/4 (Ảnh: Reuters).

Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ ngày 5/11 thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai của Mỹ đã tới Trung Đông để củng cố "vị thế" của quân đội Mỹ trong khu vực, trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra.

"Nhóm tấn công được chỉ huy bởi Nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) 2 và bao gồm tàu sân bay chủ lực USS Dwight D. Eisenhower (CVN 69), tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Philippine Sea (CG 58), tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mason (DDG) 87) và USS Gravely (DDG 107) của Phi đội Khu trục (DESRON) 22, Không đoàn Tàu sân bay (CVW) 3 với 9 phi đội", thông báo cho biết.

Trước đó, Mỹ đã đưa USS Gerald R. Ford, tàu chiến lớn nhất thế giới và là tàu sân bay tiên tiến nhất của Hải quân Mỹ, tới Trung Đông nhằm gửi thông điệp ủng hộ đồng minh lâu dài Israel, đồng thời cảnh báo Iran và lực lượng Hezbollah được Tehran hậu thuẫn ở Li Băng.

Theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ vào cuối tháng 10, các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết những nỗ lực của Mỹ ở Trung Đông nhằm "ủng hộ quyền tự vệ của Israel và ngăn chặn bạo lực".

Ngoài hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng ra lệnh triển khai khẩu đội phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối và bổ sung thêm các tiểu đoàn Patriot tới khu vực. Những khí tài này nhằm tăng cường khả năng bảo vệ lực lượng Mỹ trong khu vực.

 "Các nhóm tác chiến tàu sân bay của chúng tôi cho phép chúng tôi triển khai các hoạt động một cách độc lập, ở bất kỳ đâu trên thế giới và ngay lập tức khi đến nơi. Khi chúng tôi gửi tàu sân bay đến đâu, chúng tôi đang gửi một tín hiệu vô cùng mạnh mẽ tới các đối thủ của mình, cũng như cho các đồng minh và đối tác của chúng tôi về mức độ hỗ trợ của chúng tôi cũng như khả năng của quân đội Mỹ trong việc phản ứng nhanh chóng, linh hoạt trước các tình huống bất ngờ ở bất kỳ đâu trên thế giới", quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.

Trong cuộc gặp hôm 5/11, Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng PA sẵn sàng tham gia vào việc quản lý Gaza "trong khuôn khổ một giải pháp chính trị toàn diện bao gồm toàn bộ Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza".

Ông Blinken đã nói với nhà lãnh đạo Palestine rằng PA nên đóng một vai trò quan trọng trong "những gì xảy ra tiếp theo ở Gaza".

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammad Reza Ashtiani cảnh báo Mỹ có thể sẽ đối mặt với một "cuộc tấn công nghiêm trọng" nếu nước này không can thiệp để khép lại cuộc chiến giữa Israel - Hamas.

"Lời khuyên của chúng tôi dành cho người Mỹ là hãy dừng ngay cuộc chiến giữa Israel và Hamas và đảm bảo lệnh ngừng bắn, nếu không Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc tấn công nghiêm trọng", ông Ashtiani cảnh báo.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang sau khi Hamas - lực lượng được cho là do Tehran hậu thuẫn - mở cuộc tấn công nhằm vào phía Israel.

Iran nhiều lần cáo buộc Mỹ gây căng thẳng ở Trung Đông. Đầu tháng này, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã kêu gọi Washington chấm dứt hỗ trợ Israel trong cuộc xung đột với Hamas.

Iran, quốc gia không công nhận Israel và coi việc ủng hộ Palestine là trọng tâm trong chính sách đối ngoại kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979, là một trong những quốc gia đầu tiên ca ngợi cuộc tấn công của Hamas.

Quân đội Israel cáo buộc Iran đã chỉ thị lực lượng Hezbollah ở Li Băng thực hiện các vụ tấn công tại biên giới Li Băng - Israel. 

Nhà Trắng hồi tháng 10 cũng cáo buộc Iran đã "tích cực tạo điều kiện" cho các nhóm mà Tehran hậu thuẫn thực hiện các vụ tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria.

Theo RT, Sputnik