1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tàu sân bay Mỹ có thể bị đánh chìm trong “canh bạc rủi ro” với Iran

(Dân trí) - Dù việc Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham tới gần Iran là để gửi thông điệp “nắn gân” quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng với cấu tạo địa lý tại khu vực này, kịch bản “pháo đài” của Mỹ bị Tehran đánh chìm có khả năng xảy ra.

Tàu sân bay Mỹ có thể bị đánh chìm trong “canh bạc rủi ro” với Iran - 1

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln (Ảnh: Navy Time)

Cuối tuần qua, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố rằng Mỹ sẽ điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln tới vùng biển gần Iran để “gửi thông điệp” và đối phó với những mối đe dọa từ Tehran với Mỹ và các đồng minh thân thiết trong khu vực.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng việc Mỹ điều một tàu sân bay hùng mạnh tới thực hiện nhiệm vụ trên là không mấy phù hợp và thậm chí đặt vũ khí này vào thế bất lợi so với Iran. Các chuyên gia thậm chí còn nghĩ tới kịch bản Tehran có thể đánh chìm “pháo đài” trên biển của Mỹ.

Tàu sân bay của Mỹ là biểu tượng thể hiện sức mạnh của nền hải quân nước này trên các đại dương, nhưng không phải nó lúc nào cũng phù hợp với mọi loại nhiệm vụ.

Vị trí địa lý

Caitlin Talmadge, một chuyên gia về an ninh nhận xét rằng các tàu sân bay của Mỹ được “thiết kế để hoạt động trong các đại dương”. Cấu tạo như một căn cứ không quân nổi trên biển với các tàu khu trục tên lửa dẫn đường và tàu tuần dương “bọc lót” xung quanh trước các mối nguy hiểm, các tàu sân bay phù hợp nhất khi di chuyển cách xa tầm tấn công của hệ thống tên lửa bắn từ bờ của đối thủ.

“Khu vực Vịnh Ba Tư là vùng biển hẹp và nó khiến các tàu sân bay trở nên dễ tổn thương với các mối đe dọa từ trên không, trên bờ và trên biển”, chuyên gia Talmadge nhận định.

Vũ khí Mỹ mạnh hơn Iran cũng như tiềm lực quân sự của Washington cũng áp đảo Tehran. Tuy nhiên, trong vùng biển nông của Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz, Iran dường như có lợi thế hơn trước các tàu sân bay kích thước lớn của Mỹ.

Chuyên gia quân sự Omar Lamrani của công ty tư vấn Stratfor cho biết lý tưởng nhất, các tàu sân bay lớp Nimitz sẽ hoạt động hiệu quả khi cách bờ biển đối phương từ khoảng 500-700 km để giảm thiểu mối đe dọa từ đối thủ.

Chính vì vậy, theo chuyên gia Talmadge, dù các tàu sân bay Mỹ có thể gửi thông điệp mạnh mẽ tại nhiều điểm nóng trên thế giới, nhưng ở Vịnh Ba Tư, mục đích răn đe dường như sẽ không hiệu quả và có thể mang lại tác dụng ngược.

Hệ thống vũ khí và chiến thuật

Điều đó là bởi vì vị trí địa lý và năng lực quân sự của Iran ở eo biểu Hormuz có thể khiến tàu sân bay di chuyển qua đây gặp rủi ro. Trên thực tế, tại Vịnh Ba Tư, sân nhà của Iran, một trong những chiến lược của Tehran là sử dụng xuồng cao tốc tấn công theo kiểu bầy đàn. Chiến thuật này thường không quá nguy hiểm trên các đại dương, vì tại đó các tàu sân bay có đủ không gian để cơ động, nhưng tại vùng biển hẹp, đó lại là một kịch bản khác.

Thêm vào đó, chuyên gia Lamrani cho biết Iran có rất nhiều hệ thống vũ khí có thể gây nguy hiểm trong khu vực Vịnh Ba Tư bao gồm tên lửa chống hạm, tàu tấn công nhanh, xuồng cao tốc, tàu ngầm cỡ nhỏ và các máy bay không người lái có thể triển khai theo kiểu tấn công bầy đàn.

Ngoài ra, các tàu sân bay Mỹ được cho là thiếu đi biện pháp phòng thủ với các vụ tấn công bằng ngư lôi, trong khi tàu ngầm Iran lại sở hữu kỹ năng này. Trong vùng nước tối tăm và ồn ào ở vịnh Ba Tư, hải quân Mỹ có thể gặp khó để dò ra những tàu này.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang trở lại sau sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái. Kể từ đó tới nay, Mỹ liên tục ban hành lệnh trừng phạt nhằm gây sức ép tối đa lên ngành dầu khí và kinh tế Iran.

Hai nước đã có những động thái khiến căng thẳng tiếp tục leo thang, như liệt các lực lượng quân đội của nhau vào danh sách tổ chức tài trợ khủng bố.

Đức Hoàng

Theo Business Insider

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm