1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu sân bay mới của Trung Quốc có nghĩa gì với châu Á

Truyền thông Trung Quốc gần đây cho biết, nước này đang tiến hành xây dựng tàu sân bay thông thường thứ hai và là tàu tự chế đầu tiên, lớn hơn tàu Liêu Ninh. Tàu này dự kiến sẽ được đưa vào biên chế trong năm 2015. Đây sẽ là tàu sân bay đầu tiên trong tổng số 3 chiếc đóng mới, hoàn toàn do Trung Quốc đảm nhiệm, thuộc một dự án kéo dài đến năm 2020.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Trung Quốc không thực sự vừa lòng với chỉ một tàu sân bay tự chế tạo. Tuy nhiên, căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau, tàu sân bay đầu tiên này sẽ là một bản sao của tàu Liêu Ninh, nhưng có kích thước lớn hơn, với lượng choán nước vào khoảng 70.000 – 90.000 nghìn tấn. Tàu sẽ không được trang bị bệ phóng máy bay, nhằm giảm bớt thách thức trong khâu chế tạo. Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng chiếc thứ 3 của Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ là loại thông thường, nhưng được trang bị bệ phóng máy bay. Chiếc thứ 4 sẽ là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Những thông tin xác nhận rằng Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay thứ hai (nhưng là chiếc đầu tiên tự chế tạo) đã đặt ra một sự cảnh báo ngầm cùng với những dự đoán về những gì Trung Quốc có thể làm khi có những chiếc tàu sân bay này. Trung Quốc có thể sẽ gặp một số hạn chế lớn trong dự án tàu sân bay mới trên, nhưng theo các chuyên gia nhận định, động thái này sẽ khiến Trung Quốc có những hành động quyết đoán hơn và cho chúng ta hiểu hơn những tham vọng của Bắc Kinh về vai trò của nước này trong khu vực.

Trung Quốc sẽ tận dụng những lợi thế mà tàu sân bay mang lại giống như Mỹ đã từng sử dụng tàu sân bay trong những thập kỷ gần đây. Kể từ Thế chiến II, tàu sân bay Mỹ đã hỗ trợ các hoạt động trong chiến tranh khu vực rộng lớn hơn, trong đó có các cuộc chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên, Việt Nam, Vùng Vịnh... Chúng là một phần quan trọng trong việc thể hiện sức mạnh cứng của Mỹ. Bên cạnh đó, tàu sân bay cũng được Mỹ sử dụng như là biểu tượng (đối với cả trong nước và quốc tế) của sự đe dọa ví dụ như việc triển khai các tàu sân bay USS Independence và USS Nimitz trong cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan lần thứ 3. Ngoài ra, các tàu sân bay của Mỹ đã giúp cho Washington kiểm soát được sự leo thang trong những tình huống xung đột, có nghĩa là bất kỳ bên nào có ý tưởng tấn công sẽ bị hành động đáp trả từ các tàu sân bay của Mỹ.

Với Trung Quốc cũng vậy, những tàu sân bay mới trên sẽ là biểu tượng sức mạnh của Bắc Kinh và cho phép nước này có khả năng “bắt nạt” các quốc gia khác yếu hơn. Đồng thời giúp cho nước này kiểm soát những căng thẳng leo thang tại các vùng biển đang tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông.

"Việc phát triển các tàu sân bay có nghĩa là hải quân Trung Quốc có khả năng hoạt động thuận lợi hơn ở các vùng biển gần và xa vào khoảng năm 2020. Ngoài ra, nó cũng giúp nước này có thể kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả hơn ở biển Đông và biển Hoa Đông”, Larry Wortzel - một thành viên cao cấp của Ủy ban Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung Quốc cho biết.

Một vấn đề đặt ra là liệu Mỹ và Nhật Bản sẽ phản ứng thế nào trong trường hợp một chiếc tàu sân bay của Trung Quốc tiến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, những tàu sân bay của Trung Quốc vẫn chưa đủ sức để đối chọi lại với các đối thủ ngang cơ. Chẳng hạn, các hoạt động hải quân chống lại Mỹ hoặc Nhật Bản sẽ đi kèm với một nguy cơ nghiêm trọng đối với các tàu sân bay của Trung Quốc và Bắc Kinh cần phải có một sự tính toán kỹ lưỡng vì nó có chi phí rất cao trong khi số lượng có hạn.

Theo Roger Cliff, một thành viên cao cấp tổ chức Sáng kiến an ninh châu Á tại Hội đồng Đại Tây Dương, dù Trung Quốc có 4 sân bay (với trọng tải trung bình) cũng sẽ không phải là một mối đe dọa đáng kể so với uy lực của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, chúng sẽ cung cấp cho Bắc Kinh “khả năng phô trương sức mạnh trước các nước nhỏ hơn ở bên ngoài phạm vi của các chiến đấu cơ trên đất liền của Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc chế tạo tàu sân bay thứ hai có thể sẽ khiến các quốc gia khác ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tìm cách phát triển khả năng chống tiếp cận, chống tàu sân bay của riêng mình. Hoặc trong một phản ứng cũng nhằm thiết lập quyền kiểm soát trên biển, họ cũng có thể tập trung chế tạo tàu sân bay. Điều này rất có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực với sự phát triển của các loại vũ khí mới như những hệ thống tên lửa đạn đạo và siêu thanh, các hệ thống vũ khí được thiết lập từ tàu ngầm và các loại tên lửa chống tàu khác.

Chế tạo tàu sân bay là một vấn đề tốn kém và không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện được. Việc Trung Quốc chế tạo tàu sân bay mới ngoài việc thể hiện sức mạnh ngày càng tăng, còn đặt ra những thách thức mới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời làm mất thế cân bằng chiến lược tại đây - điều có thể dẫn đến những nguy cơ không lường trước được.


Theo Vũ Thanh