1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu sân bay "Made in China" có thể được bố trí ở Biển Đông

Dư luận đang xôn xao việc Trung Quốc chuẩn bị chế tạo chiếc tàu sân bay “Made in China” đầu tiên. Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng khác cũng xuất hiện là Trung Quốc sẽ bố trí tàu sân bay này ở đâu?

Vào lúc 9h30 ngày 26/2/2013, tàu sân bay Liêu Ninh do Trung Quốc cải tạo từ tàu sân bay Varyag mua từ Ukraine chầm chậm rời cầu tàu của Nhà máy Đóng tàu Đại Liên, lên đường tới bến đỗ mới. Hôm sau, tàu sân bay Liêu Ninh đã đến nơi an toàn và cập bến thuận lợi tại căn cứ tàu sân bay Thanh Đảo.

Tàu sân bay Made in China có thể được bố trí ở Biển Đông
Ảnh vệ tinh cho thấy một cầu tàu sân bay đang được xây dựng ở thôn Lục Nhai trên đảo Hải Nam. Ảnh: Internet.

Sự kiện này đã vén màn bí mật về căn cứ tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Trên thực tế, căn cứ này được khởi công xây dựng vào ngày 28/3/2008 và tới khi nó trở thành bến đỗ của tàu sân bay Liêu Ninh, người Trung Quốc chỉ mất có 4 năm và hơn 1 tháng để hoàn thành và đưa vào sử dụng.
 
Sở dĩ hải quân Trung Quốc chọn Thanh Đảo làm bến đỗ cho tàu sân bay Liêu Ninh là xuất phát từ cân nhắc tổng hợp về chiến lược và công nghệ. Vị trí địa lý và điều kiện cảng biển cũng khiến Đại Liên và Thanh Đảo có được sự ưu việt về thiên nhiên để trở thành bến đỗ của tàu sân bay. Bên cạnh đó, căn cứ Thanh Đảo còn là nơi đóng quân của Hạm đội Bắc Hải, cho nên, chọn nơi này làm bến đỗ của tàu sân bay có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo vệ an ninh của Vịnh Bột Hải và Thủ đô Bắc Kinh.
 
Theo tạp chí “Tử Kinh” số tháng 8 của Hong Kong, chiến lược an ninh trên biển của Trung Quốc không phải là coi trọng phía Bắc coi thường phía Nam mà là coi trọng cả Bắc lẫn Nam. Hạm đội Bắc Hải và Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc chủ yếu tiến hành bố trí chiến lược ở vùng biển Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, Hạm đội Nam Hải được giao nhiệm vụ đảm trách hướng chiến lược Biển Đông.
 
Cùng với sự tăng cường về thực lực của hải quân Trung Quốc và yêu cầu của lợi ích quốc gia, hải quân Trung Quốc sẽ còn tiến cả vào Ấn Độ Dương và biển Nhật Bản. Đương nhiên, việc xây dựng sức mạnh tác chiến tàu sân bay của hải quân Trung Quốc sẽ phải thích ứng với bố trí chiến lược như vậy.
 
Tạp chí “Kanwa Defense Review” mới đây cho biết thêm, sau khi căn cứ tàu sân bay Thanh Đảo hoàn thành và đưa vào sử dụng, hải quân Trung Quốc đã tiến hành xây dựng căn cứ tàu sân bay thứ hai ở thôn Lục Nhai trên đảo Hải Nam. Căn cứ này có quy mô tổng thể tương đương với căn cứ tàu sân bay Thanh Đảo. Cầu tàu dài khoảng 600 m, rộng khoảng 120m, đủ để đỗ hai chiếc tàu sân bay cỡ lớn.
 
Như vậy, cùng với sự xuất hiện của những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị đóng tàu sân bay “Made in China” đầu tiên, có nhiều dấu hiệu khác cho thấy nước này đang tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc “nghênh tiếp” tàu sân bay mới.
 
Vào ngày tàu sân bay “Made in China” đầu tiên hạ thủy, Trung Quốc sẽ tiến vào hàng ngũ những nước trên thế giới tự mình chế tạo được tàu sân bay. Con số này hiện đếm trên đầu ngón tay. Đồng thời, với các dấu hiệu nêu trên, chiếc tàu sân bay “Made in China” đầu tiên của Trung Quốc có thể sẽ được bố trí trên hướng Biển Đông.
 

Theo Gia Hân 

Tin tức