1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc bất ngờ nổi lên ở eo biển Đài Loan

Minh Phương

(Dân trí) - Đài Loan cho biết đang theo dõi sát hoạt động của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc, sau khi nó bất ngờ nổi lên ở eo biển Đài Loan hồi đầu tuần.

Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc bất ngờ nổi lên ở eo biển Đài Loan - 1

Tàu ngầm được cho là Type 094 của Trung Quốc nổi lên ở eo biển Đài Loan sáng 18/6 (Ảnh: SCMP).

Khoảng 5h sáng ngày 18/6, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của quân đội Trung Quốc bất ngờ nổi lên ở phía tây đường trung tuyến tại eo biển Đài Loan, cách đảo Quemoy (hay Kim Môn) khoảng 46km và cách bờ biển phía tây Đài Loan khoảng 200km.

Theo lời các ngư dân, không lâu sau, một tàu quân sự khác của Trung Quốc được nhìn thấy hộ tống tàu ngầm di chuyển về phía đại lục. Tàu ngầm không nổi lại mặt nước sau đó.

Lực lượng phòng vệ Đài Loan đã theo dõi sát tình hình thông qua các biện pháp trinh sát, tình báo.

Dựa vào ảnh chụp của ngư dân, các chuyên gia quân sự Đài Loan cho rằng đây là loại tàu ngầm Type 094. Họ đưa ra một số giả thuyết về lý do khiến tàu ngầm này bất ngờ nổi lên mặt nước gần eo biển Đài Loan: hoặc để bảo trì định kỳ, hoặc trục trặc kỹ thuật, hay thay đổi địa hình dưới nước hoặc cố ý phô trương sức mạnh.

"Các tàu ngầm hạt nhân như Type 094 có nhiệm vụ chuyên biệt và thường tránh nổi lên do tính nhạy cảm và nhu cầu tàng hình", Ying-yu Lin, giáo sư quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Tân Bắc, cho biết.

Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng con tàu gặp sự cố, trục trặc kỹ thuật và buộc phải nổi lên.

Lần gần nhất trước đó tàu ngầm Type 094 nổi lên ở eo biển Đài Loan là vào năm 2021 và 2020.

Zivon Wang, một nhà phân tích quân sự tại Hội đồng nghiên cứu chính sách nâng cao của Trung Quốc ở Đài Bắc, cho biết vị trí của tàu ngầm cho thấy nó đang di chuyển trong giới hạn 12 hải lý tính từ lãnh hải Trung Quốc đại lục.

"Đây có thể là một chuyến di chuyển thường lệ để chuyển đổi nhiệm vụ hoặc bảo trì tại xưởng đóng tàu ở biển Bột Hải, do nó hướng về phía bắc từ căn cứ tại bờ biển phía nam Hải Nam ở Biển Đông", ông nói.

Ông cho biết việc chỉ có một tàu chiến của quân đội Trung Quốc hộ tống tàu ngầm giảm khả năng xảy ra tình huống con tàu trục trặc kỹ thuật. Ông giải thích: "Thông thường, trong trường hợp xảy ra sự cố, các tàu bổ sung sẽ được điều động để hỗ trợ".

Chuyên gia này cũng cho rằng, việc con tàu di chuyển trong vùng biển gần Trung Quốc đại lục hơn cho thấy Bắc Kinh muốn tránh xung đột ngoài ý muốn.

Mặc dù vậy, sự nổi lên hiếm hoi của một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể hoạt động dưới nước trong thời gian dài, đã gây lo ngại ở Đài Loan. Điều này đặt ra câu hỏi đây là một động thái phô trương khác của Bắc Kinh nhằm vào hòn đảo hay chỉ đơn giản là một chuyến đi quá cảnh thường lệ.

Một số chính trị gia của Đài Loan lo ngại đây liệu có phải một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng sức ép quân sự lên hòn đảo hay không, đặc biệt sau cuộc tập trận hồi tháng 5 của Trung Quốc đại lục.

Su Tzu-yun, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh tại Đài Loan, nhận định sự xuất hiện của tàu ngầm có thể được hiểu là một màn phô trương sức mạnh của Trung Quốc không chỉ nhằm vào đảo Đài Loan mà còn nhằm vào Mỹ và các đồng minh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mặt khác, ông không loại trừ giả thuyết con tàu nổi lên để tránh bị va vào đá ngầm, đặc biệt ở vùng nước nông của eo biển Đài Loan.

Cũng theo một số chuyên gia quân sự, hiện giờ là cao điểm mùa đánh bắt hải sản, do vậy, việc tàu nổi lên mặt nước cũng có thể nhằm giảm nguy cơ mắc lưới.

Tàu ngầm Type 094 được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2 có tầm bắn 7.000km. Phiên bản mới nhất của nó được đưa vào biên chế từ tháng 4 và được cho là có khả năng mang theo tên lửa đạn đạo JL-3 có tầm bắn hơn 10.000 km.

Theo SCMP