1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tàu Mỹ trong vụ “chạm trán” với Trung Quốc đang “săn” tàu ngầm

(Dân trí) - Giới chức quân sự Mỹ ngày 10/3 thừa nhận, tàu hải quân bị 5 tàu Trung Quốc chặn vào cuối tuần trước đang tìm kiếm những mối đe dọa trên biển, cụ thể là tàu ngầm, mà ở đây được ngầm hiểu là tàu ngầm Trung Quốc.

Tàu Mỹ trong vụ “chạm trán” với Trung Quốc đang “săn” tàu ngầm - 1
Tàu Impeccable thực chất là một tàu do thám.
 
Phía Mỹ vẫn khẳng định rằng tàu USNS Impeccable, không mang vũ khí, hoạt động theo đúng luật ở vùng biển quốc tế khi nó bị bủa vây và quấy nhiễu bởi tàu của Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh đã phản đối gay gắt trước cáo buộc của Mỹ về vụ việc hôm chủ nhật vừa qua. Không nước nào “dịu giọng” mặc dù họ đang chuẩn bị cho cuộc gặp đầu tiên với nhiều mong đợi giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào tháng tới.

 

Mặc dù Mỹ không nói rõ về sứ mệnh của tàu Impeccable khi nó bị tàu Trung Quốc chặn, nhưng hai quan chức quân sự cho biết, tàu được thiết kế và được trang bị để làm nhiệm vụ “săn” tàu ngầm. Đây là một phần trong hoạt động do thám được tính toán kỹ lưỡng của Mỹ trong vùng biển Đông vẫn còn nhiều tranh chấp.

 

Các quan chức trên không tiết lộ danh tính do khả năng chính xác của tàu Impeccable là vấn đề nhạy cảm. Các quan chức Mỹ khác cũng cho biết quân đội Mỹ sẽ vẫn tiếp tục tuần tra trên vùng biển này, bất chấp phản đối của Trung Quốc.

 

Một quan chức tình báo Mỹ hôm qua, 10/3, cho rằng cuộc đối đầu trên là vụ việc nghiêm trọng nhất giữa hai nước Mỹ - Trung kể từ năm 2001, khi căng thẳng tăng cao vì vụ va chạm máy bay do thám Mỹ và máy bay chiến đấu Trung Quốc.

 

Được biết, tàu do thám trên kéo theo thiết bị định vị dưới nước xôna, có thể rà soát và nghe các mối đe dọa từ bên ngoài, trong đó có mìn và ngư lôi. Và khi xảy ra vụ đối đầu, hệ thống định vị dưới nước này đang hoạt động. Phía Mỹ cũng cáo buộc tàu Trung Quốc đã cố gắng phá hủy thiết bị trên bằng gậy có móc câu.

 

Vì sao có đụng độ?

 

Tàu hải quân do một đội thủy thủ dân sự vận hành nhưng dưới sự giám sát của Hải quân Mỹ. Nó không phải là một tàu chiến, mà chính xác là một tàu do thám. Hoạt động của nó là một phần trong cuộc chơi “mèo đuổi chuột” ngầm, hay cuộc truy tìm tàu ngầm nước ngoài ở các vùng biển mở của Mỹ.

 

Trong trường hợp này, việc “săn” tàu ngầm xảy ra trên vùng biển tranh chấp ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc, nhưng trong hải phận mà Bắc Kinh coi là vùng kinh tế đặc quyền 200 dặm của mình. Theo quy định quốc tế, thì Trung Quốc có chủ quyền đối với hải phận này trong việc sử dụng các nguồn tự nhiên. Nhưng điều này lại xung đột với một trong những nguyên tắc chính của Mỹ về hàng hải – quyền được tiếp cận không giới hạn trong các vùng biển quốc tế miễn là các tàu không xâm phạm tới lợi ích kinh tế của nước họ đi qua.

 

“Quan điểm của chúng tôi là chúng tôi đang hoạt động trên vùng biển quốc tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Wood hôm qua lên tiếng.

 
Trong khi Mỹ đề nghị đàm phán về vấn đề này, nhưng có vẻ như không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp.

Guan Jianqiang, một chuyên gia luật quốc tế tại Đại học chính trị và luật đông Trung Quốc tại Thượng Hải cho biết, Trung Quốc ghi nhận ít nhất 200 lần tàu Mỹ đã vào vùng kinh tế đặc quyền của nước này thu thập thông tin tình báo, nhưng Trung Quốc thường chọn cách tránh đối đầu.
 
Còn Shen Dingli, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan, Thượng Hải, cho biết Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền đối với vùng biển thuộc lợi ích kinh tế của họ. “Phía Trung Quốc mặc định rằng luật quốc tế chỉ cho phép các tàu quân đội đi qua vùng đặc quyền kinh tế của họ chứ không cho phép thực hiện các hoạt động mang mục đích quân sự”, ông nói.
 

Một chuyên gia về quân sự Trung Quốc và mối quan hệ Trung – Mỹ cho rằng hai nước cần có sách quy định rõ ràng hơn về vùng biển tranh chấp và dự đoán cả hai nước chắc chắn sẽ đảm bảo không để rạn nứt ngoại giao do vụ việc gây ra đi quá xa.

  

Giới phân tích nhấn mạnh vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm Trung Quốc sắp tuyên bố sẽ mở rộng khả năng của lực lượng hải quân. Tuần này, Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch tăng gần 15% cho chi tiêu quốc phòng vào năm nay.

 

Một quan chức hải quân hàng đầu của Trung Quốc tuần trước còn tiết lộ nước này sẽ sớm có tàu sân bay. Thông tin làm nảy sinh những đồn đoán quanh một tuyên bố chính thức về một dự án quan trọng nhưng đã bị hoãn lại. Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cho hay chính quyền Obama đang xem xét liệu có nêu ra vấn đề này với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, người sẽ tới Washington vào ngày hôm nay để họp bàn với các nhà ngoại giao Mỹ, hay không.

 

Phan Anh

Theo AP, AFP