1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tàu hải quân Trung Quốc vẫn “đóng đô” ở Scarborough

(Dân trí) - Một năm sau vụ chạm trán hải quân giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough trên Biển Đông, 2-3 tàu hải quân của Trung Quốc vẫn “đóng đô” tại đây.

 

Philippines ngừng chuyến thăm đảo tranh chấp của người biểu tình
Tàu hải giám của Trung Quốc gần bãi đá ngầm Scarborough.

Tờ Manila Times của Philippines ngày 9/4 dẫn lời một quan chức giấu tên của nước này cho biết thông tin trên.

 

“Chúng (tàu Trung Quốc) chưa bao giờ rời đi (khỏi bãi cạn)’, nguồn tin cho biết. Ngoài ra theo nguồn tin, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) chưa bao giờ có thể phái một tàu khác tới khu vực kể từ khi rút tàu BRP Gregorio del Pilar ra khỏi bãi cạn vào tháng 6 năm ngoái.

 

Ngày 9/4 là kỷ niệm tròn một năm xảy ra vụ chạm trán hải quân giữa Philippines và Trung Quốc, cuộc chạm trán đã gây ra căng thẳng ngoại giao tồi tệ nhất giữa hai nước trong nhiều năm qua.

 

Theo quan chức trên, PCG cũng không có thông tin về hoạt động của các tàu Trung Quốc ở bãi cạn.

 

Thông tin báo chí trước đó cho biết Trung Quốc đã kiểm soát bãi cạn Scarborough sau khi Tổng thống Benigno Aquino rút các tàu đi vào thời điểm mùa bão đến. Tổng thống Philippines khi đó cho biết phía Trung Quốc cũng cam kết rút tàu.

 

Raul Hernandez, Ngoại trưởng Philipipnes, từ chối bình luận về vấn đề này. Ông cho biết Bộ Ngoại giao không có thông tin về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough, nằm cách một đô thị tự trị ở Zambales, Philippines, chỉ 124 hải lý.

 

Kể từ khi xảy ra xung đột, Bắc Kinh và Manila đã có những cuộc “khẩu chiến” nảy lửa, với Philippines gửi hàng chục công hàm phản đối tới chính phủ Trung Quốc.

 

Vào ngày 22/1 năm nay, Manila đã mạnh dạn tiến một bước trong cuộc tranh chấp, khi đưa Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế, kiện cái gọi là “đường 9 đoạn” Trung Quốc tự vẽ ra để độc chiếm Biển Đông.

 

Song Trung Quốc không chấp nhận và vẫn khăng khăng giải quyết tranh chấp biển đảo qua đàm phán song phương. Nước này cũng lớn tiếng tuyên bố không một tòa án quốc tế hay tổ chức nào có thể giải quyết được vấn đề chủ quyền.

 

Ruan Zongze, phó chủ tịch Viện nghiên cứu quốc tế của Trung Quốc (CIIS), cơ quan nằm dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cảnh báo tại một cuộc họp báo ở Manila rằng, những năm tới sẽ là “những năm khó khăn” trong quan hệ hai nước. Ông cho rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc-Philippines sẽ không lạc quan nếu Manila không đàm phán song phương với Trung Quốc. Theo ông, việc Philippines đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế đã gửi thông điệp phi hòa bình tới Trung Quốc và Trung Quốc xem đây là một dạng leo thang căng thẳng.

 

Vũ Quý

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm