1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu đô đốc Mỹ tới cảng Poti của Gruzia

(Dân trí) - Tàu đô đốc Mỹ hôm qua đã tới cảng chính Poti của Gruzia, nơi vẫn còn sự hiện diện của quân đội Nga sau cuộc xung đột bùng phát vào ngày 8/8. Mặc dù Mỹ khẳng định tàu chở hàng cứu trợ, nhưng nó được xem như là một sự thách thức với Nga.

Tàu đô đốc USS Mount Whitney, thuộc hạm đội Địa Trung Hải của Hải quân Mỹ, là tàu hải quân đầu tiên tới cảng Poti kể từ cuộc chiến kéo dài 5 ngày giữa Nga và Gruzia vào tháng trước. Việc hàng trăm binh lính Nga vẫn tiếp tục hiện diện ở cảng Poti là một trong những rạn nứt chính giữa Nga và phương Tây.

 

Mount Whitney thả neo trong điều kiện sóng to, gió mạnh, trong khi các binh sỹ hải quân đưa khách đi thăm quan tàu. Một trong hai doanh trại của Nga tại Poti có thể nhìn thấy từ trên boong tàu; lá cờ màu xanh lực lượng gìn giữ hoà bình Nga có thể thấy tung bay trong gió.

 

Trước Mount Whitney, hai tàu Mỹ đã tới và mang hàng cứu trợ cho Gruzia, nhưng chúng đều thả neo ở cảng Batumi, một hải cảng nhỏ hơn, nằm ở phía nam và không có sự hiện diện của binh sỹ Nga.

 

Động thái thả neo “giáp mặt” ở cảng Poti lần này của Mỹ diễn ra đúng thời điểm Phó tổng thống Dick Cheney vừa rời Gruzia và đang thăm Ukraine, một nước thuộc Liên Xô trước kia.

 

Tại Ukraine, Cheney cam kết Mỹ sẽ ủng hộ cho tự do, an ninh của Ukraine, và khẳng định người Ukraine sẽ không phải bị sống dưới “đe doạ về kinh tế và quân sự” của Nga.

 

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Rice cũng cho rằng Nga đang “ngày một bị cô lập” khi không tôn trọng những cam kết rút quân khỏi Gruzia.

 

Tuy nhiên, Nga đã có lời đáp trả, khi trong ngày hôm qua, nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo 6 nước thuộc Liên Xô trước kia. Họ đã ra một tuyên bố chung, lên án Gruzia sử dụng vũ lực nhằm giành sự kiểm soát đối với vùng Nam Ossetia. Đây là tuyên bố của Tổ chức hiệp ước an ninh chung, gắn kết Mátxcơva với Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Tuyên bố ngoài ra còn ca ngợi Nga đã “giúp gìn giữ hoà bình và an ninh” trong khu vực.

 

Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống cánh tả Nicaragua đã biến nước ông trở thành nước Trung Mỹ đầu tiên ủng hộ sự công nhận độc lập của Nga đối với Nam Ossetia và Abkhazia.

 

Nga nghi ngờ mục đích của tàu đô đốc Mỹ

 

Nga cũng bày tỏ nghi ngờ đối với mục đích cứu trợ của tàu Mount Whitney và các tàu chiến khác của Mỹ. Nga cho rằng việc Mỹ trước kia hỗ trợ quân sự cho Gruzia đã khuyến khích Gruzia tiến hành cuộc tấn công ở Nam Ossetia, và những chuyến hàng mới đây có thể là vỏ bọc cho việc vận chuyển vũ khí cho Gruzia. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ phủ nhận cáo buộc này, khẳng định tàu của họ chỉ mang đồ cứu trợ như chăn màn, sữa.

 

Ngoài ra, về động thái Mỹ viện trợ cho Gruzia 1 tỷ USD để tái thiết nền kinh tế, cơ sở hạ tầng sau xung đột, Tổng thống Nga Medvedev cũng cảnh báo: “Chúng tôi không muốn Gruzia, nước đã hành động như một kẻ hiếu chiến, tiếp tục tự củng cố quân sự theo cách không được kiểm soát, với những mục đích không rõ ràng, và với những kết quả cũng hoàn toàn không rõ ràng”.

 

Phan Anh

Theo AP