1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tàu chiến Mỹ ào tới Biển Đông, đôi công Trung Quốc

Chính sách chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á, đối phó với Trung Quốc của Mỹ đã bắt đầu thực tế hơn khi Mỹ triển khai lớp tàu chiến mới được thiết kế để chiến đấu ở khu vực ven biển.

Tàu chiến duyên hải USS Freedom của Mỹ.

Tàu chiến duyên hải USS Freedom của Mỹ.

Hôm thứ tư, 20-3, tàu chiến USS Freedom đã vượt qua Tây Thái Bình Dương và đang trên đường tới Singapore, nơi tàu chiến này sẽ được triển khai trong 8 tháng tới. Cuối cùng, 4 tàu chiến duyên hải sẽ hoạt động liên tục tại Căn cứ Hải quân Changi của Singapore, gần Biển Đông.

Trung Quốc mới đây ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên phần lớn khu vực Biển Đông và cũng có căng thẳng với Nhật Bản về tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo không người ở Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Theo tạp chí Time của Mỹ, những lo lắng về khả năng quân sự đang ngày càng lớn mạnh cũng như tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc là lý do chủ yếu đằng sau kế hoạch xây dựng hay “tái cân bằng” lực lượng quân sự trong khu vực của Mỹ.

Cho đến nay, kế hoạch chuyển trục của Mỹ chưa có nhiều động thái mạnh mẽ. Thủy quân lục chiến tăng quân số đóng ở Okinawa từ 10.000 đến 18.000, nhưng về cơ bản, quân số này bằng với quân số trước khi diễn ra cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan. Khoảng 200 lính thủy quân lục chiến đã được gửi tới Úc trong 6 tháng cuối năm vừa rồi mà con số tương tự cũng sẽ được đưa đến vào mùa xuân năm nay. Đây có thể được coi là bước tiến quan trọng, song vẫn chưa thực sự gọi là đáng kể để tăng sức mạnh chiến đấu.

Tàu chiến USS Freedom cùng những tàu chiến khác được triển khai ở Singapore được thiết kế để có thể chạy nhanh, tàng hình và tương đối rẻ. Dự kiến, chúng sẽ hoạt động ở những vùng nước nông hoặc gần với các khu vực duyên hải, nơi những tàu sân bay và những tàu chiến lớn khác đang ngày càng dễ bị tổn thương bởi hệ thống tên lửa và máy bay trên bờ.

Tạp chí Time cho biết, những chiếc tàu chiến mới này có thể được trang bị thiết bị phục vụ việc dò mìn, tiến hành chiến tranh trên mặt đất hoặc các hoạt động chống tàu ngầm. Hải quân Mỹ kế hoạch mua 55 tàu chiến với giá 420 triệu USD mỗi tàu. Hầu hết những tàu này sẽ được triển khai khắp khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Ông Tetsuo Kotani, một chuyên gia an ninh hàng hải tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, tại Tokyo, cho biết những tàu chiến duyên hải thể hiện thách thức trực tiếp đối với Trung Quốc. Tàu sẽ hoạt động ở eo biển Malacca, nơi 40% tàu thương gia của thế giới đi qua và các vùng nước nông ở khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.

“Việc triển khai tàu USS Freedom không chỉ mang tính biểu tượng mà còn có ý nghĩa quan trọng về khả năng chiến đấu. Tương lai của châu Á phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc tôn trọng hay thách thức việc triển khai này”, ông Kotani nói trong chuyến thăm tàu Freedom tại Trân Châu Cảng ở Hawaii tuần trước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một giám đốc cơ quan thử nghiệm và đánh giá độc lập với Lầu Năm Góc cho rằng mặc dù được xây dựng bằng các vật liệu công nghệ cao và các thiết bị điện tử tối tân nhưng vỏ tàu khá mỏng và “khó có thể sống sót trong môi trường chiến đấu khốc liệt”.

Chỉ huy trưởng các hoạt động hải quân lại cho rằng con tàu như vậy là phù hợp bởi con tàu này sẽ không triển khai ở những địa điểm chiến đấu cao độ.

Đô đốc Jonathan Greenert cho biết: “Những tàu chiến duyên hải sẽ tập trung tập trận, viếng thăm cảng, chống cướp biển, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai”. Những con tàu lớn, mạnh hơn có thể sẽ được triển khai để đối phó với Trung Quốc.

Phan Yến
Theo Time