Tàu chiến, máy bay Nga, NATO ken kín Địa Trung Hải sau vụ Su-24
Liên quan đến cuộc nội chiến ở Syria, các bên đã gia tăng hiện diện quân sự ở một cấp độ rộng hơn, mở rộng ra cả Địa Trung Hải và Biển Đen sau những căng thẳng mới đây giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm 3/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc gặp với đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu. Đây là phiên tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai bên sau vụ tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga hôm 24/11. Không có bước đột phá nào được tạo ra và căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trái lại, các bên liên tục có động thái gia tăng sức mạnh ở khu vực.
Soái hạm Moskva thuộc hạm đội Biển Đen (Nga) vượt qua eo Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) để tới vùng biển Syria làm nhiệm vụ bảo vệ máy bay Nga. (Ảnh: EPA)
Hôm 4/12, tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đã hiện diện ngoài khơi Syria, mở rộng thêm bức tranh leo thang căng thẳng vốn đã tồn tại ở khu vực sau sự kiện ngày 24/11. Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định điều thêm máy bay, trang bị tên lửa không đối không cho số máy bay thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt quân khủng bố ở Syria. Nga cũng đang tính triển khai mới một căn cứ không quân ở nước này, bên cạnh căn cứ gần Latakia. Quân đội Nga cũng đã đưa hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 tới Syria cùng với đó là bước chuyển giao các hệ thống S-300 cho Iran.
Về phần mình, trước khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga, Mỹ tăng cường nhiều phi đội F-16 tại căn cứ İncirlik thuộc Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria. Ngay sau động thái của Nga phái tàu chiến, máy bay tới cảng quân sự Tartus (Syria), Mỹ điều động một loạt chiến đấu cơ F-15, A-10 và một tàu khu trục tên lửa tới khu vực. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng không đứng ngoài cuộc. Sau sự kiện hôm 24/11, ý tưởng tăng cường sức mạnh quân sự của NATO ở Địa Trung Hải có thêm đà tiến. Liên minh quân sự này đã điều tàu chiến của Đức, Đan Mạch tới vùng biển ngoài khơi của Thổ Nhĩ Kỳ. Tàu chiến của Canada, Tây Ban Nha, Bồ Đà Nha cũng được lệnh di chuyển tới Biển Đen.
Vùng biển Đông Địa Trung Hải đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của số lượng tàu chiến các loại. Theo thống kê của Thổ Nhĩ Kỳ, nước này hiện có 34 tàu tại đây (20 tàu khu trục); tiếp đó là Nga (13 tàu, trong đó có 4 tàu khu trục), Pháp (5 tàu, kể cả tàu sân bay Charles De Gaulle), Italy (2 tàu), Mỹ (3 tàu khu trục); Anh, Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hà Lan mỗi nước có 1 tàu.
Ở trên không, các máy bay của Anh xuất kích từ các căn cứ ở đảo Cyprus đã mở các cuộc không kích nhằm vào quân khủng bố IS ở Syria ngay sau khi nhận được sự đồng ý từ Quốc hội Anh. Mới nhất, Đức cũng thông qua kế hoạch gửi 6 tiêm kích Tornado, một máy bay tiếp dầu tham gia chiến dịch không kích của liên quân. Berlin đề nghị Ankara cho phép sử dụng căn cứ Incrilik để thực hiện các nhiệm vụ do thám bằng máy bay Tornado, cũng như làm nơi đồn trú cho binh sĩ Đức. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng mở cửa không phận cho chiến đấu cơ của Pháp và giờ là cả tàu sân bay Charles De Gaulle.
Giới phân tích nhận định, việc các bên gia tăng sức mạnh, hiện diện quân sự trong một phạm vi khá hẹp (xung quanh chiến trường Syria) cả ở trên không và trên biển có thể tiềm ẩn nguy cơ va chạm, xung đột. Sẽ không thể nói trước được điều gì, nhất là khi Syria vẫn đang trong thời kỳ nội chiến và lồng khung trong đó là cả một tổ chức khủng bố IS vẫn tìm cách vươn vòi, thể hiện sức mạnh. Thêm một sự cố nào nữa, dù là vô tình hay cố ý, cũng sẽ làm cho đối đầu leo thang, đẩy các bên vào một cuộc xung đột quân sự. Lịch sử thế giới nhiều lần cho thấy rằng, các cuộc đụng độ nhiều khi nổ ra mà xuất phát điểm của nó chỉ là một sự va chạm ngoài ý muốn, hoặc một sự hiểu lầm, nhưng lại bị đẩy căng lên theo toan tính của kẻ trong cuộc.
Theo Hoài Thanh/Hurriyet, al Monitor