1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tàu cá Trung Quốc ồ ạt tràn xuống Biển Đông sau thời hạn cấm đánh bắt

Thành Đạt Đức Hoàng

(Dân trí) - Các tàu cá Trung Quốc đã rời khỏi các cảng ở Trung Quốc khi lệnh cấm đánh bắt cá thường niên tại khu vực biển Đông và Hoa Đông được dỡ bỏ.

Tàu cá Trung Quốc ồ ạt tràn xuống Biển Đông sau thời hạn cấm đánh bắt - 1

Các tàu cá Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Theo Tân Hoa Xã, lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông đã hết hiệu lực vào ngày 16/8.

Trước đó, Trung Quốc đã đơn phương áp đặt cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá tại một số khu vực ở Biển Đông và biển Hoa Đông từ hồi tháng 5 với lý do bảo vệ tài nguyên biển.

Lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông được Trung Quốc ngang nhiên thực hiện từ năm 1999, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Theo NHK, sau khi lệnh cấm đánh bắt hết hiệu lực hôm qua, một số lượng lớn tàu cá đã tỏa ra biển từ một cảng ở tỉnh Phúc Kiến, phía nam Trung Quốc. Pháo sáng đã được phóng lên để đánh dấu mùa đánh bắt cá bắt đầu.

NHK cho biết các tàu cá Trung Quốc được tàu tuần duyên của nước này hộ tống.

Tân Hoa Xã đưa tin lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông năm nay, bắt đầu từ 1/5, được xem là một trong những lệnh cấm khắc nghiệt nhất trong lịch sử khi Trung Quốc triển khai nhiều công nghệ mới như định vị vệ tinh, giám sát video, quản lý kho dữ liệu lớn. Những biện pháp này được sử dụng như những cách tiếp cận mới cho hoạt động chấp pháp trên biển của Trung Quốc.

Trong giai đoạn thực thi lệnh cấm, kéo dài hơn 3 tháng, lực lượng chấp pháp trên biển ở tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc đã điều tàu để thực hiện 5.605 cuộc tuần tra, trong đó xử lý 1.768 vụ vi phạm lệnh cấm, tịch thu 1.691 tàu cá bị Trung Quốc cho là đánh bắt trái phép và hủy bỏ 630.000 m2 lưới đánh bắt bị cáo buộc sử dụng bất hợp pháp.

Theo truyền thông Nhật Bản, Trung Quốc đã thông báo với Tokyo về việc lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng biển quanh quần đảo tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) sẽ hết hiệu lực vào ngày 16/8.

Giới quan sát cho rằng sau khi dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực này, Trung Quốc có thể cho phép một đội tàu đánh bắt quy mô lớn với sự hậu thuẫn của lực lượng dân quân biển, tuần duyên và hải quân Trung Quốc đánh bắt xung quanh quần đảo tranh chấp với Nhật Bản.

Tàu cá Trung Quốc không được đánh bắt gần Điếu Ngư/Senkaku?

Tuy nhiên, Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đưa tin, chính phủ Trung Quốc dường như đã ban hành lệnh cấm ngư dân nước này tới đánh bắt ở khu vực đảo Điếu Ngư/Senkaku nhằm tránh làm gia tăng căng thẳng với Nhật Bản.

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản dẫn nguồn tin cho biết các tàu cá Trung Quốc được chỉ đạo không tiếp cận khu vực Điếu Ngư/Senkaku sau khi lệnh cấm đánh bắt được dỡ bỏ.

Nguồn tin nói rằng các tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang đã chỉ thị các đội tàu cá không đi vào khu vực 30 hải lý (56 km) quanh khu vực quần đảo không người ở.

Một ngư dân ở Thạch Sư, Phúc Kiến nói với Kyodo rằng chính quyền địa phương ngoài cảnh báo trực tiếp với ngư dân, còn treo băng rôn ở cảng với thông điệp “nghiêm cấm đánh cá ở vùng biển nhạy cảm”.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono nói rằng lực lượng phòng vệ nước này “sẽ hành động cứng rắn khi cần thiết” nếu các tàu Trung Quốc gia tăng hoạt động ở khu vực quần đảo tranh chấp.

Theo SCMP, Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ đáp trả nếu đội tàu cá Trung Quốc quay lại vùng biển xung quanh Điếu Ngư/Senkaku sau khi lệnh cấm đánh cá mùa hè của Bắc Kinh tại Hoa Đông hết hạn ngày 16/8.

Giới quan sát cho rằng chính quyền Trung Quốc có thể đưa ra động thái kiềm chế nhằm tránh gia tăng xung đột với Nhật Bản, trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Mỹ đang xấu đi.

“Trung Quốc không muốn căng thẳng với Nhật Bản vì vấn đề Điếu Ngư/Senkaku khi quan hệ Bắc Kinh và Washington ngày càng tồi tệ”, chuyên gia Liu Nanlai của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định.

Hiện thời, phía Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ tuyên bố chính thức nào.

Theo Japan Times, chính quyền Phúc Kiến năm ngoái được cho cũng yêu cầu các tàu cá tránh xa khu vực quần đảo tranh chấp để xuống thang căng thẳng trước chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu năm nay. Tuy nhiên, chuyến thăm này đã bị hoãn lại vì dịch Covid-19.