1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu cá Trung Quốc lộng hành: Chạm trán chết người

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Seoul không ngừng tăng do đánh bắt cá trái phép. Cảnh sát biển Hàn Quốc quyết không nương tay với lực lượng ngư dân ngày càng táo tợn của kẻ hàng xóm đang "khát cá của cả thế giới"

Một đặc điểm cực kỳ đáng ngại của ngư dân Trung Quốc là dù đánh bắt lậu nhưng ra quân rất đông đảo. Khi một tàu cá bị bắt hay bị truy đuổi, rất nhiều chiếc "cùng hội, cùng thuyền" lại hùa vào thách thức và đối đầu lực lượng chức năng sở tại, dẫn tới những diễn biến phức tạp khó lường, thậm chí gây chết người.

Manh động, hung hãn

Vào tháng 10-2014, một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hàn Quốc đã bị lực lượng tuần duyên nước này nổ súng. Đây là lần đầu tiên một ngư dân Trung Quốc bị Lực lượng Tuần duyên Hàn Quốc bắn chết trong lúc họ truy quét nạn đánh cá trái phép ở vùng biển phía Tây huyện Buan, tỉnh Bắc Jeolla.


Tàu cá Trung Quốc bị lực lượng tuần duyên Hàn Quốc bắt giữ tại một cảng ở Incheon Ảnh: YONHAP

Tàu cá Trung Quốc bị lực lượng tuần duyên Hàn Quốc bắt giữ tại một cảng ở Incheon Ảnh: YONHAP

Quan chức Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc Kim Hye Gyeong cho biết thuyền trưởng Trung Quốc họ Tống, 45 tuổi, đã trúng đạn vào bụng từ khẩu súng ngắn của một lính tuần duyên khi ngư dân này chống đối cuộc kiểm tra và tìm cách tấn công lực lượng tuần duyên tại vùng biển cách đảo Wangdeung 144 km về phía Tây.

Chỉ huy Choi Chang-sam của Lực lượng Tuần duyên TP Mokpo - Hàn Quốc khẳng định các ngư dân phía Trung Quốc uy hiếp lính tuần duyên bằng dao. Hãng thông tấn Yonhap đưa tin họ còn giật mũ sĩ quan tuần duyên và toan bóp cổ ông Choi. Bốn tàu cá Trung Quốc khác bao vây tàu tuần duyên Hàn Quốc để tìm cách ngăn chặn vụ bắt giữ.

Quyền đánh bắt bắt đầu trở thành vấn đề nghiêm trọng giữa 2 nước từ vài năm trước đó, khi Seoul cho rằng sự xâm phạm của ngư dân Trung Quốc đang làm kiệt quệ các loài cá biển. Kể từ khi Hàn Quốc tăng cường tuần tra vào năm 2011, mỗi năm có tới 530 tàu Trung Quốc bị bắt giữ vì đánh bắt trái phép và các vi phạm khác. Phần lớn các tàu đều được thả sau khi ngư dân bị thẩm vấn và nộp phạt.

Khi xảy ra vụ chìm phà Sewol rúng động dư luận thế giới hồi tháng 4-2014 khiến 304 người thiệt mạng, Lực lượng Tuần duyên Hàn Quốc đã giải thích rằng một phần nguyên nhân họ không thể phản ứng nhanh là do quá nhiều tàu đang ở xa vì tham gia một cuộc tập trận tập trung nhằm đối phó nạn đánh bắt phi pháp của ngư dân Trung Quốc.

Đụng độ đổ máu

Nỗ lực ngăn chặn tàu Trung Quốc từng dẫn tới những cuộc đụng độ bạo lực trước đó. Vào năm 2011, một sĩ quan tuần duyên Hàn Quốc đã bị ngư dân Trung Quốc đâm chết. Năm 2012, một ngư dân Trung Quốc thiệt mạng sau khi trúng đạn cao su của Lực lượng Tuần duyên Hàn Quốc. Phía tuần duyên Hàn Quốc từng công bố nhiều video cho thấy ngư dân Trung Quốc vung rìu và các ống kim loại để ngăn cản lực lượng chức năng lên tàu kiểm tra.

Cách thức phản ứng cực đoan của các ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép cũng dẫn tới một bi kịch chết người khác vào tháng 9-2016. Lúc đó, một tàu cá Trung Quốc 102 tấn tìm cách bỏ chạy khi bị Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc yêu cầu dừng lại để kiểm tra tại khu vực cách đảo Hong - Hàn Quốc khoảng 70 km về phía Đông Nam, phía Tây TP Mokpo.

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cho biết khi các sĩ quan của họ lên tàu cá Trung Quốc, một số ngư dân khóa trái buồng lái và phòng động cơ. Các như dân này sau đó còn tiếp tục tìm cách cho tàu bỏ chạy khi các sĩ quan Hàn Quốc đang có mặt.

Lực lượng Hàn Quốc đã ném lựu đạn choáng không sát thương vào các khoang bị khóa trái để buộc những người ẩn náu bên trong phải ra ngoài. Tuy nhiên, hỏa hoạn bùng phát làm 3 ngư dân Trung Quốc thiệt mạng.

Sự phản ứng kiên quyết của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc vẫn không ngăn được hạm đội tàu cá táo tợn của Trung Quốc. Đến tháng 10-2016, Seoul đã tuyên bố thẳng thừng sẽ đối phó mạnh với các tàu cá của Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trên vùng biển của Hàn Quốc và sẽ sử dụng súng trong trường hợp cần thiết.

Chưa đầy 1 tháng sau tuyên bố trên, báo chí địa phương cho biết Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc đã nã 700 phát đạn súng máy M60 khi bị hơn 30 tàu cá vỏ sắt Trung Quốc vây hãm trong lúc họ áp tải 2 tàu cá vi phạm bị bắt giữ về Incheon. Theo quan chức cảnh sát biển Kim Jung-shik, dù không ai thương vong nhưng vụ việc này đã đánh dấu lần đầu tiên, lực lượng chức năng Hàn Quốc thực sự sử dụng vũ khí nhằm vào tàu cá Trung Quốc.

Sau vụ đụng độ đình đám vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía Bắc Kinh này, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc vẫn tiếp tục tốn không ít đạn vì sự lộng hành của các tàu cá Trung Quốc. Gần đây nhất, theo Phoenix TV, vào tháng 1-2018, tàu Hàn Quốc đã bắn hơn 400 phát đạn súng máy về phía các tàu cá Trung Quốc hoạt động phi pháp.

Vụ việc trên diễn ra sau một cuộc đụng độ cách đó chưa đầy 1 tháng. Lúc ấy, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc đã bắn 180 phát M-60 và 70 phát súng lục, súng trường khi 44 tàu đánh cá trang bị lưới thép của Trung Quốc phớt lờ mọi tín hiệu cảnh cáo, tìm cách bao vây và va chạm với tàu tuần tra Hàn Quốc tại vùng biển phía Tây Nam nước này, gần đảo Gageodo.

Ở các khu vực khác trên thế giới, như bờ biển Indonesia, Argentina hay châu Phi..., sự manh động của các ngư dân Trung Quốc ngày càng gia tăng cũng dẫn tới nhiều vụ đụng độ gây đổ máu đáng lo ngại.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-2

Kỳ tới: Hạm đội "bóng ma"

Vũ khí bí mật

Trang The Epoch Times gọi đội ngư dân là lực lượng "hải quân mới" của Trung Quốc. Những tàu cá của họ được trang bị hệ thống vệ tinh hàng hải cấp độ quân sự - gọi là Beidou, kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Ngư dân chỉ phải trả khoảng 10% chi phí của hệ thống hiện đại này, phần còn lại chính quyền hỗ trợ. Ngư dân Hải Nam - Trung Quốc thậm chí còn được khuyến khích đi vào các vùng biển tranh chấp và hệ thống vệ tinh trên tàu cá sẽ giúp nghe ngóng các tàu nước ngoài.

Trang National Interest đánh giá với việc trang bị hệ thống định vị này, Trung Quốc đã biến các tàu cá thành vũ khí bí mật, phục vụ cho tham vọng bành trướng trên biển của Bắc Kinh.

Theo Đỗ Quyên

Người lao động