1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu cá Trung Quốc lộng hành

Một vấn đề gây tranh cãi khác là Trung Quốc trợ giá nhiên liệu cho đội tàu cá nước mình và khăng khăng không chịu chấm dứt bất chấp bị phản đối

Lực lượng cảnh sát biển Argentina vừa buộc phải sử dụng tới súng máy và đại bác trong quá trình truy bắt tàu cá Trung Quốc, qua đó nêu bật mối đe dọa ngày càng tăng từ đội tàu cá khổng lồ của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Cuộc chiến không dễ dàng

Hãng tin AP dẫn tuyên bố của cảnh sát biển Argentina hôm 23-2 cho biết đã sử dụng súng máy và đại bác bắn về phía tàu Jing Yuan 626 sau khi phát hiện nó đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này trước đó một ngày. Sau đó, tàu cảnh sát biển Argentina đuổi bắt tàu Jing Yuan 626 gần 8 giờ trước khi nhận lệnh ngừng từ Bộ Ngoại giao. Nhờ vậy, tàu Jing Yuan 626 chạy thoát, không có ai bị thương cũng không có ngư dân nào bị bắt. Đáng chú ý là ngoài Jing Yuan 626, 4 tàu treo cờ Trung Quốc khác đã tìm cách đâm vào các tàu cảnh sát biển Argentina.

Đây không phải là lần đầu tiên quốc gia Nam Mỹ này mạnh tay với tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc hoạt động phi pháp. Năm 2016, một tàu cá Trung Quốc với 32 thành viên thủy thủ đoàn bị tàu tuần tra Argentina đánh chìm trong khi cố chạy ra vùng biển quốc tế.


Thành viên lực lượng tuần duyên Argentina theo dõi tàu Jing Yuan 626 Ảnh: PREFECTURANAVAL.GOB.AR

Thành viên lực lượng tuần duyên Argentina theo dõi tàu Jing Yuan 626 Ảnh: PREFECTURANAVAL.GOB.AR

Ngoài Argentina, lực lượng tuần duyên Hàn Quốc cũng sử dụng súng máy và những vũ khí khác trong nỗ lực trấn áp nạn đánh bắt trái phép của tàu cá Trung Quốc.

Hồi tháng 1-2018, tàu Hàn Quốc bắn hơn 400 phát đạn súng máy về phía một nhóm tàu Trung Quốc hoạt động phi pháp, sau đó bắt giữ 2 tàu và 20 ngư dân. Trước đó, hồi tháng 12-2017, tàu tuần duyên Hàn Quốc bắn gần 250 phát đạn trong cuộc đối đầu với hơn 40 tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển gần đảo Gageodo. Seoul đã tăng cường nỗ lực chống nạn đánh bắt trái phép sau khi ghi nhận khoản thiệt hại lên đến 1,2 tỉ USD từ hành vi này năm 2016.

Dù vậy, đây hứa hẹn là cuộc chiến không dễ dàng gì trong bối cảnh quy mô, thời gian và phạm vi hoạt động của đội tàu cá Trung Quốc khiến thế giới không khỏi giật mình. Theo thống kê mới đây của tổ chức Global Fishing Watch (GFW), tàu cá Trung Quốc đại lục hoạt động khoảng 17 triệu giờ trong năm 2016.

Ngoài địa bàn quen thuộc là vùng biển phía Nam nước này, tàu cá Trung Quốc còn "vươn vòi" đến tận châu Phi, châu Mỹ và cả Nam Cực và không phải lúc nào cũng được chào đón tại các vùng biển xa nhà. Năm ngoái, tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ ở Senegal, Guinea, Sierra Leone và Guinea-Bissau vì đánh bắt trái phép.

Xung đột cũng xảy ra giữa tàu cá Trung Quốc và lực lượng tuần duyên nhiều nước. Ngoài ra, nhà chức trách Nam Phi hồi đầu tháng 2 phát hiện 6 tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt trái phép ngoài khơi thị trấn Shelly Beach. Ba tàu trong số này đã tắt thiết bị phát đáp để tránh bị giám sát, theo trang South Coast Herald.

Tăng cường vơ vét

Theo giới phân tích, sự hoành hành của tàu cá Trung Quốc ở các vùng biển xa nhà không chỉ làm gia tăng căng thẳng thông qua xung đột với ngư dân và lực lượng nước ngoài mà còn làm gia tăng gánh nặng lên nguồn tài nguyên cá của thế giới. Bắc Kinh đang có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động của đội tàu đánh cá biển xa giữa lúc tài nguyên của các vùng biển gần bờ cạn kiệt.

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, đội tàu cá được sự tài trợ của nhà nước này dự định tăng sản lượng đánh bắt thường niên từ 2 triệu tấn năm 2016 lên 2,3 triệu tấn năm 2020. Số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy khoảng 90 triệu tấn cá được đánh bắt trong môi trường tự nhiên trên thế giới năm 2016.

Kế hoạch nói trên dẫn đến nỗi lo của cộng đồng quốc tế về sự sụt giảm số lượng các loài cá và bùng nổ hoạt động trái phép của tàu cá Trung Quốc tại những vùng biển có chủ quyền. Một vấn đề gây tranh cãi khác là chuyện Bắc Kinh trợ giá nhiên liệu cho đội tàu cá Trung Quốc - được đưa ra tranh luận tại hội nghị bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Argentina hồi tháng 12-2017. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn khăng khăng không chịu chấm dứt hành động trợ giá này.

Trước thềm hội nghị nói trên, theo tờ Financial Times, Bắc Kinh cho biết sẽ khống chế số lượng tàu cá xa bờ ở mức 2.000 chiếc vào năm 2020, tức tăng thêm khoảng 100 chiếc so với con số hiện nay. Dù vậy, điều này không ngăn các công ty đánh cá Trung Quốc đưa tàu lớn hơn vào hoạt động.

"Ngành công nghiệp đánh cá xa bờ của Trung Quốc cần hãm phanh khẩn cấp để tránh trở thành vấn đề làm tổn hại đến hình ảnh quốc tế của nước này" - ông Bolei Liu, nhà phân tích tại tổ chức Greenpeace, cảnh báo. Tổ chức này ước tính lực lượng tàu đánh cá xa bờ của Bắc Kinh hiện đông đảo nhất thế giới với 2.500 chiếc.

Mối đe dọa ở biển Đông

Theo một số chuyên gia, những sự cố liên quan đến tàu cá và tàu của lực lượng thực thi pháp luật hàng hải, đôi khi gây ra hậu quả không nhỏ, đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở biển Đông. Hồi tháng 3-2016, tranh cãi ngoại giao đã nổ ra sau khi một tàu tuần tra Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc hoạt động gần quần đảo Natuna. Indonesia chỉ thả tàu này sau khi có sự can thiệp của tàu tuần duyên Trung Quốc.

Trang East Asia Forum nhận định tàu Trung Quốc liên quan đến nhiều vụ việc ở biển Đông. Một tổ chức tư vấn Mỹ ước tính tàu hải cảnh Trung Quốc liên quan đến ít nhất 71% trong số 45 vụ việc nghiêm trọng xảy ra trên biển Đông trong giai đoạn 2010-2016. Nỗi lo ở đây là Trung Quốc đã vũ trang tàu cá để phát triển một lực lượng dân quân biển. Một số vụ việc gần đây bị quy cho một số tàu cá Trung Quốc hành xử như dân quân biển. Lực lượng này còn bị xem là một phần của những hành động ngày càng khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông.

Tháng 11-2016, đô đốc Scott Swift, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, bày tỏ nỗi lo về lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Ngoài ra, báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về những diễn biến quân sự, an ninh của Bắc Kinh trong năm 2017 lưu ý rằng dân quân biển Trung Quốc đóng một vai trò đáng kể trong một số chiến dịch quân sự và hành động dọa nạt trong mấy năm qua, như quấy rối, cản trở tàu nước khác hoạt động. Từ đó, nhiều nhà bình luận quốc phòng Mỹ xem đây là thách thức đòi hỏi phải mở rộng các cấu trúc lực lượng của Mỹ và đồng minh.

Lục San

Kỳ tới: Vét cạn biển Tây Phi

Theo Hoàng Phương

Người lao động