1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tập trận Nga – Trung: không đơn giản là “Sứ mệnh hoà bình”

"Hai nước muốn Washington hiểu thế giới không còn là đơn cực mà là đa cực, và rằng đất nước rộng nhất thế giới (Nga) và đông dân nhất thế giới (Trung Quốc) có cùng sự quan tâm", trích bình luận của một tờ báo Anh.

Nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Nga - Trung Quốc (TQ) tiến hành một cuộc tập trận lớn, các hãng tin thống nhất hai nước muốn nhấn mạnh một trật tự đa cực, như The Independent (Anh) ngày 19/8 tóm gọn.

 

Tuy nhiên, các nhà quan sát còn bổ sung một số ý nghĩa của "Sứ mệnh hòa bình 2005" mà theo họ, "không đơn giản như tên gọi" của nó.

 

Về địa chính trị, các kịch bản diễn tập đưa giả thiết về việc xuất hiện làn sóng bạo lực do "các xung đột tôn giáo và sắc tộc", cả hai quốc gia đều nói về sự cần thiết phải tiến hành "cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, chủ nghĩa phân lập và chủ nghĩa ly khai".

 

Giai đoạn một: (18/8) ở ngoài khơi thành phố cảng Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Tham gia cuộc tập trận có khoảng 10.000 binh sĩ và nhiều tàu chiến, máy bay chiến đấu, trực thăng hiện đại của Nga và Trung Quốc.

 

Ngày 20/8 đã bắt đầu giai đoạn hai (diễn ra tại Thanh Đảo, kéo dài tới 22/8) của cuộc tập trận chung Nga - Trung mang tên "Sứ mệnh hòa bình 2005". Hai bên sẽ diễn tập tình huống phải đưa ra các hành động quân sự để đối phó với những mối đe dọa chung. Giai đoạn ba (23/8 đến 25/8): luyện tập chiến đấu, bao gồm việc bao vây ngoài khơi, đổ bộ bằng đường biển và chia cắt đối phương.

 

TTXVN

Các nhà quan sát Nga cho rằng Moscow muốn bắn một tín hiệu tới những ai mưu toan tiến hành "cách mạng màu" kiểu Ukraine ở nước Nga, trong khi với TQ, người ta có thể nghĩ tới trường hợp Đài Loan: TQ muốn thế giới, nhất là nước Mỹ, thấy rõ quyết tâm thống nhất (Telegraph). Trong quan hệ khu vực, không lâu trước cuộc tập trận, Nga và TQ đã tiến hành nhiều thao tác ngoại giao thành công khi Uzbekistan và Kyrgyzstan yêu cầu Mỹ phải rút các căn cứ quân sự khỏi nước họ.

 

Báo chí Ảrập còn cho rằng Nga và TQ đang lo âu về sự bành trướng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, mà Arab News viết "nếu có một quốc gia Trung Á nào trở thành một cộng hòa Hồi giáo thì liên minh Nga - Trung sẽ phải hành động".

 

Về kinh tế, TQ cần mua trong khi Nga cần bán dầu, khí đốt và vũ khí. Mặt khác, cũng không thể bỏ qua những động lực kinh tế khiến Nga và TQ muốn nắm giữ nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào ở Trung Á (TQ hiện muốn mua hãng dầu khí lớn nhất Kazakhstan, trong khi Nga đang phục hồi hệ thống năng lượng điện ở Kyrgyzstan). Moscow muốn giữ được ảnh hưởng của mình ở Trung Á và sử dụng nhiều phương tiện để đạt được mục đích này mà ngoài vũ khí họ còn có trữ lượng dầu, khí đốt và nhất là điều mà các nước Trung Á cần nhất: năng lượng điện.

 

Về quân sự, hợp tác quân sự Nga - Trung đã kéo dài mấy thập niên qua, dựa trên việc đáp ứng lợi ích lẫn nhau. Nga từ năm 1992 đã bán cho TQ hàng tỉ USD tiền vũ khí. Còn TQ cần vũ khí của Nga để hiện đại hóa quân đội. Cả hai cùng muốn kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Về mặt kỹ thuật quân sự, Mỹ sẽ còn tiếp tục khống chế do những kỹ thuật quân sự mới mà TQ mua của Nga được thiết kế từ thập niên 1980.

 

Tuy nhiên, ý nghĩa của cuộc tập trận không phải là kỹ thuật quân sự mà là sự hợp tác chưa có tiền lệ của Nga - TQ cho thấy dấu hiệu suy giảm ảnh hưởng của Mỹ tại Thái Bình Dương.

 

Theo T.Đ.Thành

Tuổi trẻ/Financial Times