1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hội nghị Bộ Tứ và chiến lược tập hợp lực lượng trong bối cảnh mới

Tập hợp lực lượng nhìn từ Hội nghị Bộ Tứ (kỳ cuối)

Mục đích tập hợp lực lượng được thể hiện khá cụ thể trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và trong các hội nghị, đối thoại của Bộ Tứ.

Cam kết tiếp tục mở rộng hợp tác nhưng không có đột phá

Trước khi đến Nhật Bản và trong gặp gỡ song phương trước thềm hội nghị Bộ Tứ, các Ngoại trưởng đề xuất nhiều nội dung quan trọng.

Tập hợp lực lượng nhìn từ Hội nghị Bộ Tứ (kỳ cuối) - 1

Ngoại trưởng các nước Bộ Tứ (từ trái sang): S. Jaishankar (Ấn Độ), Toshimitsu Motegi (Nhật Bản), Marise Payne (Australia) và Mike Pompeo (Mỹ).

Trong đó có vấn đề hỗ trợ lẫn nhau đối phó với các thách thức an ninh: Đại dịch Covid-19, an ninh công nghệ, an ninh kinh tế, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, giảm thiểu tác động đối với kinh tế toàn cầu, củng cố mặt trận thống nhất về các vấn đề an ninh khu vực.

Nói cách khác, đây là tập hợp lực lượng trong phạm vi Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trung tâm là Bộ Tứ, đối trọng với Trung Quốc.

Hội nghị cấp Bộ trưởng Bộ Tứ là dạng “liên minh không chính thức”, cơ chế hợp tác “không hiệp ước” nên không có tuyên bố chung. Qua các tuyên bố, thông báo của từng nước thành viên, có thể hình dung kết quả chủ yếu.

Hội nghị cam kết tiếp tục mở rộng hợp tác chặt chẽ, tăng cường vai trò Bộ Tứ trong duy trì ổn định ở khu vực, kết hợp thúc đẩy liên kết, hợp tác thực chất với nhiều nước khác trong các vấn đề an ninh mạng, xây dựng hạ tầng cơ sở chất lượng cao… để thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Bộ Tứ cũng cam kết duy trì hội nghị, đối thoại định kỳ thường xuyên hằng năm, nhưng không đạt được một thỏa thuận đột phá, trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp.

Ý tưởng “NATO châu Á” và các hình thức tập hợp lực lượng

Tập hợp lực lượng là hình thành, phối hợp các hoạt động, xác lập các mối quan hệ, trong khuôn khổ liên minh, liên kết các lĩnh vực, giữa các quốc gia nhằm đạt những mục đích xác định.

Tập hợp lực lượng vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp, tạo động lực thực hiện chiến lược của một số quốc gia, một tổ chức.

Để tập hợp lực lượng cần giải quyết 5 vấn đề, yếu tố cơ bản: Mục đích tập hợp lực lượng; xác định lợi ích chung; hình thức tổ chức tập hợp lực lượng, cơ chế hoạt động; các biện pháp triển khai thực hiện; yếu tố địa lý, lịch sử…

Mục đích tập hợp lực lượng được thể hiện khá cụ thể trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và trong các hội nghị, đối thoại của Bộ Tứ.

Tuy nhiên, tùy theo bối cảnh, điều kiện của từng thành viên, thời điểm mà cách diễn đạt khác nhau. Điểm thống nhất cao là hợp tác, hỗ trợ nhau đối phó với các thách thức an ninh mới, an ninh kinh tế, an ninh công nghệ, an ninh mạng, đại dịch Covid-19…, duy trì duy trì ổn định ở khu vực, giảm thiểu tác động đối với kinh tế toàn cầu.

Mỹ xác định mục đích rất dứt khoát, đó là thắt chặt quan hệ với đồng minh, đối tác, hình thành một mặt trận kiềm chế, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc; bảo vệ lợi ích, duy trì ảnh hưởng và vị thế số 1 của Mỹ trên thế giới.

Mục đích tập hợp lực lượng liên quan đến việc xác định đối tượng đe dọa lợi ích của các nước. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hội nghị Bộ Tứ là thời cơ đối trọng với Trung Quốc.

Lợi ích chung là cơ sở quan trọng để tập hợp lực lượng bền vững. Hợp tác, liên kết, các nước sẽ được sự hỗ trợ nhiều mặt, giảm thiểu tác động của các thách thức mới đối với toàn cầu và từng nước, nhất là về kinh tế, đại dịch Covid-19 và an ninh công nghệ…

Lợi ích của Mỹ là kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc cạnh tranh chiến lược, bảo vệ quyền lực, vị thế số 1 trên toàn cầu.

Lợi ích của Ấn Độ, Nhật Bản, Austrailia là có sự hỗ trợ, vị thế tốt hơn trong giải quyết các vấn đề song phương với Trung Quốc. Các nước khác có thể tận dụng Mạng lưới kinh tế thịnh vượng, bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Phần lớn các đồng minh châu Á hài lòng với thái độ cứng rắn của Washington đối với Trung Quốc, nhưng xuất phát từ lợi ích quốc gia, họ lo ngại mâu thuẫn bị đẩy lên cao, dẫn tới xung đột.

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide bày tỏ duy trì quan hệ song phương, Bắc Kinh vẫn là đối tác kinh tế hàng đầu của Tokyo.

Ngày 6/10, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản muốn giảm nhẹ căng thẳng, nêu rõ cuộc họp này không được tổ chức trong tư thế đối phó với bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

Một số quan chức Hàn Quốc không muốn hy sinh quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc bất chấp tầm quan trọng của quan hệ đồng minh với Mỹ. Lợi ích riêng cũng là vấn đề cần xử lý thỏa đáng trong tập hợp lực lượng.

Hình thức tổ chức, tập hợp lực lượng là vấn đề còn ý kiến khác nhau, chưa thể tạo đột phá. Điểm thống nhất chung là liên kết chặt chẽ hơn, tăng cường vai trò hạt nhân của Bộ Tứ, mở rộng quan hệ đối tác với các nước trong khu vực, với nhiều cấp độ khác nhau, trong nhiều lĩnh vực.
Tổ chức càng chặt chẽ, định hình càng rõ, tập hợp lực lượng càng đông thì sức mạnh càng tăng. Vì thế, Mỹ đề xuất ý tưởng thành lập một liên minh kiểu “NATO châu Á” mà đối tượng chính là Trung Quốc.

Một số đồng minh cho rằng Bộ Tứ đủ chín muồi để phát triển thành một liên minh mới. Số khác lo ngại “NATO châu Á” càng làm Trung Quốc phản ứng cứng rắn hơn.

Lý do nữa là các đồng minh thấu hiểu cái giá phải trả cho liên minh không rẻ, bởi Mỹ từng tuyên bố “không có bữa ăn nào miễn phí”!

Bộ Tứ luôn xem các nước Đông Nam Á là một đối tác ưu tiên, quan trọng. Nhưng như ý kiến của ông Anil Wadhwa, cựu Đại sứ Ấn Độ: “ASEAN bị chia rẽ và không có khả năng hình thành một mặt trận thống nhất” nên chưa được tính đến trong dự án liên minh.

Tại thời điểm này, Bộ Tứ tuy liên kết chặt chẽ hơn, nhưng vẫn chưa là một liên minh chính thức, chưa được thể chế hóa. Còn theo ý kiến của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen E. Biegun trong Đối thoại Chiến lược Mỹ-Ấn ngày 31/8, liên minh mới có thể hình thành trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ thứ 46.

Hình thức tập hợp lực lượng có tính khả thi là các liên kết, hợp tác theo từng lĩnh vực, hoạt động. Mỹ tăng cường lôi kéo đồng minh, đối tác hình thành một nhóm các nước Australia, Nhật Bản, Canada, Ấn Độ, Pháp, Đức… công khai, chỉ trích, phê phán Trung Quốc.

Liên minh tình báo Five Eyes tổ chức theo dõi, giám sát Trung Quốc. Mỹ cũng tích cực nhằm vào Trung Quốc trên các diễn đàn đa phương như Hội nghị ASEAN và đối tác, Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (AFEC) hay Tổ chức Y tế thế giới (WHO)…

Bộ Tứ mở rộng quan hệ đối tác bằng cách lấy hợp tác kinh tế trong Mạng lưới kinh tế thịnh vượng làm khâu đột phá, cùng với hỗ trợ đối phó các thách thức an ninh mới, tạo sức hấp dẫn thu hút, từng bước mở rộng, củng cố quan hệ hợp tác, liên kết theo các nội hàm của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Phản ứng của Trung Quốc

Trung Quốc thường xuyên tố cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và Bộ Tứ thực chất là để kìm hãm sự phát triển của họ, là “mơ hồ”, “ấu trĩ”!

Trung Quốc tập trung phê phán quan điểm coi Trung Quốc là đối tượng đe dọa an ninh, gây tình hình phức tạp ở khu vực và ý đồ tập hợp lực lượng đối trọng với Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 22/9: Bắc Kinh “không có ý định gây chiến tranh hay chiến tranh lạnh với bất kỳ nước nào”, “chúng tôi sẽ tiếp tục thu hẹp sự khác biệt và giải quyết tranh chấp với nước khác thông qua đối thoại và đàm phán”!

Trước thời điểm diễn ra hội nghị Bộ Tứ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định các quốc gia không nên “kết thành bè phái riêng biệt”. Ông kêu gọi các nước nên nỗ lực tăng cường tin tưởng lẫn nhau thay vì nhằm vào bên thứ ba.

Trung Quốc vừa răn đe các đồng minh của Mỹ vừa chĩa mũi nhọn vào Mỹ để chia rẽ Bộ Tứ. Ngày 7/10, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Khổng Huyễn Hựu tuyên bố: “Ông Mike Pompeo đã nhiều lần bịa đặt về Trung Quốc và cố ý tạo ra tình trạng đối đầu chính trị.

Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Mỹ từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh và định kiến ý thức hệ, dừng các cuộc công kích vô cớ nhằm vào Trung Quốc và hành xử mang tính xây dựng…”

Đồng thời với tuyên bố là các hành động kết hợp “cây gậy và củ cà rốt”, phát huy sức mạnh kinh tế, đẩy mạnh ngoại giao y tế trong đại dịch, thúc đẩy đầu tư, các dự án hợp tác với gia tăng hoạt động quân sự, nhằm vào các nước có xu hướng ngả về Bộ Tứ.

Nga cũng bày tỏ ý kiến phản đối Bộ Tứ. Nhiều nước thể hiện lập trường trung lập, không muốn chọn bên nào.

Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Bộ Tứ cho rằng ASEAN bị Trung Quốc chia rẽ, khó thống nhất thành một mặt trận nên cần coi trọng một số nước có vai trò dẫn dắt, nhất là Việt Nam. Họ đã mời Việt Nam tham dự hội nghị trực tuyến cấp thứ trưởng, trao đổi kế hoạch phát triển Mạng lưới kinh tế thịnh vượng.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đa dạng hóa thị trường.

Nhưng cũng có ý kiến lo ngại xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và các hoạt động liên quan đến Bộ Tứ sẽ gặp phản ứng mạnh, nhiều mặt từ “người hàng xóm lớn” mà chúng ta vẫn phụ thuộc về thị trường, nguồn cung cấp nguyên liệu.

Đảng ta luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, cân bằng chiến lược với các nước lớn...

Chính sách quốc phòng Việt Nam khẳng định: “Không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.

Dựa trên nền tảng đó, chúng ta chủ động hợp tác kinh tế đa phương, song phương với hình thức phù hợp, minh bạch. Không bỏ lỡ cơ hội phát triển, nhưng cũng không để bị lôi kéo, xảy ra những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ quốc tế là bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm