Tạp chí Time công bố 100 bức ảnh có ảnh hưởng nhất mọi thời đại
(Dân trí) - Tạp chí Time ngày 17/11 đã công bố bộ sưu tập gồm 100 bức ảnh có sức ảnh hướng lớn nhất mọi thời đại của các nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới, kèm theo những câu chuyện ý nghĩa đằng sau mỗi tác phẩm nghệ thuật đó.
Theo Time, mặc dù so với hội họa, nghệ thuật nhiếp ảnh có tuổi đời ngắn hơn nhiều - với sự ra đời của những bức ảnh đầu tiên được cho là vào năm 1826, nhưng sự phát triển vượt bậc của công nghệ nhiếp ảnh đã đem đến số lượng ảnh chụp lớn hơn nhiều so với số tranh được treo trong các bảo tàng và triển lãm hội họa.
Tạp chí Time đã biến ý tưởng xây dựng bộ sưu tập gồm 100 bức ảnh ảnh hưởng nhất mọi thời đại thành hiện thực nhờ sự góp sức của các chuyên gia trên toàn thế giới. Time đã liên hệ với những người phụ trách các bảo tàng, thư viện, các sử gia và các nhà biên tập ảnh trên toàn thế giới. Họ sẽ chọn ra những bức ảnh ưng ý nhất, sau đó gửi lại cho đội ngũ phóng viên và biên tập viên của Time để xem xét kỹ lưỡng thêm một lần nữa trước khi công bộ bộ sưu tập hoàn chỉnh.
Theo đó, Time đã thực hiện hàng nghìn cuộc phỏng vấn với các nhiếp ảnh gia là chủ nhân của các bức ảnh cũng như với nhân vật xuất hiện trong ảnh, bạn bè và gia đình của họ. Kết quả là có những câu chuyện lần đầu được công bố tới độc giả đằng sau 100 bức ảnh ấn tượng nhất mọi thời đại.
“Tuy nhiên, không có công thức chung cho một bức ảnh được coi là có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Một số bức ảnh xuất hiện trong bộ sưu tập vì đó là những tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại đó, một số bức khác được chọn vì chúng góp phần định hình suy nghĩ của con người, trong khi một số bức đã tạo ra sự thay đổi trực tiếp tới cách sống của chúng ta”, Time chia sẻ trong phần giới thiệu về bộ sưu tập.
Một số bức ảnh trong bộ sưu tập:
Tổng thống Mỹ Barack Obama và các quan chức an ninh trong Phòng tình huống ở Nhà Trắng nín thở theo dõi cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ nhằm tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại nhà riêng ở Pakistan hôm 1/5/2011. (Tác giả Pete Souza)
Một trong những tấm hình ám ảnh nhất về nạn đói ở châu Phi là bức ‘kền kền và em bé’ của nhiếp ảnh gia Kevin Carter, chụp tại Sudan vào 3/1993. Trong ảnh là một em bé đói khát đang gắng gượng bò đến trung tâm cứu trợ ở gần đó. Phía sau em là con kền kền đang đứng đợi, chỉ chực chờ để ăn thịt em bất cứ lúc nào. (Tác giả Kevin Carter)
Tháng 5/1997, Philippe Kahn đã chia sẻ những hình ảnh đầu tiên của cô con gái Sophie vừa chào đời với hơn 2.000 người thân, bạn bè trên toàn thế giới. Kahn chỉ muốn chụp một bức ảnh và ấn nút để có thể tự động tải lên web. Sau đó không lâu phần mềm chia sẻ hình ảnh không dây của Kahn và máy ảnh được tích hợp vào điện thoại di động đã được tạo ra sau đó không bao lâu. Hình ảnh về cô con gái là một trong những hình ảnh được chia sẻ công khai đầu tiên thông qua thiết bị di động. (Tác giả Philippe Kahn)
Bức ảnh "Em bé Napalm" chụp vào ngày 8/6/1972 của Nick Ut, phóng viên ảnh gốc Việt của hãng AP. Nhân vật trung tâm bức ảnh là Kim Phúc, 9 tuổi, đang khóc trong đau đớn. Quần áo của cô bé bị thiêu cháy trong khi từng mảng da rộp lên vì bỏng. Bức hình đã làm thay đổi cái nhìn của thế giới về chiến tranh Việt Nam, thổi bùng phong trào phản chiến ở Mỹ. Tác giả Nick Ut đã giành giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer cho bức hình này. (Tác giả Nick Ut)
Thành Đạt
Theo Time