Tân tổng thống Pháp sẽ thay đổi bộ mặt đất nước?
(Dân trí) - Nicolas Sarkozy, đứa con nóng nảy và hay gây gổ của một người Hungary nhập cư, đã đắc cử tổng thống Pháp trong vòng bỏ phiếu cuối cùng hôm 6/5. Ông Sarkozy cam kết đoạn tuyệt với quá khứ, lãnh đạo đất nước bằng một phong cách mới và phục hồi mối quan hệ với Mỹ cũng như phần còn lại của châu Âu.
Chiến thắng ngoạn mục của ông Sarkozy trước ứng cử viên đảng Xã hội Segolene Royal là một đòn tấn công mạnh mẽ vào đảng của bà và phá tan giấc mơ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Pháp.
Theo con số thống kê của Bộ Nội vụ Pháp, với toàn bộ số phiếu được kiểm, ông Sarkozy đã giành 53,1% trong tổng số 85% cử tri đi bỏ phiếu tại vòng hai, bỏ khá xa so với đối thủ Segolene Royal với 46,9% phiếu bầu.
Trong tất cả các chiến dịch tranh cử, ứng cử viên đảng Xã hội Segolence Royal đã nhiều lần kêu gọi phụ nữ hãy bỏ phiếu cho bà để chứng tỏ tình đoàn kết của nữ giới Pháp. Nhưng theo công ty chuyên về thăm dò dư luận Ipsos, trên thực tế, sự nổi danh của ông Sarkozy từ thời còn làm Bộ trưởng Nội vụ đã giúp ứng cử viên bảo thủ chiếm đa số phiếu ủng hộ của cử tri nữ.
“Mối nguy hiểm với chế độ dân chủ”?
Một ngày trước khi vòng 2 của cuộc bỏ phiếu diễn ra, ứng cử viên đảng Xã hội Segolene Royal đã cảnh báo rằng bạo lực đường phố có thể bùng phát nếu ông Sarkozy giành chiến thắng. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình bạo lực chỉ rải rác xảy ra tại Paris trong khi hầu hết các thành phố khác đều khá yên ắng.
Bà Royal cũng từng cảnh báo ông Sarkozy là một mối nguy hiểm tới nền dân chủ, một nhà chính trị hung hăng và không giữ được bình tĩnh khi trở thành tổng thống. Christine Lagarde, Bộ trưởng Thương mại Pháp cho rằng cảnh báo của bà Royal chỉ là chuyện bịa đặt chính trị, một thủ đoạn bầu cử đã đem lại kết quả trái ngược với mong đợi.
Bà Lagarde nói: “Pháp có nhiều nhà chính trị với nhiều ý tưởng nhưng rất ít người có đam mê hành động. Sarkozy có niềm đam mê thực sự. Một số người liên hệ sự đam mê ấy với tính hung bạo, nhưng ông ấy là người cam kết tìm ra những giải pháp tốt hơn cho đất nước này”.
Franck Tapiro - cựu quản lý tranh cử cho Sarkozy và từng biết tân tổng thống Pháp 22 năm nay cho rằng, tài năng của tổng thống sẽ làm thay đổi bộ mặt của nước Pháp.
Franck Tapiro nói: “Sarkozy là người đàn ông dũng cảm, có đủ quyết tâm để hành động và hoàn thành lời hứa. Ông ấy tin rằng chính trị có thể thay đổi cuộc sống. Ông ấy là người rất năng động và với ông, cuộc sống luôn chuyển động”.
Chính sách đối nội
Trong cuộc tranh luận đối đầu trên truyền hình gần đây trước bà Royal, ông Sarkozy đã vạch rất rõ những ưu tiên và viễn cảnh cho nước Pháp. Ông Sarkozy nói với hơn 20 triệu người xem truyền hình: “Cuộc khủng hoảng tinh thần của nước Pháp chính là khủng hoảng việc làm”.
Ứng cử viên phe bảo thủ nói tiếp: “Tôi muốn lực lượng lao động được tôn trọng. Tôi muốn bảo vệ người Pháp bằng việc nhìn thấy việc làm ăn của họ phát triển ra nước ngoài. Tôi không tin vào việc sống bằng trợ cấp xã hội… Tôi tin vào sự nỗ lực và phần thưởng cho nỗ lực đó. Nhưng trên hết, tôi tin vào sự chăm chỉ lao động”.
Với thuật hùng biện giống cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher, ông Sarkozy đã đặt việc làm trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Tổng thống 74 tuổi của nước Pháp đã ra đi sau 12 năm cầm quyền, để lại một nước Pháp tụt hậu về kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp 9% và thậm chí còn cao hơn trong lứa tuổi thanh niên với 25% trong độ tuổi 24 không có việc làm.
Ông Sarkorzy cam kết chế độ làm việc 35 giờ/tuần sẽ là thấp nhất trong tương lai thay vì cao nhất như hiện nay và đồng thời gọi đó là di sản nguy hiểm nhất. Ông Sarkozy cũng khuyến khích cắt giảm số lượng công nhân viên chức Pháp.
Chính sách ngoại giao
Có thể thấy, trong các chiến dịch tranh cử, ông Sarkozy là người thúc đẩy mối quan hệ với Mỹ. Với châu Âu, ông Sarkozy ủng hộ Hiệp ước hiến pháp qui mô nhỏ sẽ do Quốc hội Pháp phê chuẩn. Và cũng giống như hầu hết người Pháp, ông không muốn Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.
Với các đồng minh quan trọng, ông Sarkozy cho biết, sau khi đắc cử, những điểm đến đầu tiên của ông có thể sẽ là Berlin, sau đó là Bỉ, Mỹ và châu Phi. Ông không đề cập tới Anh.
Mặc dầu vậy, ông Sarkozy là ứng cử viên duy nhất vận động tranh cử cho Pháp ở London, kêu gọi thanh niên Pháp trở về nước và giành 40% số phiếu ủng hộ trong vòng 1 của cuộc bầu cử.
Vậy liệu chính sách ngoại giao của ông Sarkozy có khác nhiều so với chính sách của người tiền nhiệm? Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jean-Francois Cope và là phát ngôn viên chính phủ tin rằng không có gì khác biệt.
Sự thay đổi
Là nhà lãnh đạo của một trong những quốc gia bất ổn và ngoan cố nhất châu Âu, liệu ông Sarkozy thực sự có khả năng xây dựng quá trình cải cách như ông đã hứa nếu các liên minh thương mại và các hiệp hội khác tiến hành biểu tình trên đường phố?
Nhà phân tích chính trị Gerard Grunberg thuộc đại học khoa học-chính trị Pháp băn khoăn rằng liệu ông có khả năng hoàn thành các cam kết trong các chiến dịch tranh cử hay không.
Grunberg nói: “Ông là một nhà chính trị tốt trên truyền hình, một thế hệ các nhà lãnh đạo truyền thông mới giống như Tony Blair 10 về trước. Ông ấy có khả năng thuyết phục người Pháp rằng ông là hiện thân của sự vận động và thay đổi. Ông cũng cam kết bảo vệ mọi người, vì vậy họ cảm thấy an tâm. Nhưng người Pháp cũng hoài nghi về điều đó - chúng ta không muốn thay đổi vì chúng ta thực sự sợ tương lai”.
Nicolas Sarkozy chắc chắn sẽ cần nỗ lực hàn gắn nước Pháp bất ổn, chia rẽ và cứng đầu, vốn đã mất vị trí nổi trội trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, tổng thống mới của Pháp cũng vẫn là một nhân tố gây bất đồng. Khi là bộ trưởng nội vụ, trong các cuộc nổi loạn tại các vùng ngoại ô đa sắc tộc năm 2005, ông đã có những lời lẽ cứng rắn trước dòng người di cư bất hợp pháp khiến các họ không thoải mái và có cảm giác như bị tống cổ.
Không giống như nhiều chính trị gia tại Pháp, ông Sarkozy là người hay nói thẳng, ngay cả khi điều đó đã khiến ông gặp rắc rối trong các vụ bạo động hồi năm 2005 và điều này có thể lặp lại trong tương lai.
Tuy nhiên, là tổng thống, ông Sarkozy ý thức rõ ràng nhiệm vụ đoàn kết đất nước và khởi động cải cách như ông từng hứa. Và trên hết, nhiệm vụ quan trọng nhất của ông Sarkozy là dẫn dắt đất nước để có thể lôi kéo, sử dụng toàn bộ nhân tài và khả năng tiềm tàng mà nước Pháp đã mất trong 12 năm trì trệ.
Ánh Ninh
Theo BBC, New York Times