Tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ xử lý vấn đề Triều Tiên thế nào?
(Dân trí) - Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được tin là sẽ đưa ra những thay đổi trong một số chính sách của Seoul sắp tới, trong đó có chính sách liên quan đến Triều Tiên.
Theo kết quả bầu cử ngày 9/5, ông Moon Jae-in của đảng Dân chủ Tự do Hàn Quốc đã đắc cử trở thành tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc với tỷ lệ phiếu bầu 41%, vượt xa so với các đối thủ còn lại.
Người con gốc Triều Tiên
Ông Moon Jae-in, 64 tuổi, là con trai trong một gia đình tị nạn từ Triều Tiên. Cuộc sống thời thơ ấu của ông khá cơ cực do gia đình nghèo khó. Ông thậm chí từng bị đuổi học vì gia đình không thể đóng nổi học phí.
Vào những năm 1970, khi còn đang ngồi trên ghế đại học, ông từng bị bắt giam vì dẫn đầu cuộc biểu tình của sinh viên để phản đối chính quyền của Tổng thống Park Chung-hee, cha của Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye.
Sau đó, ông phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm của Hàn Quốc trước khi trở thành một luật sư nhân quyền. Tiếp đó, trong giai đoạn từ năm 2003-2008, ông trở thành trợ lý cấp cao cho Tổng thống Roh Moo-hyun, người đã tự sát năm 2009 sau khi rời nhiệm sở vì cáo buộc tham nhũng.
Năm 2012, với tư cách là thành viên đảng Dân chủ, ông từng tranh cử tổng thống, song đã thất bại trước bà Park Geun-hye. Trở lại cuộc chạy đua vào Nhà Xanh lần này, ông Moon tin rằng ông có thể vực dậy chính quyền sau bê bối của người tiền nhiệm Park Geun-hye, vực dậy nền kinh tế trì trệ.
Phát biểu sau khi kết quả được công bố, ông Moon Jae-in nói: “Chiến thắng của ông chính là chiến thắng của khát khao thay đổi chính phủ của người dân. Chúng tôi đã làm hết sức mình để hiện thực hóa ước mong của người dân và tôi tin đó là động lực đưa chúng tôi tới ngày hôm nay”.
Chính sách khác về Triều Tiên
Tổng thống đắc của Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) cho rằng chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Park Geun-hye đã thất bại trong việc ngăn Triều Tiên phát triển hạt nhân. (Ảnh: DPA)
Không giống người tiền nhiệm, ông Moon là người ủng hộ chủ trương đối thoại với Triều Tiên mặc dù tiếp tục gây sức ép. Theo đó, chính sách của ông Moon Jae-in là tăng cường trao đổi với Triều Tiên thay vì liên tục siết trừng phạt Bình Nhưỡng.
Ông chỉ trích hai chính quyền tiền nhiệm đã không thể ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ông cho rằng, chính sách cứng rắn của chính quyền Tổng thống Park Geun-hye với Triều Tiên là một thất bại.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, chính quyền mới của Tổng thống đắc của Moon Jae-in khó lòng theo đuổi việc điều chỉnh chính sách với Triều Tiên bởi lẽ chương trình hạt nhân Triều Tiên đã có bước tiến đáng kể so với khi ông còn là thành viên trong chính quyền của Tổng thống Roh Moo-hyun cách đây 10 năm. Theo chuyên gia nước ngoài, Triều Tiên có thể chỉ mất vài năm nữa để chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vươn tới lục địa Mỹ và hiện tại có thể đã sở hữu tên lửa tầm ngắn có thể vươn tới Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ngoài ra, ông Moon cũng không ủng hộ quyết định của chính quyền tiền nhiệm khi nhất trí cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Việc triển khai này đã khiến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, mếch lòng và đáp trả bằng các biện pháp trả đũa thương mại.
Trong khi đó, theo giới chuyên gia, chủ trương thay đổi cách tiếp cận Triều Tiên và phản đối triển khai THAAD của ông Moon Jae-in có thể sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm nay đã phát đi những tín hiệu cứng rắn đối với Triều Tiên. Chính quyền của ông Trump thậm chí để ngỏ biện pháp quân sự để đối phó buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo gây tranh cãi.
Về đối nội, ông Moon Jae-in cũng chủ trương cải tổ các tập đoàn gia đình quyền lực vốn chi phối nền kinh tế Hàn Quốc như Samsung, Hyundai, và thúc đẩy chi tiêu tài khóa nhằm tạo công ăn việc làm. Giới quan sát cho rằng, đây sẽ là nhiệm vụ đầy thử thách với ông Moon Jae-in trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
Minh Phương
Tổng hợp