1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tân Ngoại trưởng Mỹ lên tiếng về Trung Quốc, liên minh Mỹ-Nhật-Hàn

An Bình

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thể hiện rõ quan điểm về Trung Quốc và vai trò quan trọng của liên minh Mỹ-Nhật-Hàn đối với châu Á-Thái Bình Dương, trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị mới.

Tân Ngoại trưởng Mỹ lên tiếng về Trung Quốc, liên minh Mỹ-Nhật-Hàn - 1

Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: AP)

Ra mắt lần đầu tiên trước báo giới tại thủ đô Washington một ngày sau khi được Thượng viện phê chuẩn, tân Ngoại trưởng Blinken ngày 27/1 thẳng thắn tuyên bố, Trung Quốc vừa là đối thủ cạnh tranh, vừa là đối tác cần thiết của Mỹ.

"Không có gì bí mật là quan hệ Mỹ - Trung chắc chắn là mối quan hệ quan trọng nhất mà chúng ta có trên thế giới trong tương lai. Mối quan hệ ngày càng có một số khía cạnh đối đầu, nhưng vẫn có những lĩnh vực hợp tác mà hai bên cùng có lợi khi phối hợp cùng nhau, như về biến đổi khí hậu", ông Blinken nói.

Tuy nhiên, ông Blinken cũng không ngần ngại nêu ra sự đồng tình với quan điểm cứng rắn của chính quyền Trump trong ngày tại nhiệm cuối cùng về sự đối xử của Trung Quốc đối với người thiểu số Hồi giáo và Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

"Quan điểm của tôi vẫn là tội diệt chủng đã xảy ra đối với người Duy Ngô Nhĩ và điều đó không thay đổi", ông tuyên bố.

Trước đó, một ngày trước khi mãn nhiệm, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra các bình luận mạnh mẽ nhất của chính quyền Donald Trump nhắm vào Trung Quốc liên quan tới vấn đề Tân Cương, trong đó ông cáo buộc Trung Quốc đã phạm phải tội ác chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác.

Tuy nhiên, mặc dù ông Blinken xem Trung Quốc là ưu tiên cao nhất trong danh sách các mối quan hệ song phương chủ chốt, tân Ngoại trưởng Mỹ chưa kết nối với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.

Trong khi đó, ông Blinken đã điện đàm với cả người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Hàn Quốc Kang Kyung-wha, 2 trong 4 cuộc điện đàm với những người đồng cấp trong ngày đầu nhậm chức. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Blinken khẳng định sự hợp tác giữa Washington với Tokyo và Seoul là quan trọng nhằm "duy trì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Ông Blinken có 2 cuộc điện đàm khác với các Ngoại trưởng Mexico và Canada trong ngày 26/1 và tiếp tục điện đàm với các Ngoại trưởng Anh, Pháp và Đức trong ngày 27/1. Các cuộc điện đàm nhanh chóng này cho thấy cam kết của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chiến dịch tranh cử và kể từ khi giành chiến thắng vào tháng 11 năm ngoái là "xây dựng liên minh các đối tác và đồng minh cùng chí hướng".

"Dễ hiểu về mặt ngoại giao khi các cuộc điện đàm đầu tiên của ông Blinken tại châu Á là với Nhật Bản và Hàn Quốc, vừa nhằm khẳng định với các đồng minh này, vừa nhằm thúc đẩy gia tăng mua vào từ các nước mà sự ủng hộ của họ rất quan trọng nhằm đối phó với Trung Quốc", bà Sarah Kreps, giáo sư về luật và chính phủ tại Đại học Cornell nhận định.

Chuyên gia trên nói thêm rằng, các bình luận của ông Blinken phù hợp với quan điểm mới của chính quyền Biden nhằm cố gắng phát các tín hiệu cả ở trong nước và nước ngoài. Ở nước ngoài, điều đó nhằm cố gắng hàn gắn các liên minh vốn đã bị tổn hại sau 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.

Các quan chức khác trong chính quyền Biden ngày 27/1 cũng đưa ra tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc.

Đặc phái viên của tổng thống Mỹ về khí hậu, ông John Kerry, hôm qua đã khẳng định Washington sẽ không thỏa hiệp với Trung Quốc về các vấn đề cốt lõi, nhưng bảo hộ sở hữu trí tuệ, để đối lấy họp tác với Bắc Kinh trong các nỗ lực như biến đổi khí hậu.