1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tấn công trừng phạt Syria: Kịch bản pha trộn đang định hình

(Dân trí) – Tổng thống Obama đã chính thức đề nghị Quốc hội cho phép đánh Syria. Tuy nhiên, nếu được tiến hành thì đây cũng chỉ là cuộc tấn công có giới hạn và mang tính hình thức để tránh đẩy mọi hậu họa đi quá xa. Một kịch bản pha trộn đang được định hình.

Một cuộc tấn công nhằm vào Syria sẽ pha trộn giữa hai kịch bản tấn công Iraq và Lybia
Một cuộc tấn công nhằm vào Syria sẽ pha trộn giữa hai kịch bản tấn công Iraq và Lybia.


Theo nhận xét của các chuyên gia, cuộc không kích của phương Tây vào Syria chắc chắn sẽ nhắm vào quân đội, cơ quan tình báo và cũng có thể cả các địa điểm mang tính biểu tượng của đất nước Syria.

“Các mục tiêu sẽ bao gồm các bộ chỉ huy trong khu vực Damascus, hệ thống doanh trại của Sư đoàn thiết giáp số 4 và Vệ binh Cộng hòa, hai đơn vị chủ lực trong việc pháo kích dân thường”, chuyên gia Jeffrey White của Viện chính sách cận Đông ở Washington nhận định.

Để tiêu diệt chính xác các mục tiêu trên, quân đội Mỹ dự kiến sử dụng tên lửa Tomahawk được phóng đi từ 6 tàu chiến đang neo đậu quanh Syria. Ngoài ra, cũng có thể sẽ có sự tham gia của các máy bay tiêm kích.

Tuy nhiên cuộc tấn công quân sự được dự báo sẽ không dễ dàng. Bởi ngay từ trước khi phát súng khai hỏa được bắn đi, bên phát động tấn công là Mỹ đã khẳng định đây chỉ là cuộc tấn công mang tính trừng phạt chứ không phải hủy diệt. Vì vậy, tính khốc liệt và phá hủy sẽ không còn. Trong khi đó, bên phải hứng đòn là chính quyền Syria lại ngùn ngụt quyết tâm phòng thủ, càng khiến mức độ gay cấn và nguy cấp thêm phần giảm đi.

Theo các nguồn tin từ Syria, Tổng thống al-Assad đã lệnh cho các đơn vị chiến đấu túc trực khả năng trực chiến. Trong số này, Vệ binh Cộng hòa là “đáng gườm” nhất vì đây là một trong những đơn vị được vũ trang hiện đại và huấn luyện kỹ càng nhất ở Syria. Đơn vị này do đích thân em trai Tổng thống là Maher al-Assad chỉ huy.

Trong tương quan so sánh như vậy, có thể thấy cuộc tấn công Syria hầu như chỉ mang tính hình thức và rất ít khả năng làm thay đổi tương quan lực lượng tại quốc gia đã trải qua hơn 2,5 năm xung đột này.

“Các cuộc tấn công sẽ mang tính hình thức. Đây là động thái nhằm tái lập sự tin cậy đối với phương Tây. Không thể để ranh giới đỏ bị vi phạm trắng trợn mà không có hành động đáp trả, nếu không thì lòng tin đối với Mỹ sẽ hoàn toàn bị mất đi”, tướng về hưu của Pháp Vincent Desportes phân tích với hãng AFP.

Cũng theo cựu Giám đốc Trường đào tạo sĩ quan Pháp, vì cuộc tấn công chỉ nhằm trừng phạt và gửi đi một thông điệp cứng rắn đến chính quyền al-Assad nên sẽ không triệt hạ năng lực quân sự của Damascus. Phe đối lập Syria, vì thế, cũng không nên ảo tưởng về một sự xoay chuyển tình hình theo hướng có lợi cho mình.

“Không nên làm quá vì nếu Tổng thống al-Assad tử nạn hay chính quyền hiện nay sụp đổ, sẽ dẫn đến một cuộc tắm máu khủng khiếp, một sự hỗn loạn trên toàn quốc. Đó sẽ là một thất bại chiến lược mới đối với phương Tây”, tướng Desportes nói thêm và không quên khẳng định “tất cả đều có lợi nếu chỉ tấn công hạn chế”.

Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng các cuộc không kích sẽ không đủ để làm suy giảm năng lực quân sự của chế độ Assad và kéo nghiêng cán cân sức mạnh về phe nổi dậy. Nói theo lời của chuyên gia Jeffrey White từ Washington,  các cuộc tấn công chỉ có thể làm “gia tăng rạn nứt trong hàng ngũ lãnh đạo và tăng thêm các vụ đào ngũ”.

“Những quả tên lửa có thể tấn công cực kỳ chính xác vào các mục tiêu đã định nhưng không có khả năng tàn phá nghiêm trọng. Các mục tiêu được chọn lựa với mục đích duy nhất là trừng phạt chế độ Assad nên chỉ mang lại rất ít tác động trên bàn cờ chiến lược”, nhà phân tích hải quân Christopher Harmer thuộc Viện nghiên cứu chiến tranh quả quyết.

Các nguồn tin quân sự cho biết Mỹ hiện đang bố trí 200 tên lửa Tomahawk trên 6 tàu chiến. Đây là cơ số tên lửa dư sức để tiến hành một cuộc tấn công tần suất trung bình vào nhiều mục tiêu khác nhau. Cuộc tấn công đó sẽ có sức hủy diệt thực sự nếu được tiến hành hoàn toàn bất ngờ và nhằm vào các mục tiêu trọng yếu. Nhưng với cuộc tấn công tới đây ở Syria, một cuộc tấn công được công khai về thời gian, ý định cũng như mục tiêu, thì việc bắn các tên lửa đắt tiền Tomahawk xem ra không khác nào một cuộc “tập trận thật” cho hải quân Mỹ.

Nhưng dù là tấn công hay “tập trận thật” thì mục đích cuối cùng mà Mỹ hướng tới là sẽ giúp đẩy nhanh hơn quá trình sụp đổ của chính quyền al-Assad từ bên trong. Vì vậy, chính quyền Obama đang cố công tạo dựng một cuộc tấn công pha trộn giữa kịch bản Iraq và Libya. Trong đó, kịch bản Iraq đã được chính thức tái hiện khi chính quyền Obama vội vã “điều binh, khiển tướng” đến các vùng biển quanh Syria sau khi kiên quyết cáo buộc chính quyền al-Assad dùng vũ khí hóa học tấn công người dân mà không cần đợi kết quả điều tra chính thức của nhóm thanh sát viên Liên hợp quốc. “Kịch bản Lybia” cũng được nhìn thấy qua việc Mỹ chỉ phát động tấn công bằng không quân và tên lửa, mà không có sự tham gia của bộ binh để giảm thiểu thiệt hại.

Nhưng dù là kịch bản pha trộn hay một kịch bản mới thì điều quan trọng nhất đối với chính quyền Tổng thống Obama hiện nay là phải tiến hành một cuộc tấn công có quy mô và tính chất như thế nào để vừa không bị xem là kém cỏi, vừa không tạo cơ hội cho Syria có cớ tìm cách trả đũa. Đây sẽ là một bài toán không dễ đối với vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ cho dù ông đã khéo léo đẩy quả bóng trách nhiệm sang Quốc hội khi nói rằng nước Mỹ sẽ phát động tấn công nếu được cơ quan quyền lực nhất nước cho phép.

Theo kế hoạch, để có được cái gật đầu của đa số nghị sĩ Mỹ, ông Obama sẽ phải chờ đến ngày 9/9 là thời điểm diễn ra phiên họp đầu tiên của Quốc hội sau kỳ nghỉ hè. Khoảng thời gian từ nay đến khi đó đang được coi là cơ hội vàng để ông Obama tìm ra được phương cách tiến hành tấn công khôn ngoan nhất, nếu không còn lựa chọn nào khác tốt hơn.  

Đức Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm