1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tấn công khủng bố - "Căn bệnh ung thư" gặm nhấm châu Âu

Được biết đến như trái tim của châu Âu, Brussels dễ dàng giành được cảm tình của những người mới đến với hàng nghìn hecta không gian xanh và những tòa nhà với phong cách tân cổ điển.

Tuy nhiên, việc các binh lính được trang bị vũ khí hạng nặng tuần tra tại các công viên, nhà ga và khu nghỉ dưỡng lập tức đưa họ trở lại với thực tế: thành phố này, từng bị tấn công hai lần trong năm nay, đang nằm dưới sự đe dọa của khủng bố.

Những gì đang diễn ra tại Brussels chỉ là một ví dụ điển hình cho toàn bộ châu Âu. Như một bóng ma, mối đe dọa tấn công khủng bố đang không ngừng ám ảnh Châu Âu. Bị bao trùm bởi mối đe dọa đó, châu Âu đang nhanh chóng mất đi hình ảnh mảnh đất thanh bình của họ.

Ba kiểu thức tấn công mới

Bất chấp các biện pháp chống khủng bố được chính phủ châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) tiến hành, số lượng và tần suất các vụ tấn công khủng bố vẫn ngày càng gia tăng.

Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, toàn châu lục đã chứng kiến ít nhất 13 vụ tấn công khủng bố, khiến ít nhất 58 người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương tại Bỉ, Anh, Phần Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển và một số nước khác. Trao đổi với truyền thông địa phương sau vụ tấn công khủng bố kép tại Barcelona (Tây Ban Nha), ông Frederic Gallois - cựu Giám đốc Đội đặc nhiệm chống khủng bố GIGN thuộc Hiến binh Pháp - nói: “Những kẻ khủng bố không tìm kiếm kết quả “ngoạn mục” từ việc sử dụng nhiều nguồn lực, mà chúng muốn tăng cường tần suất để gây bất ổn cho kẻ thù. Sự thường xuyên đó chính là vấn đề. Ở thời điểm hiện tại, cứ mỗi 4 đến 6 tuần lại có một vụ tấn công tại châu Âu. Sau mỗi thời gian tạm yên ắng, mọi người tự nói có cái gì đó sắp xảy ra”.

Không giống như các cuộc tấn công khủng bố được tổ chức một cách tinh vi như vụ tấn công 11/9, các hoạt động khủng bố ngày hôm nay chịu ảnh hưởng của các vụ tấn công kiểu “con sói đơn độc” và được chuẩn bị công phu. Thêm vào đó, những nghi can của các vụ tấn công khủng bố tại Barcelona và Phần Lan đều là người bình thường, chưa từng có tiền án, điều khiến công tác điều tra của cảnh sát sau vụ tấn công khó khăn hơn. Việc các kẻ tấn công sử dụng mạng xã hội cũng như các công cụ thường ngày khi phạm tội cũng làm cho các cuộc tấn công khó bị phát hiện và ngăn chặn hơn.

Trong khi đó, nhiều nghi can trong các vụ tấn công khủng bố ở châu Âu đều là “hậu duệ” của người nhập cư bản địa. Trong một thời gian dài, các nước châu Âu vờ như không thấy sự thật rằng các công dân của họ đang được truyền cảm hứng bởi chủ nghĩa cực đoan và gia nhập hàng ngũ “thánh chiến” tại Trung Đông và các khu vực có xung đột khác. Do các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang bị tấn công mạnh mẽ tại Trung Đông, nên chúng đã quay trở lại châu Âu như những cư dân hợp pháp. Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) ước tính số người thuộc diện này là khoảng hơn 5.000 người và coi đó là mối quan ngại nghiêm trọng.


Mối đe dọa tấn công khủng bố đang không ngừng ám ảnh châu Âu

Mối đe dọa tấn công khủng bố đang không ngừng ám ảnh châu Âu

Thủ đoạn tinh vi mới trên không gian ảo

Đặc biệt, tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng vẫn có một lực lượng ủng hộ hùng hậu trên mạng Internet, đây là cảnh báo của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đưa ra ngày 15/9.

Trong một thông báo, Europol cho biết sau sự suy giảm tương đối của kênh tuyên truyền chính thức của IS trong những tháng qua, các phần tử thân IS đã chuyển sang các diễn đàn và sử dụng các nền tảng Internet nhỏ hơn để hoạt động. Thực tế này cho thấy IS tiếp tục gây dựng được một nền tảng vững chắc gồm những phần tử ủng hộ trung thành trên môi trường ảo của Internet. Cơ quan có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) này cảnh báo ngoài sự chuyển dịch “địa bàn” hoạt động trên mạng, các đối tượng có quan điểm ủng hộ IS cũng quay trở lại sử dụng các diễn đàn trên Internet có tên gọi là “Thư viện đen”, vốn chia sẻ các liên kết dẫn tới những nội dung thánh chiến trên môi trường Internet mở.

Những kết quả trên được Europol công bố sau khi cơ quan này tiến hành một cuộc nghiên cứu kéo dài 2 ngày nhằm tìm kiếm và phát hiện các nội dung do những nhóm thánh chiến đăng tải trên Internet. Nghiên cứu do Europol cùng các chuyên gia an ninh mạng và chống khủng bố của các nước Bosnia và Herzegovina, CH Séc, Estonia và Hungary phối hợp thực hiện. Theo đó, Europol đã phát hiện và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet dỡ bỏ 1.029 bài viết có nội dung cổ xúy tư tưởng khủng bố.

Lâu nay, giới chuyên gia an ninh mạng lo ngại về nguy cơ IS và các phần tử ủng hộ thánh chiến đang phát triển một hệ thống mạng xã hội riêng để tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan, gây quỹ tài chính và né tránh sự truy quét của các cơ quan an ninh. Đầu tháng 5 vừa qua, Europol đã tiến hành một chiến dịch truy quét trong 2 ngày nhằm vào các hoạt động khủng bố trên mạng Internet. Trong chiến dịch hợp tác với các nước Mỹ, Bỉ, Hy Lạp, Ba Lan và Bồ Đào Nha, Europol đã xác định hơn 2.000 nội dung “phi pháp và có hại” và yêu cầu các công ty dịch vụ mạng xóa bỏ các thông tin này. Theo tuyên bố chính thức của Europol, chiến dịch phối hợp là một phần nỗ lực nhằm “bẻ gãy” các chiến dịch tuyên truyền khủng bố trên mạng Internet của các tổ chức khủng bố như IS và Al-Qaeda.

Europol cho rằng việc các công ty công nghệ nỗ lực rà soát và loại bỏ các nội dung đăng tải không phù hợp khiến những kẻ ủng hộ tư tưởng khủng bố tìm kiếm những nền tảng mạng xã hội mới, đặc biệt là những nền tảng cho phép che giấu thông tin cá nhân.


 Nước Pháp đang tính lắp kính chống đạn cho tháp Eiffel trước nguy cơ khủng bố

Nước Pháp đang tính lắp kính chống đạn cho tháp Eiffel trước nguy cơ khủng bố

Vòng luẩn quẩn bạo lực - chống bạo lực

Trao đổi với Tân Hoa xã, nhà triết học người Pháp Ruwen Ogien cho rằng môi trường nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan không chỉ liên quan đến các vấn đề xã hội và kinh tế châu Âu mà còn bị kích động bởi tình hình quốc tế. Ngày càng nhiều vụ tấn công khủng bố tại châu Âu có liên quan đến chính sách can thiệp của các nước châu Âu tại Trung Đông. Trong lúc đấu tranh vì các nguồn tài nguyên và thị trường, các nước châu Âu từ lâu đã tìm cách thiết lập khu vực sự ảnh hưởng của họ tại đó.

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh không công bằng trong khu vực này và chính sách “tự coi mình là trung tâm” của các nước châu Âu không chỉ làm rối tung sự phát triển kinh tế địa phương mà còn gây trở ngại cho quá trình công nghiệp hóa của các nước Arập, dẫn đến kết quả tỷ lệ nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng, tạo môi trường thuận lợi cho chủ nghĩa khủng bố phát triển.

Shen Yihuai - chuyên gia các vấn đề châu Âu tại Viện Quan hệ Quốc tế Hiện đại của Trung Quốc - cho rằng, với việc theo đuổi tiêu chuẩn kép, các nước phương Tây từ lâu coi biện pháp chống khủng bố là một công cụ để thực thi “chính sách Trung Đông” của họ. Thay vì tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, các cường quốc phương Tây lại tạo ra “mảnh đất” cho sự tồn tại của chủ nghĩa khủng bố tại Trung Đông, khiến châu Âu rơi vào cái vòng luẩn quẩn của bạo lực chống bạo lực. Bên cạnh đó, do kinh tế châu Âu đang sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp cao trong những năm gần đây, vấn đề hội nhập của người nhập cư trong xã hội châu Âu vốn tồn tại từ lâu đang bị xấu đi.

Nhà kinh tế người Anh Martin Wolf cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã ảnh hưởng bất lợi đến cho những người lao động không có kỹ năng và những người lao động có kỹ năng nhưng chưa đạt tới mức chuyên nghiệp tại phương Tây, những người từng được hưởng lợi đáng kể từ quá trình công nghiệp hóa. Ông Wolf, cũng là một biên tập viên và là nhà bình luận kinh tế chính của tờ Financial Times cho rằng, vai trò ngày càng lớn của lĩnh vực tài chính, gia tăng nhập khẩu hàng hóa sử dụng nhiều sức lao động và làn sóng nhập cư tăng cao là nguyên nhân gây ra nỗi tức giận của người dân phương Tây.

Thêm nữa, nghịch lý cố hữu của nền dân chủ phương Tây dẫn đến sự bảo hộ không đầy đủ lợi ích của các nhóm thứ yếu trong xã hội. Các vụ tấn công khủng bố thường xuyên không thể chỉ bị quy cho xung đột văn hóa và tôn giáo giữa phương Tây và Trung Đông. Nhà triết học Ruwen Ogien cho rằng hệ thống xã hội phương Tây đầy rẫy mâu thuẫn bên trong cũng đáng bị chỉ trích.

Bên cạnh đó, văn hóa Cơ đốc giáo chủ đạo tại các nước châu Âu vẫn bóp méo và chống lại văn hóa Hồi giáo, do vậy làm tăng cường xu thế chủ nghĩa bảo thủ trong xã hội châu Âu. Cui Hongjian - Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc - cho rằng các nước châu Âu nên suy nghĩ về các chính sách đối nội và đối ngoại của họ và đưa ra những điều chỉnh phù hợp, điều là chìa khóa quan trọng cho sự ổn định lâu dài của lục địa này...

Theo Thái Minh

Pháp luật Việt Nam