1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến châu Á bàn về an ninh hàng hải

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm nay lần đầu tiên thăm châu Á kể từ khi nhậm chức, với mục tiêu là để “bắt mạch” đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên, trong lúc khi cũng đề cập vấn đề an ninh hàng hải trong khu vực.

 
 
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến châu Á bàn về an ninh hàng hải - 1
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ đề cập vấn đề an ninh hàng hải trong khu vực.

Chặng ghé đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm nay lại là Bali (Indonesia), trước khi ông đến Nhật Bản vào ngày mai.

Tại Bali, theo chương trình dự kiến, ông Panetta sẽ có gặp gỡ đồng nhiệm Indonesia, Purnomo Yusgiantoro để bàn về hợp tác song phương trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, gìn giữ hoà bình...

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, bên lề cuộc họp của họ tại đây.

Tại Tokyo, ông Panetta sẽ tiếp xúc với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa, Thủ tướng Nhật Bản Noda và Ngoại trưởng Gemba. Ngoài các vấn đề hợp tác song phương như việc cung cấp vũ khí hay phòng chống tên lửa, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ có mặt tại Seoul vào Thứ tư, và nổi trội tại đây là hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Chuyến công du châu Á của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trước đó đã được “dọn đường” bằng tuyên bố của Tư lệnh phụ trách các hoạt động của Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert, rằng Hải quân Mỹ sẽ ưu tiên hàng đầu cho việc triển khai các tàu chiến tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương dù phải đối mặt với khả năng cắt giảm ngân sách.

Phát biểu với các phóng viên trong một hội thảo qua truyền hình hôm cuối tuần, Đô đốc Greenert nói: "Châu Á rõ ràng sẽ là ưu tiên và chúng tôi sẽ điều chỉnh các hoạt động của mình cho phù hợp".

Theo ông Greenert, Hải quân Mỹ hiện duy trì thường trực một tàu sân bay - hoặc Kitty Hawk, hoặc USS George Washington - ở Thái Bình Dương, so với 10 năm trước khi một tàu sân bay chỉ có mặt ở khu vực này trong 70% thời gian.

”Với việc Lầu Năm Góc chuẩn bị cắt giảm 450 tỉ USD ngân sách trong 10 năm tới, Hải quân Mỹ sẽ phải tìm "các biện pháp mới" để duy trì các cam kết của mình, phần nào thông qua việc triển khai các tàu chiến và thủy thủ đoàn ở các cảng gần các "điểm yếu hầu" chiến lược”, ông này nói.

Theo giới quan sát, trong bối Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng cũng như mở rộng tầm hoạt động của quân đội, các cấp phó của Tổng thống Barack Obama và các tướng lĩnh quân đội Mỹ đang ngày càng coi trọng vai trò then chốt của châu Á đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Nhật Mai
Theo AP, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm