1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tam giác chiến lược Mỹ - Ấn - Nhật?

Hai sự kiện diễn ra mới đây khiến một số người tin rằng một Tam giác Chiến lược Mỹ-Ấn-Nhật đã thực sự hình thành.

Tam giác chiến lược Mỹ - Ấn - Nhật? - 1

 

 

 

 

 

 

 

Cuộc tập trận hải quân ba bên có sự tham gia của Nhật sẽ diễn ra hàng năm.

Đầu tiên là cuộc Đối thoại lần thứ nhất giữa ba Ngoại trưởng Mỹ-Ấn-Nhật diễn ra vào ngày 29/9 bên lề Khóa họp lần thứ 70 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Và chỉ hai tuần sau đó, hải quân ba nước này đã bắt đầu cuộc tập trận Malabar 2015 từ ngày 14-19/10 tại vịnh Bengal với sự tham gia của nhiều khu trục hạm, tuần dương hạm, tàu sân bay và máy bay trinh sát chống ngầm tầm xa P-8A và P-8I của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản.

Cơ chế Đối thoại ba bên Mỹ-Ấn-Nhật ra đời cách đây tám năm, nhưng cho đến cuộc đối thoại năm ngoái tại Honolulu, ba bên vẫn chỉ đối thoại ở cấp Trợ lý Bộ trưởng. Do vậy, Đối thoại lần này ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao phản ánh rõ nhu cầu thắt chặt hơn nữa hợp tác giữa ba bên.

Tuyên bố chung của Đối thoại nhấn mạnh sự song trùng lợi ích chiến lược của ba cường quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đề cao tự do hàng hải, hàng không và thương mại trong khu vực. Đáng lưu ý là ba nước cũng đồng ý với vai trò trung tâm của ASEAN và tầm quan trọng của cơ chế Cấp cao Đông Á (EAS) đối với những vấn đề chính trị và an ninh trong khu vực. Đồng thời, ba Ngoại trưởng nhất trí phối hợp nỗ lực để giúp tăng cường kết nối trong khu vực.

Nhận định về cuộc Đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói đây là sự hội tụ của Chiến lược Xoay trục về châu Á của Mỹ, Chính sách Hành động hướng Đông của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chính sách Chủ động can dự vào các công việc của khu vực và thế giới của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Cuộc tập trận Malabar với sự có mặt của tàu chiến Nhật cũng là một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ ba bên Mỹ-Ấn-Nhật. Tám năm trước, do phản ứng mạnh của Trung Quốc, các cuộc tập trận tại Ấn Độ Dương chỉ giới hạn ở hai nước Mỹ-Ấn và thỉnh thoảng có sự tham gia của Nhật Bản nếu được tổ chức ở khu vực Thái Bình Dương. Hiện cuộc tập trận hải quân ba bên có sự tham gia của Nhật sẽ diễn ra hàng năm. Do vậy, các nhà phân tích cho rằng đây là một sự điều chỉnh quan trọng trong chính sách của cả ba chính quyền Modi, Obama và Abe đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Việc nâng cấp cơ chế đối thoại và tập trận ba bên Mỹ-Ấn-Nhật rõ ràng là xuất phát từ những diễn biến mới về an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhưng điều mà nhiều người quan tâm hiện nay là sự tập hợp của ba cường quốc quân sự, đứng hàng đầu về sức mạnh hải quân này sẽ có những ảnh hưởng chiến lược như thế nào đối với tương quan lực lượng trong khu vực. Đó là chưa nói tới khả năng hình thành tứ giác Mỹ-Ấn-Nhật-Australia hoặc ngũ giác Mỹ-Ấn-Hàn-Nhật-Australia và thậm chí một cơ chế mở hơn cho một số nước ASEAN tham gia.

Tuy nhiên, căn cứ vào chính sách truyền thống của cả Ấn Độ và Nhật Bản, nhiều khả năng hai nước này vẫn phải tiếp cận thận trọng đối với các cơ chế đối thoại an ninh nhiều bên, để tránh những phản ứng đối đầu của Trung Quốc. Việc Ấn Độ tham gia cuộc tập trận chung “Tay trong tay” chống khủng bố lần thứ năm với Trung Quốc từ ngày 12-22/10 tại Côn Minh gần như đồng thời với cuộc tập trận hải quân ba bên Mỹ-Ấn-Nhật tại Vịnh Bengal, được coi là một động tác cân bằng của Ấn Độ trong quan hệ với Mỹ, Nhật và Trung Quốc.

Về phía Nhật Bản, phát biểu với báo chí, Phó Đô đốc Lực lượng phòng vệ hàng hải nước này Murakawa đã phải giải thích rằng sự tham gia của Nhật vào cuộc tập trận Malabar lần này không nhằm chống bất kỳ nước nào, mà chỉ nhằm đảm bảo sự tự do cho các đại dương và thương mại hàng hải.

Theo Vĩnh Khánh (từ New Delhi)

Thế giới và Việt Nam

Tam giác chiến lược Mỹ - Ấn - Nhật? - 2