Taliban trỗi dậy tại Afghanistan: Nỗi sợ hãi thường trực trong ánh mắt dân thường
Taliban tuyên bố đã kiểm soát được hơn 80% lãnh thổ Afghanistan và mục tiêu của phong trào này là "biến Afghanistan trở lại thành tiểu vương quốc Hồi giáo" như giai đoạn 1996-2001.
Kể từ sau khi các lực lượng nước ngoài rút quân khỏi Afghanistan, Taliban đã đẩy mạnh các cuộc tấn công và đang đạt được những bước tiến nhanh chóng trên thực địa. Hôm 8/8, các tay súng Taliban đã tràn ngập trên đường phố Kunduz sau khi giành quyền kiểm soát thành phố này một cách chóng vánh.
Kunduz là một trong số chín thủ phủ của các tỉnh đã rơi vào tay Taliban trong tuần trước. Điều đáng nói ở đây là Taliban đã chiếm được một số thành phố mà không gặp phải kháng cự. Đòn tấn công chớp nhoáng của Taliban đã gây hiệu ứng domino, giúp lực lượng này giành quyền kiểm soát hầu hết các vùng dân cư rộng lớn ở phía Bắc.
Các chiến binh mặc trang phục của lực lượng phiến quân hiện đang đi tuần tra ở các thành phố trên những chiếc xe máy hoặc ô tô họ chiếm được từ quân chính phủ, đẩy mạnh truy quét những người đứng về phía quân đội.
AFP cho biết đã nhận được thông tin về việc Taliban tiến hành các cuộc trả thù nhằm vào các cựu nhân viên chính phủ. Hành quyết, bắt cóc, cưỡng hiếp... chỉ là một trong số các tội ác Taliban gây ra, do những người trốn được khỏi thành phố kể lại.
Friba, 36 tuổi, một góa phụ bỏ trốn khỏi Kunduz hôm 8/8 cùng sáu đứa con khi Taliban tiếp quản thành phố này kể: "Chúng tôi nhìn thấy những thi thể nằm gần nhà tù..., có những con chó bên cạnh các xác chết".
Giống như nhiều nhân chứng thuật lại với AFP, Friba yêu cầu không nêu tên đầy đủ vì sợ bị trả thù.
Abdulmanan, một cư dân khác di tản khỏi Kunduz thì nói rằng, Taliban đã hành quyết con trai của ông ta. Tuy nhiên, AFP không thể xác minh thông tin này và Taliban vẫn luôn phủ nhận thực hiện bất kỳ hành động tàn bạo nào ở những khu vực mà họ kiểm soát.
Những thông tin cập nhật cho thấy, đến rạng sáng 11/8, Taliban thông báo đã chiếm được thêm 2 thủ phủ tỉnh, trong đó có thành phố Farah thuộc tỉnh cùng tên và thành phố Pul-e-Khumri thuộc tỉnh Baghlan. Thành phố này chỉ cách Kabul khoảng 200km.
Theo giới phân tích, việc để sáu thủ phủ tỉnh ở miền Bắc rơi vào tay Taliban, trong khi lực lượng này vẫn đang đẩy mạnh tấn công Mazar-i-Sharif - thành phố lớn nhất trong khu vực là dấu hiệu cho thấy sự thất bại hoàn toàn của chính phủ trong việc kiểm soát khu vực miền Bắc vốn có lịch sử chống lại lực lượng Taliban.
Taliban tuyên bố đã kiểm soát được hơn 80% lãnh thổ Afghanistan và mục tiêu của phong trào này là "biến Afghanistan trở lại thành tiểu vương quốc Hồi giáo" như giai đoạn 1996-2001.
Nỗi sợ hãi thường trực trong ánh mắt
Trong giai đoạn cầm quyền của Taliban - từ năm 1996 đến khi bị lực lượng do Mỹ dẫn đầu lật đổ sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 - Taliban đã trở nên khét tiếng với việc giải thích nghiêm ngặt luật Hồi giáo, trừng phạt những người phạm tội nhỏ bằng hình phạt rất nặng và thậm chí là hành quyết ở nơi công cộng.
Taliban trong quá khứ từng chiếm được Kunduz - thủ phủ của tỉnh cùng tên - trong hai cuộc tấn công ngắn ngủi vào năm 2015 và 2016, trước khi bị các lực lượng Afghanistan được Mỹ hỗ trợ hỏa lực mạnh mẽ đánh bật khỏi thành phố. Lần đầu tiên Taliban giành quyền kiểm soát Kunduz trong hai tuần, lần thứ hai chỉ trong vỏn vẹn có một ngày.
Bất chấp sự chiếm đóng mới nhất của Taliban và sự trở lại của những người bị cáo buộc là tàn bạo, cuộc sống dường như đang trở lại ở Kunduz. Những chiếc xe tuk-tuk vẫn hối hả chạy trên đường phố còn đầy rẫy đống đổ nát, tiếng còi taxi inh ỏi... trong cờ của Taliban đã được kéo lên trên quảng trường chính trong thành phố.
Nhưng các cư dân thành phố cho biết, họ cảm thấy sợ hãi vì sự quay trở lại thống trị kéo dài của Taliban và với việc Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi nước này, họ dường như đang chuẩn bị cho những điều tồi tệ hơn ở phía trước.
"Mọi người đang mở cửa hàng và cơ sở kinh doanh của họ, nhưng bạn vẫn có thể nhìn thấy sự sợ hãi trong ánh mắt của họ", Habibullah - một chủ cửa hàng nói.
Những diễn biến phức tạp này đang đẩy Afghanistan vào vòng xoáy bất ổn. Thống kê của Phái bộ Hỗ trợ Liên Hợp Quốc tại Afghanistan cho thấy, số thương vong của dân thường 6 tháng đầu năm nay đã tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số thương vong của dân thường trong tháng 5 và tháng 6 cao hơn 4 tháng đầu năm 2021 với 703 người thiệt mạng và 1.609 người bị thương. Afghanistan cũng đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 18,4 triệu người (hơn 1/3 dân số) cần hỗ trợ nhân đạo.