Tại sao vụ tấn công ở Paris khó thay đổi quan hệ Mỹ-Nga?
Với những động thái sau vụ tấn công ở Paris, nhiều nhà quan sát đã nói đến mối quan hệ gần gũi hơn giữa Moscow và Washington. Tuy nhiên, bà Olga Oliker, Cố vấn cấp cao, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Nga và châu Âu (Trung tâm nghiên cứu Chiến lược quốc tế, Mỹ) lại có cách nhìn khác.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama trao đổi bên lề G20
Sự đoàn kết toàn cầu sau các cuộc tấn công khủng bố dã man ở Paris đã dấy lên hy vọng về việc cải thiện quan hệ hợp tác giữa Nga, Mỹ, Pháp và các đối tác của họ trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Tuy nhiên, bất chấp những lời lẽ hứa hẹn xuất hiện ngay cả trước khi các cuộc tấn công khủng bố hôm thứ Sáu, vẫn tồn tại nhiều thách thức trong quá khứ đã cản trở sự hợp tác hiệu quả giữa các bên.
Hi vọng từ lời nói
Từ lâu, Nga đã cho biết họ sẵn sàng - thậm chí háo hức - hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Thật vậy, ngay sau thảm kịch ngày 11/9/2001, Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gọi cho Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đề nghị được hỗ trợ.
Sau các vụ tấn công ở Paris vừa qua thì các quan chức Nga gần như ngay lập tức kêu gọi đoàn kết mạnh mẽ hơn nữa để chống lại IS và các nhóm thánh chiến Syria khác. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tổ chức một cuộc họp báo chung hôm 14/11, kêu gọi cần có các biện pháp cứng rắn hơn để chống lại IS. Một ngày trước đó, khi các cuộc tấn công Paris chưa diễn ra, Tổng thống Putin đã tuyên bố, ông sẵn sàng làm việc với Mỹ và đã làm việc với Quân đội Syria tự do (FSA) do Mỹ hậu thuẫn.
Với tất cả điều này, cùng vô số những đóa hoa tươi tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố được đặt trước Đại sứ quán Pháp tại Moscow, có vẻ là niềm hy vọng mới rằng, Nga sẽ làm hợp tác chẽ hơn với các liên minh do Mỹ dẫn đầu, đặc biệt là trong bối cảnh vụ rơi máy bay chở khách của Nga tại Ai Cập mới đây được cho là có liên quan đến hoạt động của IS.
Trở ngại trên thực tế
Nhưng mọi thứ không đơn giản. Có nhiều thách thức để có sự hợp tác hiệu quả, cả ở Syria và trên nhiều phương diện khác, sẽ cần phải được khắc phục để đạt được sự phối hợp có ý nghĩa hơn.
Một dấu hiệu của việc này thể hiện ngay trong các tuyên bố của chính Tổng thống Putin. Ngay cả khi nói về việc Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ, ông Putin cũng chỉ ra rằng, Nga vẫn sẽ tiến hành các hoạt động ở Syria dù không có sự ủy nhiệm của Liên hợp quốc hay sự ủng hộ của Chính phủ Syria đối với những hành động của Mỹ.
Một vấn đề khác là cuộc chiến chống lại IS chỉ đơn thuần là một phần trong hoạt động ở Syria của Nga. Về mặt chiến thuật, Nga đang làm việc để hỗ trợ chính quyền Bashar al-Assad của Syria và có thể nhận định rằng, cách tốt nhất để làm điều đó là để làm suy yếu phe đối lập chứ không phải là tấn công IS.
Tuy nhiên, về mặt chiến lược, Nga dường như cũng xem Syria là một cơ hội quan trọng để thể hiện vị thế đối với Mỹ và nhằm chỉ ra sự không hiệu quả của Mỹ trong việc trợ giúp các phong trào chống độc tài ở Syria và những nơi khác. Đây là một thách thức lớn mà Moscow và Washington không thể lờ đi.
Nếu Nga không tuyên chiến với IS nghiêm túc hơn thì vẫn có thể phối hợp với Mỹ trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như việc chia sẻ thêm thông tin. Nhưng thậm chí ở trên các lĩnh vực này cũng cần phải vượt qua nhiều thách thức.
Trong gần 15 năm qua, các nỗ lực của Mỹ và Nga để làm việc cùng nhau chống lại chủ nghĩa khủng bố đã bị hạn chế bởi sự thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, cũng như cách tiếp cận khác nhau để thu thập và phân tích thông tin. Mỹ có xu hướng đặt câu hỏi về dữ liệu do Nga cung cấp, trong khi ngoại trừ các thông tin nhạy cảm, Mỹ cho rằng, họ thiện chí chia sẻ với Moscow.
Trong bối cảnh Syria, sự thiếu tin tưởng trong khía cạnh này càng trầm trọng hơn do mối quan hệ của Nga với Iran; Nga và Iran chiến đấu trên cùng một mặt trận ở Syria và cho rằng, rất khó để tin bất cứ điều gì Washington chia sẻ với Moscow là xác thực. Kết quả là sự phối hợp chia sẻ thông tin của hai bên không mang lại hiệu quả.
Tất nhiên, những điều trên không có nghĩa là sự hợp tác giữa Nga và Mỹ là không thể. Vẫn có những kỳ vọng về mối hợp tác ý nghĩa hơn giữa hai cường quốc này và xuất phát từ thực tế rằng những thành công lớn hơn chỉ có thể được xây dựng từ những điều nhỏ.
Nếu có bằng chứng rõ ràng rằng Nga đang tham gia trên cùng mặt trận, tương tự Mỹ và các đối tác của mình, thì Mỹ được cho là sẽ sẵn sàng làm việc với Nga. Và nếu Nga cảm thấy được tin tưởng và ghi nhận, có nhiều khả năng Nga sẽ hỗ trợ một số nỗ lực của Mỹ.
Thế giới đang đoàn kết trong nỗi hoảng sợ về những gì vừa diễn ra ở Paris. Nhưng điều đó không có nghĩa là Washington và Moscow cùng nhìn mọi thứ theo cách giống nhau.
Theo Châu Long
Thế giới và Việt Nam