1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tại sao Pháp luôn là đích nhắm của khủng bố?

Loạt vụ tấn công đẫm máu xảy ra tại Pháp ngày 13-11 đã gây chấn động toàn thế giới.

Trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan IS, bên cạnh Pháp, còn rất nhiều liên minh phương Tây, cùng Mỹ và Nga hợp sức không kích IS. Tuy nhiên, cho đến nay, Pháp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những hoạt động của các phần tử khủng bố. Vì sao lại như vậy?

Từ trước đến nay, Pháp là một trong những nước có cộng đồng người theo đạo Hồi sinh sống đông nhất châu Âu. Tuy nhiên, quốc gia này cũng là một trong những nước tích cực và có vai trò lớn trong chiến dịch chống các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Hơn 10.000 lính Pháp cho đến thời điểm hiện tại được điều ra nước ngoài, tham gia chiến dịch chống khủng bố, trong đó có hơn 3.000 người tham chiến tại Tây Phi, 2.000 người ở Trung Đông và 3.200 người ở Iraq. Ngoài ra, cuộc chiến của lính Pháp tại Mali chống lại nhóm khủng bố Al-Qaeda vào năm 2013 được coi là trận chiến mấu chốt trong việc làm suy yếu sức mạnh của nhóm phiến quân.

Hai tuần trước, một thủ lĩnh của lực lượng khủng bố "Al-Qaeda trong khu vực Maghreb Hồi giáo" đã kêu gọi những kẻ ủng hộ hãy đứng lên tấn công nước Pháp nhằm trả thù cho sự hiện diện quân đội của nước này trong khu vực chúng kiểm soát. Mới cách đây vài ngày, Tổng thống Pháp còn tuyên bố nước này sẽ triển khai tàu sân bay tới Vịnh Ba Tư để hỗ trợ không kích chống IS tại Iraq.

Tất nhiên, đây không phải là điều khiến các thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan hài lòng. Một trong những kẻ tấn công vào Nhà hát Bataclan tại Paris đã hét lên: “Điều này dành cho Syria”, đã làm dấy lên mối nghi ngờ rằng, đây chính là cuộc tấn công khủng bố do các tổ chức Hồi giáo cực đoan thực hiện nhằm trả thù nước Pháp.

Tại sao Pháp luôn là đích nhắm của khủng bố? - 1

Hiện trường vụ tấn công đẫm máu bên ngoài nhà hàng La Belle Equipe tại Paris ngày 13-11. (Ảnh: AP)

Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán vũ khí trái phép ồ ạt qua biên giới cũng được xem là một trong những thành tố khiến Pháp dễ trở thành mục tiêu của khủng bố. Vũ khí sử dụng trong vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo hồi tháng 1 vừa qua được cho là tuồn vào từ bên biên giới Bỉ. Mặc dù quốc gia láng giềng này đã đấu tranh chống buôn bán vũ khí bất hợp pháp, thế nhưng hàng chục năm, xung đột trong các cuộc chiến ở Balkan đã biến biên giới Bỉ-Pháp trở thành khu vực lý tưởng để vận chuyển, mua bán các loại vũ khí không rõ nguồn gốc với giá rẻ một cách kinh ngạc.  

Cũng kể từ sau thảm kịch Charlie Hebdo, chính quyền Pháp đã áp dụng hàng loạt biện pháp ngăn ngừa, bao gồm tăng cường an ninh ở sân bay và các trạm trung chuyển giao thông lớn, thành lập đội ngũ điều tra, theo dõi các đối tượng tình nghi là IS ở trong nước, hay kiểm soát khắt khe hơn quy trình nhập cư, di trú.

Tuy nhiên, Pháp vẫn không thể ngăn dòng người tị nạn vào nước này, đặc biệt trong mùa hè vừa qua khi số người di cư từ Iraq và Syria tăng đột biến. Chuyên gia chống khủng bố nhận định, đây chính là cơ hội tốt để thành viên IS hay những kẻ Hồi giáo cực đoan xâm nhập vào các nước châu Âu để tiến hành các cuộc khủng bố. Và loạt vụ tấn công ở Paris là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó.

Cũng như các nước châu Âu khác, Pháp chưa tiếp nhận quá nhiều người tị nạn từ Syria. Chỉ có khoảng 20.000 người Syria đã nhập cư vào quốc gia này trong vài năm qua, theo số liệu từ LHQ. Nhưng nhiều cá nhân vẫn có thể di chuyển thoải mái trong một khu vực rộng lớn ở châu Âu mà không bị kiểm soát nếu như sở hữu một số loại hộ chiếu đặc biệt. Thực tế này khiến công tác quản lý di trú gặp không ít trở ngại, làm gia tăng nguy cơ các tay súng cực đoan đóng giả làm người di cư để thực hiện các cuộc tấn công đẫm máu trên toàn châu Âu.

Tuy nhiên, theo John R.Bowen, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Washington, một lý do quan trọng khiến Pháp thường xuyên trở thành mục tiêu của các phần tử cực đoan Hồi giáo là bởi nước này có mối liên kết chặt chẽ và lâu bền với cộng đồng Hồi giáo hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào.

Ở Pháp, có đến 70% tù nhân là người Hồi giáo, trong khi tại Anh và xứ Wales, con số này chỉ chiếm 14%. Tuy nhiên, cộng đồng Hồi giáo tại nước này thường bị cô lập, bài xích và phân biệt đối xử. 

Mohamed Merah - kẻ xả súng máu lạnh giết chết 7 người ở Toulouse năm 2012 - lớn lên ở vùng ngoại ô nghèo khó nước Pháp, phạm tội từ thời niên thiếu và bị bắt vào tù. Sau khi được thả, năm tháng trong tù đã biến hắn chính thức thành một chiến binh thánh chiến man rợ.

Mehdi Nemouche - hung thủ vụ thảm sát 4 người tại Brussels vào tháng 5-2014 cũng là một đối tượng nguy hiểm được nuôi dưỡng với ý nghĩ gia nhập tổ chức khủng bố sau song sắt trại giam. 

Sau vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo, nước Pháp lại càng gặp khó khăn hơn trong việc quản lý những phạm nhân theo đạo Hồi. Rachida Dati, cựu Bộ trưởng Tư pháp thừa nhận, Pháp không đủ khả năng để có thể dập tắt ngọn lửa niềm tin theo đạo cực đoan của những thanh niên phạm tội sau những chấn song sắt.

Theo Hà Lan

Quân đội Nhân dân

Tại sao Pháp luôn là đích nhắm của khủng bố? - 2