1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tài phiệt Nga thời khủng hoảng : “Hào phóng” nhất thiên hạ?

Tỉ phú Nga Andrei Melnichenko chi 450 triệu USD cho chiếc du thuyền mới lớn nhất thế giới, với chiều dài 142 m.

Dư luận hết sức bất ngờ trước thông tin tỉ phú Kirill Pisarev, 46 tuổi, ông trùm bất động sản ở London, một trong những tỉ phú trẻ nhất nước Nga, đã bán chiếc siêu du thuyền dài 47 m giá 15 triệu bảng với lý do nó… không đủ lớn cho gia đình ông gồm 6 thành viên.

Lối sống hoang phí

Nhà tỉ phú trẻ người Nga đã đặt mua một chiếc du thuyền khác mới đóng dài 55 m, trị giá 20 triệu bảng Anh vào năm 2012, cho gia đình ông ta hưởng thụ và đã bán chiếc du thuyền nêu trên cho công ty của một người Nga giàu có khác, Alexander Miliavsky.

Ông ta đã phải hầu tòa hồi tháng 2-2016 sau khi công ty môi giới khẳng định ông ta nợ họ khoản tiền hoa hồng 615.000 bảng Anh về hợp đồng bán chiếc du thuyền nói trên. Các nhà môi giới khăng khăng đòi khoản tiền hoa hồng trên vì đã giới thiệu chiếc du thuyền cho Miliavsky vào đầu năm 2010, 2 năm trước khi ông này mua nó.

Tuy nhiên, Pisarev nhấn mạnh các nhà môi giới không được yêu cầu tìm người mua cho đến tháng 9-2012 khi ông Miliavsky tận mắt nhìn thấy chiếc du thuyền. Do đó, họ không được hưởng 1 xu nào.

Tỉ phú Kirill Pisarev đã bán chiếc siêu du thuyền dài 47 m với lý do nó… không đủ lớn cho gia đình ông gồm 6 thành viên Ảnh: DAILY MAIL
Tỉ phú Kirill Pisarev đã bán chiếc siêu du thuyền dài 47 m với lý do nó… không đủ lớn cho gia đình ông gồm 6 thành viên Ảnh: DAILY MAIL

Thực ra, Tòa án Tối cao London đã bác bỏ khoản tiền nợ nêu trên vào năm 2014 nhưng Tòa án Phúc thẩm đã đưa ra xét xử lại. Từ đó, thông qua các văn bản tòa án, chi tiết lối sống chi tiêu hoang phí của nhà tỉ phú Nga đã lần đầu tiên được tiết lộ.

Ông Pisarev tuyên bố ông ta đã mau chóng “chán” con tàu trên mặc dù nó đã được chế tạo theo đơn đặt hàng riêng với những thông số gây choáng: 5 khoang tàu, khoảng không gian lộ thiên rộng 85 m2 có thể sử dụng vào bất cứ mục đích nào - tắm nắng, ăn tối, giải trí hay tập thể dục thể thao - và chỗ ăn ở thoải mái cho 12 vị khách cùng một lúc.

Báo Daily Mail tường thuật rằng ông Pisarev đã mua chiếc du thuyền trên qua một công ty vào năm 2010 nhưng đã vỡ mộng chỉ 6 tháng sau khi làm chủ nó. Ông ta nói với một nhà trung gian mua bán tàu thuyền rằng bản thân ông đã nhận ra con tàu này quá nhỏ bé đối với ông ta, vợ và 4 đứa con.

Với nhiều phương tiện vui chơi và giải trí, kể cả đường truyền WiFi trên boong, sàn tắm mạch nước ngầm, phòng tập thể dục thể thao với đầy đủ trang thiết bị, chiếc du thuyền đã từng được tỉ phú Pisarev sử dụng để tiếp đãi khách mời, thết đãi bạn bè làm ăn trong thời gian diễn ra giải đua xe công thức 1 Monaco Grand Prix vào tháng 9-2010.

Chiếc du thuyền này - có thể thuê mướn trên mạng - hiện rất thích hợp cho loại hợp đồng thuê tàu để đến nhiều địa điểm như khu vực dọc bờ biển Địa Trung Hải ở miền Đông Nam nước Pháp, Monaco và Đông Bắc nước Ý. Người ta nói rằng ông Pisarev đã từng có khoảng thời gian như trong thần thoại cùng với gia đình trên boong chiếc du thuyền này trong chuyến du lịch biển Caribe vào cuối năm 2009 đầu năm 2010.

Chạy đua sắm du thuyền

Chiếc du thuyền lớn nhất thế giới hiện nay có tên gọi Luna, với chiều dài 115 m, thuộc quyền sở hữu của tỉ phú Nga Farkhad Akhmedov. Ông này mua lại chiếc Luna từ người bạn là tỉ phú Roman Abramovich vào năm 2014 với giá 360 triệu USD. Luna có thể tiếp đón cùng lúc 18 vị khách trong 9 gian phòng riêng, với đội ngũ 49 nhân viên phục vụ.

Tháng 1-2015, Luna đến thành phố cảng biển Bremerhaven - Đức và nó đã neo đậu ở đây suốt 1 năm trời với phí tổn nhiều triệu USD để tân trang. Tháng 2-2016, Luna rời cảng Bremerhaven và trực chỉ điểm đến Na Uy.

Tỉ phú Akhmedov, 61 tuổi, có tài sản ước tính trị giá 1,4 tỉ USD (theo tạp chí Forbes). Ông này sinh ra tại Azerbaijan nhưng đến Nga năm 15 tuổi; bắt đầu sự nghiệp bằng công việc bán trang thiết bị cho Công ty Northgas, nhà sản xuất khí đốt ở Siberia với trữ lượng khí đốt hàng đầu thế giới.

Sau đó, ông ta tập trung vào việc sản xuất khí đốt thiên nhiên và bắt đầu mua cổ phần ở Northgas và khoảng năm 2000, Akhmedov đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Northgas. Sau cuộc tranh cãi với khách hàng Gazprom của Northgas, Akhmedov đã chuyển nhượng 51% cổ phần của Northgas cho Gazprom. Năm 2011, Akhmedov bán nốt số cổ phần còn lại ở Northgas cho nhà sản xuất khí đốt Nga Novatek với giá 1,38 tỉ USD.

Tỉ phú Akhmedov hiện là chủ nhân Công ty Aznar Natural Products - chuyên sản xuất nước lựu ở Azerbaijan - mà cha ông ta Teymur Akhmedov từng là giám đốc thời Liên Xô. Sản phẩm của công ty này được bán ở Nga thông qua Công ty Grante Russia, cũng thuộc quyền sở hữu của Akhmedov. Hơn nữa, Akhmedov là một nhà từ thiện tích cực, tài trợ cho các quỹ từ thiện trẻ em và các dự án bảo vệ động vật hoang dã.

Ông ta còn là nhà sưu tập tranh, đặc biệt tập trung sự chú ý vào nghệ thuật Azerbaijan và là nhà tài trợ cho Liên hoan Hội họa Azerbaijan được tổ chức ở London hằng năm. Akhmedov cho biết ông ta hiện đang sở hữu khoảng 150 tác phẩm hội họa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Năm 2015, Akhmedov đã mua bức tranh Abstract Expressionist của Mark Rothko với giá 46,5 triệu USD.

“Hào phóng” không kém, tỉ phú Nga Andrei Melnichenko đã chi 450 triệu USD để đóng chiếc du thuyền mới Super Yacht A với chiều dài 142 m, 8 sàn tàu và 3 cột buồm, mỗi cột cao 100 m. Siêu du thuyền này - có đủ không gian cho thủy thủ đoàn 54 người - sẽ được giao trong năm 2016 và sẽ lướt sóng ngay sau đó. Tuy nhiên, đây không phải là chiếc du thuyền đầu tiên của Melnichenko, nhà tỉ phú đã từng sở hữu siêu du thuyền được đặt tên Motor Yacht A.

Chi 100 triệu USD… khảo sát tinh tú

Ngày 20-7-2015, tỉ phú Nga Yuri Milner đã công bố dự án “Breakthrough Listen” trị giá 100 triệu USD, dự kiến sẽ khảo sát 1 triệu tinh tú gần trái đất nhất, tìm kiếm sự sống ngoài trái đất trong vòng 10 năm.

Dự án này nhận được sự ủng hộ của 2 nhà khoa học nổi tiếng là nhà vật lý lý thuyết Stephen Hawking và nhà vật lý học thiên thể Frank Drake.

Ông Milner cho biết dự án này xuất phát từ niềm tin rằng các nền văn minh khác có thể dạy con người cách xử trí các thách thức, chẳng hạn như phân phối các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Theo hãng tin Reuters, trong trường hợp không tìm thấy gì thì dự án cũng mang lại những bài học khác, nhất là việc con người phải trân trọng những gì đang có.

Theo NGÔ SINH

Người Lao động