Tai nạn máy bay ở Indonesia: 147 người chết, 16 người sống sót
Theo tin mới nhất của nhật báo The Jakarta Post, Indonesia, chiếc máy bay chở 116 người <a href="http://dantri.com.vn/Thegioi/2005/9/75527.vip">rơi xuống khu dân cư</a> gần sân bay ở Medan ngay sau khi cất cánh làm tổng cộng 147 người thiệt mạng, trong đó có 47 người dưới mặt đất. 16 hành khách đã may mắn thoát chết.
Danh sách chuyến bay có tới 117 người, nhưng giờ chót có một hành khách đã lỡ chuyến bay.
"Chớp nhoáng trong vài giây"
Theo Bộ trưởng Giao thông Hatta Radjasa, chiếc máy bay hướng tới Jakarta, bị rơi chỉ một phút sau khi cất cánh.
Theo Reuters, các hành khách sống sót đều ngồi ở phía đuôi máy bay. Freddy Ismail, một hành khách sống sót, kể lại cho đài phát thanh El Shinta: "Tôi không thể nào tin. Sau khi cất cánh, chiếc máy bay lắc dữ dội và rồi lao thẳng xuống con đường chính, ngay trên nóc mấy chiếc ôtô".
Tai nạn hàng không lớn nhất trong lịch sử Indonesia đã xảy ra tháng 9/1997, gần vùng núi cũng của Medan, khi chiếc Airbus A-300 của Hàng không quốc gia Garuda chở 222 hành khách và thành viên phi hành đoàn bị rơi.
Bộ trưởng Giao thông Hatta xác nhận tai nạn ở Medan là lớn nhất Indonesia trong năm năm qua.
Đây cũng lại là một tai nạn máy bay thảm khốc nữa sau năm tai nạn khác trong tháng tám, tháng được cho là "chết chóc" nhất trong lịch sử hàng không từ tháng 5/2002.
Tổng cộng có 334 người thiệt mạng trong các tai nạn máy bay tại Peru, Venezuela, Hi Lạp và Tunisia trong tháng tám. |
Một nhân chứng trên mặt đất kể chiếc máy bay đã rơi xuống đường Yamin Ginting trước khi nổ tung thành nhiều mảnh, làm bùng lên một đám cháy dữ dội, gây hoảng loạn người dân khu vực.
Một nhà báo địa phương kể trên Reuters: "Tôi tới hiện trường 10 phút sau tai nạn. Khắp nơi là thi thể người cháy sém. Khoảng 10 ngôi nhà bị cháy cùng năm hay sáu chiếc xe buýt nhỏ. Chiếc máy bay bị xé thành nhiều mảnh vụn mà chúng tôi chỉ còn thấy được phần đuôi. Những người sống sót trên mặt đất thì chạy khắp nơi, gọi tên tìm kiếm người thân".
Tại Bệnh viện Adam Malik của Medan, y tá Roni của bệnh viện cho biết quang cảnh trở nên hỗn loạn khi xác các nạn nhân được đưa tới, trong khi các nhân viên khác cho biết nhiều thi thể cháy đến nỗi không thể nhận dạng. Roni kể: "Xe cứu thương cứ đổ nạn nhân xuống rồi lại lao đi, hành khách lẫn dân cư. Có người sống, có người chết".
Theo người phát ngôn của Chính phủ Indonesia Edi Sofyan, trong số người chết có tỉnh trưởng Sumatra Nurdin và một cựu tỉnh trưởng Bắc Sumatra là Raja inal Siregar. Họ đang trên đường tới Jakarta để gặp Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono.
Bác sĩ Syahrial Anas giám sát việc lấy xác cho biết lúc đầu công việc khá khó khăn do hiện trường rất nóng và do hàng nghìn người hiếu kỳ bao vây hiện trường. Vài giờ sau tai nạn, trời đổ mưa rất lớn tuy giúp giảm bớt sức nóng nhưng vẫn gây trở ngại việc cứu hộ.
Nguyên nhân: cất cánh không thành công
Về nguyên nhân tai nạn, ông Hatta nói chưa thể xác nhận nguyên nhân do chưa có kết luận chính thức của Ủy ban quốc gia về an toàn giao thông. Tuy nhiên, bản tin detik.com dẫn lời nhân chứng cho biết chiếc máy bay "rất khó khăn mới nhấc khỏi mặt đất, lôi theo một số rào chắn của sân bay rồi rớt xuống nhà dân" cách sân bay chừng 500m.
Quyền chủ tịch Hãng hàng không Mandala Asril Hamzah Tanjung nói có thể tạm cho nguyên nhân là vì việc cất cánh không thành công, nhưng chưa rõ vì lý do gì: “động cơ, lỗi con người hay do thời tiết”. Tuy chiếc máy bay cất cánh trong thời tiết u ám nhưng khi đó trời không mưa.
Theo D.V.
Tuổi trẻ/The Jakarta Post, Reuters, Xinhua