1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Syria yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn vụ Cao nguyên Golan

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) dự kiến sẽ triệu tập một cuộc họp vào ngày 27-3 (giờ Mỹ) để bàn về tương lai của các lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở Cao nguyên Golan.

Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận chủ quyền của Israel ở Cao nguyên Golan, ngày 26-3, chính phủ Syria đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) họp khẩn, hãng tin AFP dẫn một số nguồn tin ngoại giao cho biết.

Phái bộ Syria tại LHQ đã yêu cầu HĐBA LHQ sắp xếp một cuộc họp khẩn để “bàn về tình hình vùng Cao nguyên Golan của Syria bị chiếm đóng và về các vi phạm trắng trợn gần đây đối với nghị quyết HĐBA của một nước thành viên thường trực”, theo một bức thư mà AFP thu thập được từ các nguồn tin.

HĐBA dự kiến sẽ triệu tập một cuộc họp vào ngày 27-3 (giờ Mỹ) để bàn về tương lai của các lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở Cao nguyên Golan.

 

Syria yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn vụ Cao nguyên Golan - 1

Người Druze ở Syria, một cộng đồng nói tiếng Ả Rập, biểu tình phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận chủ quyền của Israel ở Cao nguyên Golan. Ảnh: REUTERS

 

Từ khi ông Trump đề cập khả năng này vào ngày 22-3, Syria đã yêu cầu HĐBA bảo vệ ba nghị quyết hiện hành kêu gọi Israel rút quân khỏi Cao nguyên Golan, vốn bị nước này đánh chiếm vào năm 1967 bất kể luật pháp quốc tế công nhận đây là đất của Syria.

Bộ Ngoại giao Syria lên án đây là sự “gây hấn rõ ràng” và “coi thường luật pháp quốc tế” của Mỹ. Ngày 26-3, đã xảy ra hàng loạt vụ biểu tình ở Syria phản đối quyết định của ông Trump.

Syria yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn vụ Cao nguyên Golan - 2

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và bản tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel ở Cao nguyên Golan, trước Nhà Trắng ngày 25-3. Ảnh: REUTERS

Cộng đồng quốc tế nhanh chóng lên tiếng lên án ngay sau khi ông Trump chính thức công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel.

Từ Iran, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố: “Không ai có thể tưởng tượng một cá nhân ở Mỹ đến và giao đất của một đất nước cho một đất nước chiếm đóng khác, đi ngược lại luật pháp và các công ước quốc tế. Hành động này chưa có tiền lệ trong thế kỷ hiện tại”.

Nhiều đồng minh của Mỹ như Canada và Úc cũng thể hiện sự không đồng tình với Mỹ. Thậm chí các đối tác của Mỹ ở vùng Vịnh là Saudi Arabia, Bahrain, Qatar, Kuwait cũng chỉ trích bước đi này của Mỹ, đồng thời dự báo sẽ có “những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng” đối với tiến trình hòa bình Israel-Palestine cũng như sự ổn định khu vực nói chung.

Theo Đăng Khoa 

Pháp luật TP.HCM