Syria vẫn mờ mịt tương lai sau 7 năm nội chiến
(Dân trí) - Vụ tấn công tên lửa nhằm vào Syria mà Mỹ và các đồng minh phương Tây tiến hành có thể là bước khởi đầu cho những leo thang căng thẳng mới, nguy hiểm hơn tại quốc gia Trung Đông này. Tương lai của Syria giờ đây vẫn mờ mịt sau 7 năm nội chiến.
Mỹ sẽ vẫn can dự vào Syria
Ngày 14/4, các máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ, Anh và Pháp đã phóng tên lửa nhằm vào 3 mục tiêu mà họ cho là các cơ sở chứa vũ khí hóa học của Syria để đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma của Syria hôm 7/4.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sau đó khẳng định vụ tấn công không phải “sự khởi đầu cho chiến dịch lớn hơn” tại Syria. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định điều này không có nghĩa là không rủi ro. Vụ tấn công có thể châm ngòi cho những leo thang căng thẳng nguy hiểm hơn và cũng là tín hiệu cho thấy sự can dự sâu hơn của Washington vào một trong những cuộc chiến dai dẳng và đẫm máu nhất trên thế giới.
Báo New York Times nhận định cuộc không kích ngày 14/4 do Mỹ, Anh và Pháp tiến hành nhằm vào Syria không nhằm mục đích lật đổ chế độ của Tổng thống Assad, hay làm tổn hại tới lợi ích của Nga và Iran, hay nhằm bảo vệ dân thường khỏi các cuộc tấn công hóa học. Trên thực tế, cuộc không kích đã được lên kế hoạch rất kĩ càng nhằm giữ Mỹ tiếp tục can dự vào vấn đề Syria.
Với việc tuyên bố không kích Syria nhằm đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vẽ ra một viễn cảnh không mấy sáng sủa về khả năng của Washington có thể thay đổi cục diện tại Trung Đông.
Ông Trump cho rằng các đồng minh Arập như Arập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Ai Cập và Qatar có thể đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề Syria. Tuy nhiên, bản thân các nước này cũng đang vướng vào những tranh chấp và các cuộc chiến khác trong khu vực. Vì vậy, rất khó để các nước này có thể phối hợp với nhau trong vấn đề Syria.
Trước khi ra lệnh không kích Syria, Tổng thống Trump đã đóng băng khoản viện trợ 200 triệu USD nhằm ổn định cuộc sống cho người dân Syria. Ông cũng để ngỏ khả năng rút gần 2.000 lính Mỹ đang đồn trú tại Syria về nước.
Trong khi đó, Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại nhưng không mang lại hiệu quả. Hội đồng bảo an tiếp tục chứng kiến sự chia rẽ giữa các nước có quan điểm khác nhau trong việc tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc xung đột tại Syria.
Syria vẫn bế tắc trong tương lai gần
Khoảng 350.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến tại Syria (Ảnh: EPA-EFE)
Còn đối với người dân Syria, dường như không có nhiều sự thay đổi sau khi Mỹ và các đồng minh tấn công tên lửa hồi cuối tuần qua. Ít nhất trong tương lai gần, họ vẫn phải sống trong sự bất ổn như 7 năm qua kể từ khi xung đột bùng phát năm 2011. Người dân Syria bế tắc trong một cuộc xung đột phức tạp, với những lợi ích chồng chéo của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực.
Tại thủ đô Damascus, hàng trăm người đã xuống đường tuần hành thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad. Họ cũng bày tỏ vui mừng trước những chiến thắng của quân đội Syria trước các cuộc tấn công của Mỹ và phương Tây.
Trong suốt 7 năm qua, có ý kiến cho rằng cách duy nhất để chấm dứt xung đột và mang lại hòa bình cho Syria là phương Tây chấp nhận việc Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục vai trò chính trị của mình. Việc Mỹ và phương Tây tìm cách lật đổ ông Assad chỉ khiến cuộc sống của người dân Syria trở nên tồi tệ hơn.
Một nghiên cứu của Trung tâm Carnegie Middle East tại Beirut, Li-băng chỉ ra rằng nếu Tổng thống Assad tiếp tục tại vị, người dân Syria đang sơ tán tại các nước láng giềng sẽ do dự hơn khi trở về nhà.
Cách duy nhất để người dân Syria yên tâm trở về nhà là một thỏa thuận giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy đòi hỏi những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi - điều mà Washington có vẻ không mấy quan tâm.
Để người dân Syria trở lại với cuộc sống bình thường, việc cần làm trước mắt là dọn sạch những bãi mìn, những bẫy thuốc nổ mà phiến quân để lại trước khi bị đánh bại. Sau đó, hệ thống điện nước, đường xá và các công trình cần được tái thiết nhanh chóng.
Khi đã yên tiếng súng, Syria có thể phải đối mặt với một vấn đề an ninh khác là xung đột giữa người Kurd ở phía Bắc và Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc đối đầu giữa Iran và Israel và việc tái thiết các khu dân cư bị tàn phá trong chiến tranh.
Nhật Minh
Tổng hợp