Syria tiếp tục vi phạm thỏa thuận ngừng bắn
(Dân trí) – Quân đội Syria đã mở rộng các cuộc tấn công nhằm vào cứ địa của phe đối lập ở thành phố Homs bất chấp sự hiện diện của các quan sát viên nước ngoài theo một thỏa thuận ngừng bắn do Liên hợp quốc chủ xướng.
Các nhà hoạt động cho biết thỏa thuận ngừng bắn tại Syria tiếp tục bị phá vỡ trong ngày 17/4 khi lực lượng chính phủ Syria mở rộng các cuộc tấn công vào thành phố Homs và tỉnh Daraa ở miền Nam làm 2 dân thường thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Theo tổ chức quan sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, thương vong xảy ra khi xe tăng của quân đội bắn phá thị trấn Busra al-Harir, một cứ địa của phe nổi dậy Quân đội Syria Tự do (FSA) ở tỉnh Daraa
Ngoài ra, các binh sĩ trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad cũng tiếp tục pháo kích những khu vực do phe đối lập nắm giữ như thị trấn Khaldiyeh ở thành phố điểm nóng Homs, nơi đã phải liên tiếp hứng chịu các cuộc tấn công ngoại trừ ngày đầu tiên khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực.
Các nhân chứng tại chỗ cho biết mặc dù tình trạng bạo lực và con số thương vong ở Syria đã giảm xuống so với trước, nhưng các vụ đụng độ và tấn công trên quy mô nhỏ vẫn tiếp diễn trong bốn ngày qua.
Tuy nhiên, Nga cho rằng các cuộc tấn công này do cả chính phủ Syria và phe đối lập thực hiện, cáo buộc hai bên đang phá hoại cuộc ngừng bắn.
Thỏa thuận ngừng bắn mong manh
Các cuộc tấn công của quân đội Syria tiếp tục phủ bóng đen lên thỏa thuận ngừng bắn mong manh nằm trong kế hoạch hòa bình 6 điểm do phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Ảrập Kofi Annan đề xuất.
Theo thỏa thuận này, các phe phái ở Syria phải ngừng bắn toàn diện từ ngày 12/4, sau khi chính quyền Damascus rút hết quân đội và khí tài ra khỏi các thành phố điểm nóng trước đó 48 giờ.
Thỏa thuận cũng nói rõ LHQ sẽ cử phái đoàn giám sát viên tới Syria để giám sát việc chấm dứt bạo lực có vũ trang và hỗ trợ triển khai hoạt động cứu trợ nhân đạo tới mọi khu vực vị ảnh hưởng của giao tranh. Việc cử các quan sát viên sẽ được tiến hành theo từng giai đoạn với tổng số quan sát viên cuối cùng có thể lên đến 250 người.
Tuy nhiên cho đến nay, LHQ mới chỉ cử được 6 quan sát viên tới Syria với nhiệm vụ nhanh chóng tiếp cận những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo người đứng đầu nhóm này, đây là nhiệm vụ cực kỳ nan giải vì đòi hỏi phải có sự phối hợp, lập kế hoạch và thực hiện chuẩn xác từng bước đề ra trong kế hoạch đó.
Dự kiến LHQ sẽ điều thêm 25 quan sát viên nữa tới Syria trong vài ngày tới.
Phương Tây tiếp tục tăng sức ép
Lo ngại nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, giới chức ngoại giao và tài chính Ảrập, phương Tây đã tiến hành nhóm họp ngày 17/4 ở thủ đô Paris của Pháp để bàn thảo các chế tài đối với Damascus.
Kết thúc cuộc gặp, các nước đã ra tuyên bố lên án kịch liệt việc duy trì hỗ trợ tài chính và các thương vụ bán vũ khí cho Syria, ám chỉ tới các hợp đồng của Nga. Các nước này cũng kêu gọi tiến hành thêm các biện pháp nhằm cô lập hơn nữa chính quyền của Tổng thống al-Assad.
Cuộc gặp có sự tham gia của các quan chức Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Ảrập (AL), Mỹ, Pháp, Thụy Sỹ, Ôxtrâylia, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ … nhưng không có Nga, Iran, Lebanon và Iraq.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppe khẳng định các biện pháp trừng phạt Damacus đã có kết quả khi làm giảm tới một nửa dự trữ tài chính của Syria.
Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe (trái) dự hội nghị quốc tế về Syria tại Paris hôm 17/4/2012.
Cũng theo ông Juppe, các chế tài không những là công cụ hữu hiệu giúp siết chặt khả năng tài chính và các khoản tài trợ cho quân đội và chính phủ Syria, mà còn gửi đi một thông điệp chính trị mạnh mẽ.
Trước đó, cộng đồng quốc tế đã áp đặt một loạt chế tài mạnh mẽ đối với ngành dầu mỏ và tài chính của Syria, phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với các thành viên chính phủ, trong đó có Tổng thống Assad và phu nhân.