Syria lập chính phủ mở rộng: Toan tính Nga thành hiện thực?
Những toan tính của Nga tại Syria đang dần thành hiện thực khi Damascus tuyên bố thành lập chính phủ mở rộng do Tổng thống Assad đứng đầu.
Syria thúc đẩy thành lập chính phủ mở rộng
Ngày 18/4, trong cuộc đàm phán hòa bình về Syria tại Geneva, Thụy Sĩ ông Bashar al-Jaafari, Trưởng đoàn đàm phán của phái đoàn chính phủ Syria, tuyên bố phái đoàn này đang thúc đẩy thành lập một chính phủ mở rộng do Tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu.
Cùng ngày, phát biểu trên đài truyền hình Liban, ông Jaafari nhấn mạnh đoàn đàm phán chính phủ Syria muốn chính phủ mở rộng này sẽ vẫn duy trì tất cả các thể chế của chính phủ hiện tại.
Theo ông Jaafari, nhiệm vụ duy nhất của ông khi tới Thụy Sĩ lần này là bàn về một chính phủ mở rộng và đây là mục tiêu duy nhất mà chính phủ Syria muốn đạt được tại các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva.
Cũng theo vị này, tương lai của Tổng thống Assad không phải là vấn đề đưa ra đàm phán.
Tuyên bố của chính quyền Damascus được đưa ra ngay sau khi đảng cầm quyền Baath và các đồng minh trong liên minh "Đoàn kết dân tộc" của Tổng thống Assad giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hôm 13/4 với 200/250 ghế tại cơ quan lập pháp.
Trước đó, hôm 16/4, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Steffan De Mistura cũng đề xuất với phe đối lập tại Syria về việc để Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục tại vị. Ngoài ra, ông Mistura cũng đề xuất bổ nhiệm 3 Phó Tổng thống mới với đầy đủ quyền lực.
Tuy nhiên, ý kiến trên đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phe đối lập.
Trong một tuyên bố hôm 18/4, đại diện Ủy ban Đàm phán Cấp cao của phe đối lập Syria đã khẳng định quyết định ngừng cuộc hòa đàm tại Geneva với lý do chính phủ Assad "không nghiêm túc trong việc tiến tới một tiến trình chính trị do Liên hợp quốc bảo trợ."
Phe đối lập muốn thành lập một chính phủ chuyển tiếp với đầy đủ quyền lực mà không có ông Assad.
Vòng đàm phán hòa bình thứ 2 được nối lại ngày 13/4 tuy nhiên đến thời điểm này các bên vẫn chỉ gặp riêng ông Mistura mà chưa tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp.
Nga dần đạt được toan tính tại Syria?
Giới phân tích cho rằng, việc chính quyền Syria tuyên bố thành lập chính phủ mở rộng do Tổng thống Assad đứng đầu không chỉ là chiến thắng của Damascus mà còn cho thấy những toan tính của điện Kremlin đang dần trở thành hiện thực, nhất là trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị tích cực.
Thực tế, ngay từ đầu khi triển khai lực lượng tại Syria, Nga đã tỏ rõ quan điểm, việc tại vị của ông Assad là vấn đề nội bộ của quốc gia này. Moskva chỉ mong muốn quốc gia Trung Đông có một chính quyền ổn định và quân đội có thể duy trì trật tự cũng như chống lại được IS.
Trong một bài phỏng vấn với tờ báo Đức đầu tháng 1/2016, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng ông “ủng hộ một chính quyền hợp pháp ở Syria”, nên đã bảo vệ ông Bashar al-Assad, bao gồm cả việc ủng hộ Syria dùng vũ lực chống lại những tay súng muốn lật đổ chính quyền.
“Nếu cuộc bầu cử tổng thống ở Syria tiến hành một cách dân chủ theo kế hoạch hòa bình do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ, thì “ông al-Assad sẽ không cần phải rời khỏi đất nước này (Syria)”, ông Putin tuyên bố.
Nga đang dần đạt được mục tiêu tại Syria?
Hồi tháng 3 năm nay, khi cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva giữa các bên đang rơi vào bế tắc, phe đối lập Syria ráo riết yêu cầu nhà lãnh đạo Assad phải từ chức, điện Kremlin tiếp tục nhấn mạnh, Moskva ủng hộ bất cứ cơ cấu chính phủ nào mà nhân dân Syria lựa chọn.
"Chúng tôi luôn cố gắng giải quyết bất cứ điều gì vì người dân Syria. Chỉ nhân dân Syria mới quyết định được số phận của quốc gia Trung Đông này. Điều này có nghĩa rằng bất kỳ hình thức nào, như liên bang hóa, phân quyền hay nhà nước đơn nhất, đều cần phải nhận được sự nhất trí của tất cả người dân Syria”, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định.
Thậm chí khi đã tuyên bố rút quân khỏi Syria, điện Kremlin vẫn tỏ thái độ cương quyết với Washington trong việc bảo vệ quyền tự quyết của nhân dân nước này.
Thực tế là sau chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry tới Moskva hôm 23/3, Nhà Trắng đã buộc phải nhân nhượng, đưa ra thông báo tạm thời chưa nhắc đến tương lai của tổng thống Assad.
Không chỉ nỗ lực trên bàn đàm phán, ngoại giao, Moskva còn sát cánh cùng quân chính phủ trên chiến trường, giáng thêm những đòn thù dữ dội vào phiến quân IS, tạo nên những chiến thắng mang tính bước ngoặt tại Aleppo, Palmyra hay Raqqa.
Có thể thấy rằng, với sự hậu thuẫn của điện Kremlin, chính quyền Damascus đã có những cơ sở vững chắc để thành lập chính phủ mở rộng do Tổng thống Assad đứng đầu. Thông qua việc này, Moskva đang chứng tỏ cho Nhà Trắng, phe đối lập Syria cũng như cộng đồng quốc tế thấy vai trò không thể thay thế của mình tại khu vực này.
Theo Hồng Sơn (Tổng hợp)
Đất Việt