1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Syria - Khoảnh khắc yên bình sau nhiều năm xung đột

Sau 5 năm xung đột vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người, Syria đã được chứng kiến những khoảnh khắc khá yên bình trên hầu khắp cả nước.

Đây được xem là kết quả của lệnh ngừng bắn do Nga và Mỹ bảo trợ, bắt đầu có hiệu lực kể từ 0h ngày 27-2.

Bên cạnh những hoài nghi về tính khả thi, nhưng những dấu hiệu tích cực vẫn được xem là cơ hội hiếm hoi đầu tiên sau nhiều năm xung đột để các bên có thời gian đánh giá lại tình hình và hy vọng về một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng.

Được coi là “cơ hội lịch sử” mà các phe phái tham chiến tại Syria cần nắm bắt, thỏa thuận ngừng bắn này là nỗ lực mới nhất của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.

Ngày 29-2, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố lệnh ngừng bắn tại Syria “vẫn đang diễn ra” mặc dù quá trình thực hiện không dễ dàng.

Ông Peskov nêu rõ, Tổng thống Nga và người đồng cấp Mỹ ngay từ đầu đã nhấn mạnh con đường tới lệnh ngừng bắn thực sự và lâu dài tại Syria sẽ không dễ dàng bởi tình hình rất phức tạp. Tuy nhiên, điều quan trọng là thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được và đã có những bước đầu tiên thực hiện thỏa thuận này.

Người phát ngôn Tổng thống Nga kêu gọi các đối tác nước ngoài hết sức thận trọng khi đưa tin và cáo buộc Moskva vi phạm các thỏa thuận về Syria bởi tình hình hiện không ổn định.

Ngoại trưởng Nga (trái) và người đồng cấp Mỹ ngày 29-2 nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ với tư cách là đồng Chủ tịch Nhóm Quốc tế ủng hộ Syria.
Ngoại trưởng Nga (trái) và người đồng cấp Mỹ ngày 29-2 nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ với tư cách là đồng Chủ tịch Nhóm Quốc tế ủng hộ Syria.

Trước đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Adel al-Jubeir đã cáo buộc Nga và Chính phủ Syria vi phạm lệnh ngừng bắn.

Trong cuộc điện đàm diễn ra cùng ngày trao đổi những đánh giá về việc thực thi thỏa thuận này, hai đồng tác giả của thỏa thuận ngừng bắn, Nga và Mỹ, đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ về mặt quân sự giữa hai nước với tư cách là đồng Chủ tịch Nhóm Quốc tế ủng hộ Syria, đồng thời cũng thể hiện quan điểm phản đối hành động tung những thông tin mang tính khiêu khích về việc không tuân thủ lệnh ngừng bắn tại Syria.

Về phía Mỹ, trong bài phát biểu tại thủ đô Washington, Tổng thống Barack Obama đã hối thúc các bên tham chiến tại Syria cần phải thực thi các bước đi cần thiết để thỏa thuận ngừng bắn được duy trì. Những ngày tiếp theo sẽ là thời điểm cực kỳ quan trọng để kiểm chứng việc các bên thực thi thỏa thuận ngừng bắn.

Theo nhận định của giới phân tích, việc các bên tham chiến tại Syria nhất trí ngừng bắn là một bước đi tích cực tiến tới khởi động tiến trình đàm phán giữa các bên.

Đặc biệt, việc Chính phủ Syria và các nhóm đối lập thỏa thuận tuân thủ ngừng bắn trong hai tuần đã mở đường cho các hoạt động nhân đạo và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.

Về phía cộng đồng quốc tế, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura nhấn mạnh, nếu thỏa thuận ngừng bắn được duy trì, đây sẽ là cơ sở cho việc tiến hành vòng đàm phán mới giữa Chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy dự kiến được nối lại vào ngày 7-3 sau khi bị hoãn vào phút chót do không thống nhất được thành phần tham dự.

Tuy vậy, mặc dù những ngày đầu tiên thực hiện lệnh ngừng bắn đã trôi qua khá suôn sẻ, nhưng còn quá sớm để có thể nghĩ đến một kết cục hoàn hảo.

Bên cạnh sự phức tạp trên chính trường Syria cũng như thiện chí của các bên liên quan, vốn vẫn đang khiến nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả của thỏa thuận này, thì ngay cả chính người dân Syria cũng cảm nhận được sự mong manh của thỏa thuận ngừng bắn. Và điều này là hoàn toàn có cơ sở.

Trước tiên, Nga và Mỹ là hai nước đầu tiên thừa nhận thỏa thuận ngừng bắn này sẽ không chắc sẽ được kéo dài. Dường như lời giải thích cho sự yên tĩnh trong những ngày đầu tiên và có thể trong vài ngày tới là do các bên sợ bị đổ lỗi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Hơn nữa, mỗi bên đều có những lợi ích riêng trong việc thông qua thỏa thuận, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Về phía Nga, nước này không thể phá vỡ thỏa thuận do chính họ đề xướng và đe dọa những cơ hội của Moskva tại khu vực này trong tương lai.

Theo giới phân tích, việc Nga can thiệp vào Trung Đông và giữ vững lập trường trong thực thi thỏa thuận hòa bình tại Syria là vì lợi ích của cả Nga và châu Âu, nhất là việc ngăn chặn nguy cơ bùng phát dòng người di cư đang gây bất ổn ở châu Âu hiện nay.

Bên cạnh đó, Nga và Iran - hai quốc gia ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad - vẫn bất đồng sâu sắc với Mỹ và Saudi Arabia về việc nhóm đối lập nào ở Syria bị coi là khủng bố và không được phép tham gia tiến trình đám phán chuyển giao chính trị kéo dài 18 tháng.

Trong khi đó, một số nhóm nổi dậy bị Nga, Iran và Syria coi là khủng bố, nhưng lại được Mỹ và Saudi Arabia coi là các nhóm đối lập hợp pháp.

Một chiến trường đầy phức tạp với sự can dự của nhiều bên với những toan tính khác nhau đang là trở ngại lớn cho việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng Syria.

Ngoài ra, tại những vùng như Alleppo, vẫn có sự hiện diện của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận al-Nusra, hai đối tượng không nằm trong phạm vi của thỏa thuận ngừng bắn và các cuộc không kích nhằm tiêu diệt hai lực lượng này vẫn sẽ được tiếp tục.

Thực tế cho thấy, dù thỏa thuận ngừng bắn được thực thi nghiêm túc thì tiến trình đàm phán về một thỏa thuận lâu dài hơn cho Syria vẫn còn những trở ngại lớn. Sau hai lần thất bại, hội nghị lần thứ ba giữa Chính phủ Syria và phe đối lập do LHQ làm trung gian dự kiến diễn ra một ngày trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực đã không thể khởi động do các bên không thống nhất được thành phần phe đối lập tham gia đàm phán.

Theo Khổng Hà (tổng hợp)

Công an nhân dân