Syria giải phóng Palmyra: Đắt giá và bài học lớn
Lá cờ của Syria lại bay phấp phới trên thành trì Palmyra, nhưng sau niềm vui đó là những nỗi lo về khả năng tác chiến của Quân đội Syria.
Nga-Syria hân hoan trong chiến thắng Palmyra
Ngày 2/3, lá cờ của nước Cộng hòa Arab Syria lại lần thứ 2 được treo trên khu lâu đài cổ - biểu tượng chính của Palmyra, đánh dấu lần thứ hai trong hai năm qua, thành phố cổ này đã được giải phóng khỏi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Những hình ảnh này đã được đăng trong tài khoản của dịch vụ báo chí của quân đội Syria trên Twitter như một minh chứng cho tinh thần chiến đấu không biết mệt mỏi của họ để giành lại "hòn ngọc của sa mạc Syria", sau khi bị IS cướp lại thành phố này vào hôm 11/12/2016.
Thành phố cổ Palmyra đã bị quân IS đánh chiếm hai lần, lần đầu tiên vào hồi tháng 5/2015 và lần thứ 2 là vào ngày 11/12/2016. Quân đội Syria đã một lần giải phóng thành trì lịch sử Palmyra vào cuối tháng 3/2016 với sự tiếp sức của Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS).
Lần thứ 2 vừa qua là vào ngày 2 /3, quân đội Syria đã giải phóng thành phố cũng với sự hỗ trợ của VKS, sau hơn 2 tháng nằm trong tay tổ chức khủng bố IS, mặc dù trước đó họ đã để mất nó vào tay IS chỉ vẻn vẹn trong vòng 3 ngày.
Chiến thắng này được giới chức lãnh đạo Syria và Nga hết lời ca ngợi, họ cho biết rằng, việc giải phóng trung tâm văn hóa quan trọng nhất của Syria này có tầm quan trọng chiến lược trong cuộc chiến chống khủng bố Syria, có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn đối với quân dân nước này.
Trung tướng Sergey Rudskoy, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga tuyên bố rằng, các cố vấn quân sự, lực lượng đặc nhiệm và VKS đã góp phần quyết định, đập tan lực lượng khủng bố IS để giải phóng Palmyra.
Bình luận về vấn đề này, Trưởng đoàn của chính phủ Syria là ông Bashar Jaafari cũng tuyên bố rằng việc giải phóng Palmyra có thể thực hiện được là nhờ sự giúp đỡ đắc lực của Nga.
Cuộc chiến khốc liệt...
Chiến thắng vừa qua đến với Syria và Nga không hề dễ dàng, có những lúc sân bay quân sự T4 (Tiyas), cách Palmyra khoảng chừng 60km tưởng chừng như đã mất, cửa ngõ vào khu vực thành phố Homs sẽ mở toang và IS sẽ có cơ hội tấn công sang phía Tây áp sát thủ đô Damascus.
Rất may là quân đội Syria đã kiên cường chống trả và tăng viện kịp thời. Ngoài ra, họ còn có sự hỗ trợ vô cùng quý báu của lực lượng VKS Nga nên đã giữ được sân bay này, chặn đứng đà tiến của IS sang phía tây, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc phản công lấy lại thành phố Palmyra.
Mặc dù có lợi thế vô cùng lớn so với IS, khi lực lượng khủng bố phải oằn mình chịu đòn tấn công của máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công Nga và pháo hạng nặng của Syria, nhưng SAA cũng phải mất tới hai tháng rưỡi để đi một quãng đường bằng IS đi có 3 ngày.
Mặc dù tuyên bố là IS đã bị thiệt hại hơn 1.000 tay súng, 19 xe tăng, 40 xe bọc thép các loại, nhưng chắc chắn là Quân đội Syria cũng chịu tổn thất không nhỏ (lưu ý là họ hầu như không công bố thiệt hại của quân mình), mà vẫn không tiêu diệt được đại bộ phận chủ lực của IS, để chúng rút chạy ra sa mạc, gây nên mối nguy hại về sau.
Một điểm nữa là việc phải dồn lực vào tái chiếm Palmyra đã khiến SAA bỏ lỡ những cơ hội vô cùng quý báu để mở rộng phạm vi kiểm soát ở khu vực Aleppo hay giải vây cho Deir Ezzor, hoặc củng cố khu vực kiểm soát ở phía Nam, ngăn chặn Israel hậu thuẫn cho các nhóm phiến quân lập vùng đệm.
Như vậy, chiến thắng của SAA ở Palmyra vừa qua về bản chất là chiến thắng nhỏ nhưng đã để lại hậu quả lớn hơn.
Việc Quân đội Syria phải rút bớt lực lượng của Lữ đoàn Diều hâu sa mạc từ Aleppo về và Lữ đoàn Lá chắn Qalamoun từ phía nam lên đã khiến Quân đội Syria trở nên yếu thế trước đòn tấn công của phiến quân al-Nusra ở Dara'a và khu vực biên giới giáp với Lebanon.
Trong khi đó, họ cũng không thể tranh thủ khuếch trương chiến thắng ở thành phố Aleppo để mở rộng vùng giải phóng sang phía Tây và phía Đông tỉnh này, đặc biệt là đã để Thổ Nhĩ Kỳ tranh thủ thời cơ hậu thuẫn cho FSA tiến sâu xuống phía Nam, chiếm đóng al-Bab.
Nga-Syria cần tập trung khắc phục điểm yếu
Rõ ràng chiến thắng của Quân đội Syria là đáng khích lệ, nhưng để có chiến thắng đó, họ đã mất rất nhiều mà lẽ ra mọi việc đã không phức tạp đến thế nếu họ giữ vững được Palmyra trước sức tấn công của IS (vốn chỉ có tinh thần chiến đấu và các xe đánh bom cảm tử).
Thử đặt câu hỏi là nếu không có máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng Nga dội bão lửa, liệu Quân đội Syria đấu sòng phẳng với IS có giành lại được Palmyra hay không?
Hiện nay, Nga và Syria nên nói ít hơn về chiến thắng mà họ giành được trước IS, mà cần phải tập trung khắc phục những điểm yếu bộc lộ trong chiến dịch vừa qua.
Đối với Nga là cần đánh giá lại hiệu quả của các phương tiện tình báo, trinh sát... trong thời gian qua, khi chúng thể hiện khả năng trinh sát chiến trường còn kém, để IS huy động lực lượng lớn tới hàng nghìn quân cùng với lượng lớn xe tăng, xe thiết giáp tấn công Palmyra mà không hề hay biết, khiến Quân đội Syria bất ngờ về tình huống.
Đối với Quân đội Syria là khả năng tác chiến kém khi họ để mất rất nhiều cứ điểm ngoại vi Palmyra trong vòng 2 ngày (cũng những cứ điểm đó họ phải mất hàng tháng trời mới giành lại được), trong điều kiện có đầy đủ trang bị hạng nặng, với sự yểm trợ hỏa lực mạnh của không quân Nga, lại có thời gian rất dài để củng cố trận địa phòng ngự,
Đây là những lợi thế vô cùng lớn của một lực lượng phòng ngự. Nếu áp dụng chiến thuật phòng ngự chủ động (phòng ngự kết hợp tiến công, chốt giữ kết hợp cơ động…) thì quân phòng thủ có thể đánh bại cuộc tấn công của đối thủ mạnh hơn mình rất nhiều lần.
Theo Thiên Nam
Đất Việt