Syria chờ ngừng bắn trong ẩn họa khôn lường
Thỏa thuận Nga-Mỹ về ngừng bắn ở Syria (công bố ngày 22-2) quy định các bên tham chiến tại Syria phải chấm dứt thù địch từ nửa đêm 27-2.
Hiện trường vụ đánh bom kép ở Al-Zahraa, thành phố Homs, Syria ngày 21/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trước đó, một thỏa thuận ngừng bắn tương tự cũng đã được công bố hôm 12-2 và dự kiến sẽ có hiệu lực một tuần sau nhưng rồi chẳng ai tuân thủ.
Liệu thỏa thuận mới có thành công hay không khi mà Nga và Mỹ đưa ra tuyên bố chung lần này gần như y chang tuyên bố chung công bố tuần trước?
Đầu tiên, điểm khác biệt duy nhất giữa hai văn bản là văn bản thứ hai (thỏa thuận Nga-Mỹ về ngừng bắn ở Syria) tập trung nói về chấm dứt thù địch trong khi nêu rất ngắn gọn về thời kỳ quá độ chính trị ở Syria.
Cần lưu ý thỏa thuận mới nêu cụm từ “chấm dứt thù địch” chứ không phải “ngưng bắn”. Khác với “ngưng bắn”, “chấm dứt thù địch” có nghĩa rộng hơn, không hạn hẹp trong một khu vực nhất định, không bắt buộc mà tùy thiện chí của các bên đối địch, đồng thời ưu tiên cho hoạt động nhân đạo vì không nói gì đến buông súng hay rút quân.
Vấn đề lưu ý thứ hai là thỏa thuận mới của Nga-Mỹ liên quan đến tất cả nhóm vũ trang, trừ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mặt trận Al Nusra và các tổ chức có tên trong danh sách khủng bố của Hội đồng Bảo an LHQ. Câu cuối này rất mơ hồ vì không rõ đó là các tổ chức nào. Đúng ra cần nêu rõ nhóm vũ trang nào phải chấm dứt thù địch và nhóm nào không liên quan.
Ngoài ra cũng cần phải xác định khu vực nào ở Syria phải chấm dứt thù địch bởi các nhóm vũ trang hoạt động riêng biệt như khu vực do IS kiểm soát, khu vực của Mặt trận Al Nusra, khu vực của các nhóm nổi dậy ôn hòa (như Quân đội Syria Tự do) hay khu vực của người Kurd.
Vấn đề thứ ba là thỏa thuận Nga-Mỹ về ngừng bắn ở Syria quy định sẽ thành lập tổ công tác phụ trách kiểm soát hoạt động chấm dứt thù địch và thiết lập đường dây nóng. Thế nhưng thỏa thuận không nêu tổ công tác và đường dây nóng sẽ hoạt động như thế nào. Chắc chắn các quan sát viên sẽ rất khó làm việc vì tình hình chiến trường Syria rất nguy hiểm.
Vấn đề cuối cùng là dù chính phủ Syria cũng như phe đối lập tuyên bố tham gia thỏa thuận chấm dứt thù địch, các bên lại có quá nhiều lợi ích khác biệt nhau, do đó các nhà quan sát quốc tế nhận định rất khó hy vọng sẽ có ngưng bắn hoàn toàn và tình hình chấm dứt thù địch sẽ kéo dài ở Syria.
Có lẽ chỉ có các đoàn xe cứu trợ nhân đạo có thể tận dụng thời gian hưu chiến. Nhiều đoàn xe chở hàng cứu trợ đã đến một số thành phố bị quân đội chính phủ, quân nổi dậy hay IS bao vây. Trong khi đó, LHQ ghi nhận có đến hơn bốn triệu dân Syria cư trú tại các khu vực mà các đoàn xe chở hàng cứu trợ rất khó đến được.
Theo Ph.Quỳnh
Pháp luật TPHCM