Syria bầu cử, Mỹ toan tính cùng Thổ Nhĩ Kỳ?
Trong khi Syria tiến hành bầu cử quốc hội để giảm bớt tình trạng bạo loạn thì Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đang có những toan tính mới tại đây.
Syria tiến hành bầu cử quốc hội
Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn nguồn tin từ Ủy ban bầu cử tối cao Syria cho biết, sáng 13/4 hơn 7.000 điểm bỏ phiếu trên khắp nước này đã mở cửa đón cử tri tham gia cuộc bầu cử quốc hội nhiệm kỳ 2016-2020.
Trong cuộc tổng tuyển cử lần này, hơn 3.000 ứng cử viên sẽ chạy đua vào 250 ghế nghị sĩ trong quốc hội Syria.
Cảnh sát, quân đội, vệ binh quốc gia và các lực lượng dân quân đã được triển khai để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử.
Theo nguồn tin này, Tổng thống Bashar al-Assad cùng vợ cũng đi bỏ phiếu tại thủ đô Damascus. Ông Assad tươi cười phát biểu trên truyền hình rằng khủng bố đã có thể huỷ hoại cơ sở hạ tầng tại Syria nhưng không thể phá huỷ cấu trúc xã hội và số phận của quốc gia.
“Đây là lần đầu tiên Tổng thống tham gia bầu cử quốc hội và là cuộc bầu cử quốc hội thứ hai diễn ra trong thời chiến”, ông Assad nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem cũng khẳng định cuộc bầu cử cho thấy người dân Syria nắm quyền tự quyết số phận.
Dù chính quyền Damascus tỏ ra hân hoan và vui mừng vì sự kiện này nhưng phe đối lập và các nước phương Tây đã bác bỏ cuộc bầu cử này. Trưởng ban đàm phán nhóm đối lập Hội đồng đàm phán cấp cao, ông Asaad al-Zoubi nói rằng những cuộc bầu cử như thế này là vô nghĩa, bất hợp pháp và chỉ là mảnh đất để chính quyền tự gắn lên mình cái mác hợp pháp.
Trong khi đó, đồng minh của chính quyền Assad là Nga thì cho rằng cuộc bầu cử này phù hợp với hiến pháp và cần thiết để tránh tình trạng vị trí lãnh đạo bị bỏ trống.
Phát biểu tại họp báo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: “Các bên ở Syria sẽ phải nhất trí về một hiến pháp mới, về cách thức họ xem xét cơ cấu cần thiết để đảm bảo sự chuyển giao chắc chắn sang một hệ thống mới... Rõ ràng rằng một hiến pháp mới xuất hiện là kết quả của tiến trình chính trị này, trên cơ sở đó, các cuộc bầu cử mới và sớm sẽ được tổ chức.
"Tuy nhiên, trước khi điều này diễn ra, cần phải tránh bất cứ khoảng trống luật pháp nào... Những cuộc bầu cử được tổ chức hôm nay là nhằm đóng vai trò không để xảy ra một khoảng trống luật pháp” - ông Lavrov cho biết thêm.
Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phá hoại hòa bình Syria?
Cuộc bầu cử Quốc hội Syria năm nay được tổ chức đúng vào ngày Chính phủ Syria và phe đối lập dự định nối lại vòng đàm phán hòa bình mới tại Geneva, Thụy Sĩ do Liên hợp quốc bảo trợ.
Nhiều nhà phân tích nhận định, đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiêm mà nằm trong một toan tính chiến lược của Damascus nhằm tự bảo vệ đất nước trước mối lo ngại Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay gia tăng thêm căng thẳng.
Thực tế là ngay sau khi có thông tin về cuộc bầu cử tại Syria thì tờ Nhật báo phố Wall của Mỹ hôm 13/4 đã tiết lộ chi tiết về "Kế hoạch B" của Washington sẽ được áp dụng trong trường hợp thỏa thuận ngừng bắn tại quốc gia Trung Đông này gặp thất bại.
Theo đó, mục đích của kế hoạch do Nhà Trắng lập nên là tập trung vào việc trang bị cho các lực lượng đối lập "những hệ thống vũ khí sẽ giúp họ tấn công máy bay và vị trí pháo binh của quân chính phủ Syria".
Các nguồn tin của tờ báo cũng nhấn mạnh, CIA khẳng định với các đồng minh rằng vũ khí sẽ được chuyển cho các nhóm phù hợp chỉ khi lệnh ngừng bắn và tiến trình chính trị trong nước (được gọi là "Kế hoạch A") đổ vỡ và chiến sự tái bùng nổ.
Trước đó, giới chức Mỹ cũng từng bật mí về một phương án khác gọi là "Kế hoạch B" nếu kế hoạch ngừng bắn thất bại, song không nêu chi tiết.
Giới phân tích cho rằng, chính quyền Damascus đã có một sự lựa chọn khôn ngoan khi gần đây giữa Washington và Ankara đang có nhiều động thái quân sự nhằm vào chính quyền nước này.
Truyền thông Mỹ mới đây tiết lộ, Lầu Năm Góc đã đưa ra sáng kiến tăng gấp 5 lần số lượng binh lính Mỹ triển khai tại Syria trong nỗ lực chống lại lực lượng phiến quân IS.
Theo đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc triển khai thêm một lực lượng đặc biệt bao gồm 250 quân tới Syria, theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm hỗ trợ các lực lượng địa phương giải phóng thành phố Ar Raqqah ở Syria và Mosul ở nước láng giềng Iraq.
Trong khi đó thì Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây cũng có những hành động khiến Damascus phải đứng ngồi không yên. Sau một thời gian dài pháo kích vào lực lượng người Kurd ở Syria, mới đây chính quyền Erdogan đã tuyên bố thực hiện một loạt các cuộc tấn công vào phiến quân IS tại quốc gia Trung Đông này.
Ngày 12/4, hãng thông tấn nhà nước Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, quân đội nước này đã pháo kích các mục tiêu của IS ở Syria.
Trong hai ngày 11-12/4, Ankara đã tấn công vào các vị trí của phiến quân khủng bố ở xung quanh thị trấn Azaz ở tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria. 2 quả rocket được bắn từ miền Bắc Syria đã rơi xuống trung tâm thị trấn Kilis, làm 8 người bị thương.
Thậm chí Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu còn dõng dạc tuyên bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đã có 21 người ở Kilis bị thương do rocket của IS trong hai ngày Ankara không kích.
Chưa dừng lại, bất chấp những nỗ lực của Moskva và Damascus trong việc đẩy lùi khủng bố IS ra khỏi Aleppo thì ngày 9/4 vừa qua, hãng thông tấn Fars của Iran đã đưa ra các bằng chứng về việc lực lượng đặc biệt của Ankara đã xuất hiện tại quận Sheikh Maqsoud thuộc thành phố Aleppo.
Theo nguồn tin, nhóm đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ tới Aleppo để hỗ trợ các tay súng thuộc Tiểu đoàn Al-Etelaf (Kataeb al-Etelaf) vốn bị lực lượng Tự vệ nhân dân của người Kurd (YPG) đẩy lùi từ nhiều tháng trước.
Điều đặc biệt là ngay sau khi Ankara đưa quân đến đây thì phiến quân IS cũng tái chiếm được thị trấn al-Rai thuộc tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria.
Giới phân tích cho rằng, chính Thổ Nhĩ Kỳ đã dung dưỡng và hỗ trợ IS để gây thêm bạo loạn tại khu vực này. Bởi lẽ quân chính phủ Assad dưới sự yểm trợ và giúp sức của không quân Nga đã lần lượt làm chủ các vùng lãnh thổ tại Aleppo, chỉ riêng thị trấn al-Rai nằm ngay sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là thường xuyên bị phản công chiếm lại. Điều này càng làm dấy lên nghi ngại chính quyền Erdogan có mối liên hệ mật thiết với IS.
Rõ ràng những động thái trên của Washington và Ankara đã khiến giới chức Syria không thể tiếp tục chờ đợi. Nếu không tỏ rõ quyết tâm thì việc Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay nhau sẽ khiến những nỗ lực bấy lâu nay của chính quyền Assad trở nên vô nghĩa.
Theo Tuấn Hùng (Tổng hợp)
Đất Việt