1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Syria: 6 năm binh đao - vì sao nên nỗi?

Cuộc “binh đao” ở Syria đã bước sang năm thứ 6 với những hậu quả nặng nề mà hầu như ngày nào báo chí toàn cầu cũng nhắc tới.

Thoạt nhìn, quốc gia Trung Đông này tan nát là bởi phong trào “Mùa xuân Arab” nhưng càng ngày người ta càng thấy rõ Syria đã bị biến thành “sàn đấu” để các đại cường quốc và thậm chí là các tiểu cường quốc ở khu vực “so găng”. Chưa biết thế lực nào sẽ giành chiến thắng, nhưng có một điều chắc chắn là Syria đã bại.

Nhắc tới Syria hiện nay nhiều người thường nói đến cuộc chiến chống Tổ chức Hồi giáo (IS) tự xưng do một loạt liên minh quân sự phát động, từ Mỹ cầm đầu cho đến Nga dẫn dắt. Dường như, vấn đề mấu chốt là vì sao Syria ra nông nỗi này đang dần bị lãng quên. Syria có loạn thì IS mới có đất sinh sôi.

Vị trí quan trọng trên bàn cờ chiến lược

Ngược dòng thời gian, ngay sau khi lật đổ chế độ của ông Muammar Gaddafi tại Libya, các nước phương Tây đã lập tức chọn đích ngắm tiếp theo là Damacus. Thực tế, dưới chế độ do ông Bashar al-Assad cầm quyền, Syria cũng tồn tại những vấn đề nội bộ nhất định nhưng không phải là quá đặc thù ở các quốc gia khu vực Trung Đông vốn đầy rẫy sự phức tạp chính trị.

Dù sử dụng tối đa công suất của các phương tiện truyền thông, song chiêu bài “can thiệp vì chính quyền đàn áp thô bạo thường dân” không thể che phủ được mục tiêu chính mà phương Tây và một số đồng minh ở khu vực nhắm tới Syria. Đó là thay đổi chế độ nhằm tạo lợi thế chiến lược.

Khói bốc lên tại khu vực giao tranh giữa quân đội Chính phủ và lực lượng nổi dậy ở tây nam Aleppo ngày 28/10. (Nguồn: AP/Thiqa News Agency/TTXVN)
Khói bốc lên tại khu vực giao tranh giữa quân đội Chính phủ và lực lượng nổi dậy ở tây nam Aleppo ngày 28/10. (Nguồn: AP/Thiqa News Agency/TTXVN)

Tuy không phải là nước lớn ở khu vực, nhưng Syria lại đóng vai trò hết sức quan trọng trên bàn cờ chiến lược ở Trung Đông. Ở một khu vực chằng chịt những tranh chấp ở nhiều góc độ, từ sắc tộc đến tôn giáo, ở nhiều tầng nấc, từ nội bộ Trung Đông đến toan tính của các siêu cường, Syria là đối trọng nặng ký cho bất cứ bên nào mà nước này ngả theo.

Chưa thể kết luận là họa hay phúc khi Syria nằm sát cạnh Iran và chính quyền của ông Bashar al-Assad thực hiện đường lối “nhất biên đảo” coi Iran là đồng minh thân cận nhất hay có thể nói là duy nhất ở khu vực. Tuy nhiên, dường như chính sách này đã góp phần đẩy Syria vào cơn hoạn nạn hiện nay.

Thực tế, việc Syria ngả hẳn về Iran đã tạo cho Tehran không ít lợi thế trong cuộc đua ở tầm khu vực.

Thứ nhất, Syria mang lại cho Iran một sức mạnh chiến lược quan trọng chống lại Israel.

Thứ hai, ảnh hưởng lớn của Syria ở Lebanon cùng với ảnh hưởng của Iran với lực lượng vũ trang trong Hezbollah ở nước này càng làm cho mối đe dọa của Iran đối với Israel trở nên mạnh mẽ hơn.

Thứ ba, Syria cung cấp cho Iran đường biển vào Địa Trung Hải.

Thêm nữa, do sự thù địch giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite, việc Syria ngả theo Iran khiến quốc gia này bị cuốn vào cuộc tranh hùng giữa Saudi Arabia, quốc gia theo dòng Shiite và Iran, quốc gia mộ dòng Sunni.

Rõ ràng, đối với Israel cũng như các nước đang cạnh tranh vai trò cường quốc tầm khu vực với Iran như Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, sự cô lập chiến lược đối với Iran sẽ chẳng thành công nếu không cắt đứt được quan hệ giữa Syria và Iran. Như vậy, Damacus không rơi vào “tầm ngắm” mới là chuyện lạ.

Đích ngắm trong trò chơi quyền lực

Không những vậy, Syria còn nằm ở vị trí quan trọng liên quan đến lợi ích của nhiều nước lớn. Nước Nga có những lợi ích cốt lõi tại Syria khi hiện nay, ngoài Iran, Syria là đồng minh duy nhất của Moscow và cũng là nước duy nhất mà Nga có căn cứ quân sự ở khu vực Trung Đông.

Căn cứ hải quân Tartus mặc dù chưa đạt tầm chiến lược vì đây chỉ là căn cứ hậu cần, kỹ thuật, nhưng đây lại là cơ sở để bảo đảm cho lực lượng hải quân Nga hoạt động tại khu vực Địa Trung Hải. Tartus còn có ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với Moscow vì sự tồn tại của căn cứ có vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự của Nga.

Còn căn cứ tức là còn sự hiện diện của Nga ở Địa Trung Hải. Nếu không bảo đảm chỗ đứng chân cuối cùng này ở Địa Trung Hải thì Nga khó lòng có thể khôi phục được vị thế cũng như vai trò ảnh hưởng của mình ở Trung Đông.

Bên cạnh đó, Nga cũng muốn duy trì chế độ hiện nay ở Syria để tiếp tục giữ vai trò nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho quốc gia này. Chính vì vậy, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tiến hành cuộc không kích IS theo lời đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad, người ta đã nói rằng Moscow “giúp người là để giúp mình”.

Tuy xa cách về địa lý và cũng không có khả năng trực tiếp biểu dương sức mạnh quân sự như Nga, song Trung Quốc có sức mạnh chính trị và kinh tế, có thể làm đối trọng đặc biệt ở Trung Đông bằng cách hợp tác và phối hợp với Nga. Điều này được thể hiện rõ qua việc Trung Quốc phủ quyết mọi nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm ép thay đổi chế độ ở Syria.

Trong khi đó, Mỹ luôn coi Syria là nước đối địch trong tính toán chiến lược của Washington ở khu vực, trừ khoảng thời gian ngắn khi nước này tán thành đứng trong Liên minh của Liên hợp quốc trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất. Điều này cũng có nguyên do của nó khi Syria luôn tỏ thái độ bất hợp tác với Hòa Kỳ. Quan trọng hơn là sự thù địch không ngừng của Syria đối với Israel và sự gắn kết chiến lược với Iran đã tạo ra thế đối đầu trong nhận thức của Mỹ.

Rõ ràng, với tính toán và những bước đi của mình, Syria đang bị cuốn vào trò chơi quyền lực ở Trung Đông. Vị trí địa chiến lược và đặc tính lịch sử của Syria không giống bất cứ quốc gia nào song bài học về độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và tạo thế cân bằng chiến lược vẫn hoàn toàn có thể áp dụng vào quốc gia này.

Có lẽ nếu làm được vậy, máu và nước mắt đã bớt rơi rất nhiều!

Theo Quang Vững

Thế giới và Việt Nam