1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sức mạnh tiềm ẩn của lực lượng hải quân Triều Tiên

Thành Đạt

(Dân trí) - Triều Tiên đã tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân bằng các loại vũ khí hạt nhân mới, bao gồm tàu không người lái dưới nước, tàu chiến và tàu ngầm mang tên lửa trong một năm qua.

Sức mạnh tiềm ẩn của lực lượng hải quân Triều Tiên - 1

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tham dự lễ hạ thủy tàu ngầm mới có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật ngày 8/9 (Ảnh: Reuters).

Hải quân Triều Tiên trước đây thường bị "lép vế" so với lực lượng lục quân và không được chú ý nhiều như chương trình tên lửa đạn đạo phát triển nhanh chóng của nước này. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần đây tuyên bố hải quân sẽ đóng vai trò quan trọng trong lực lượng răn đe hạt nhân của Triều Tiên.

"Trước đây, ông Kim Jong-un dường như không chú ý tới các chương trình hạt nhân của lực lượng hải quân. Việc tái tập trung vào năng lực hạt nhân của lực lượng hải quân gần đây có thể đã được hải quân Triều Tiên hoan nghênh", chuyên gia Ankit Panda thuộc Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ cho biết.

Theo Sách Trắng Quốc phòng năm 2022 của quân đội Hàn Quốc, Lực lượng Hải quân Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPANF) có khoảng 470 tàu nổi, bao gồm tàu mang tên lửa dẫn đường, tàu ngư lôi, tàu tuần tra nhỏ và tàu yểm trợ hỏa lực.

Ngoài ra, Triều Tiên có khoảng 70 tàu ngầm, bao gồm các tàu lớp Romeo được thiết kế từ thời Liên Xô và các tàu ngầm hạng trung. Hải quân Triều Tiên cũng có khoảng 40 tàu hỗ trợ và 250 tàu đổ bộ.

Sách Trắng Hàn Quốc cho biết hải quân Triều Tiên được chia thành hai bộ chỉ huy hạm đội phụ trách bờ biển phía đông và phía tây của nước này, và khoảng 60% lực lượng đóng ở phía nam Bình Nhưỡng.

"Lực lượng hải quân Triều Tiên có khả năng thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, khả năng hoạt động ở vùng biển sâu bị hạn chế vì lực lượng của họ chủ yếu bao gồm các tàu nhỏ, tốc độ cao", Sách Trắng Hàn Quốc cho biết thêm.

Vào tháng 3 và tháng 4, Triều Tiên đã thử nghiệm hệ thống vũ khí không người lái tấn công hạt nhân dưới nước. Triều Tiên tuyên bố "vũ khí bí mật" có khả năng tạo ra "sóng thần phóng xạ" và âm thầm tấn công các mục tiêu của đối thủ.

Thiết bị mới có tên gọi Haeil (sóng thần) được thiết kế để thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ trong vùng biển của đối thủ và tiêu diệt các nhóm tấn công hải quân cũng như phá hủy các cảng hoạt động chính thông qua một vụ nổ dưới nước.

Sức mạnh tiềm ẩn của lực lượng hải quân Triều Tiên - 2

Triều Tiên thử nghiệm hệ thống vũ khí chiến lược dưới nước "Haeil-2" hồi tháng 4 (Ảnh: Yonhap).

Các nhà phân tích cho rằng vũ khí này hoạt động tương tự ngư lôi hạt nhân Poseidon của Nga, một loại vũ khí nhằm tạo ra các vụ nổ phóng xạ có sức tàn phá mạnh ở các khu vực ven biển.

Tuy nhiên, một báo cáo của tổ chức 38 North có trụ sở tại Washington cho biết, tốc độ chậm và tầm tấn công hạn chế của hệ thống vũ khí Triều Tiên khiến nó kém hiệu quả hơn đáng kể so với các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân hiện có của Triều Tiên cả về thời gian nhắm mục tiêu, độ chính xác và khả năng sát thương.

Vào tháng 8, ông Kim Jong-un đã thị sát tàu hộ tống lớp Amnok mới, tàu tuần tra mà truyền thông nhà nước Triều Tiên tuyên bố có khả năng bắn tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân.

"Mặc dù phần lớn vũ khí và cảm biến trên tàu đã lỗi thời đáng kể so với các thiết kế của phương Tây hoặc châu Á, nhưng đây là một bước tiến lớn đối với Triều Tiên", Naval News cho biết trong một bài phân tích, đồng thời nhận định năng lực tên lửa hành trình hạt nhân của nước này là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" đối với các đối thủ tiềm năng.

Truyền thông Triều Tiên ngày 8/9 đưa tin, nước này đã hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật đầu tiên và bàn giao cho hạm đội có nhiệm vụ tuần tra vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Con tàu này dường như là một tàu ngầm lớp Romeo đã được cải tiến với 10 ống phóng, nhiều khả năng được trang bị tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.

Các nhà phân tích cho biết, việc sử dụng tàu này trong một cuộc chiến có thể bị hạn chế so với các tên lửa phóng từ mặt đất mạnh hơn của Triều Tiên.

"Các tàu ngầm của họ sẽ không thể có khả năng sống sót như lực lượng trên bộ. Họ sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai đủ tên lửa trên biển để tạo ra sự khác biệt lớn", Vann Van Diepen, cựu chuyên gia về vũ khí của chính phủ Mỹ và làm việc cho 38 North, nhận định.

Theo Reuters