1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sức mạnh mới của Su-34 Nga trên chiến trường Ukraine

Thượng tá Trịnh Ngọc Tiến

(Dân trí) - Tiêm kích bom Su-34 của Nga quá nặng so với máy bay chiến đấu nhưng lại quá nhỏ so với máy bay ném bom. Tuy nhiên, chúng đã thể hiện được hiệu suất chiến đấu cao ở Ukraine.

Sức mạnh mới của Su-34 Nga trên chiến trường Ukraine - 1

Hai chiếc Su-34M hiện đại hóa của Không quân Nga trong quá trình chuẩn bị cất cánh hôm 1/6 (Ảnh: UAC).

Su-34 là tiêm kích hạng nặng hay máy bay ném bom?

Trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra, thế giới chỉ biết thông tin về thống số các hệ thống vũ khí được cung cấp bởi nhà sản xuất của họ.

Tuy nhiên, sau hơn một năm chiến sự Ukraine, một số vũ khí đang cho thấy tiềm năng thực tế của chúng. Máy bay ném bom chiến đấu (tiêm kích bom) Su-34, một trong những chủ lực của không quân Nga, là ví dụ như vậy.

Chuyên gia quân sự người Mỹ Kris Osborn đã có một bài phân tích sâu về tiêm kích bom Su-34. Ông Osborn đang cố gắng tìm ra vai trò thực sự của Su-34 trong chiến đấu, bằng cách phân tích tính năng kỹ chiến thuật.

Mỹ hiện cũng có một chiếc máy bay như vậy, đó chính là F-15 Eagle, tiêm kích hạng nặng được cải tiến hành tiêm kích bom nhưng khả năng ném bom còn kém Su-34.

Theo Osborn, Su-34 không phải một máy bay chiến đấu điển hình của Nga. Mặc dù có thiết kế gần giống với Su-30 và Su-35, thực tế Su-34 có trọng lượng cất cánh tối đa rất lớn, lên tới 45 tấn, vì vậy, nó có thể mang theo số vũ khí còn hơn cả loại máy bay ném bom chuyên dụng như H-6 của Trung Quốc.

So sánh với Su-27 (nguyên mẫu để phát triển thành Su-34), trọng lượng cất cánh tối đa 29 tấn, được coi là một trong những máy bay chiến đấu cơ động nhất thế giới.

Su-34 không thể cơ động như vậy mặc dù cũng sử dụng hai động cơ. Tỷ lệ trọng lượng rỗng (không mang tải) của chúng gần tương tự nhau, của Su-34 là 22,5 tấn, trong khi của Su-27 chỉ 16,3 tấn.

Tuy nhiên so với các loại máy bay ném bom chuyên dụng của Nga như Tu-95, Tu-160 hay Tu-22M thì Su-34 còn lâu mới đóng vai trò của một máy bay ném bom thuần túy thực thụ. Chẳng hạn, Tu-22, bé nhất trong số máy bay ném bom của Nga, cũng đã có trọng lượng cất cánh 126.400 kg, tổng tải trọng bom 24.000 kg.

Su-34 là loại tiêm kích bom hai chỗ ngồi, có thể thực hiện nhiệm vụ không đối không và không đối đất. Mặc dù không nhanh và cơ động như máy bay chiến đấu thực sự kiểu Su-30 hay Su-35, nhưng tốc độ Mach 1,8 cho phép nó nhanh chóng chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác.

Một trong những ưu điểm đáng chú ý nhất của Su-34 là có thể thực hiện cả nhiệm vụ tiêm kích phòng không lẫn ném bom trong một lần xuất kích và không cần các chiến đấu cơ khác bay bảo vệ.

Như vậy, Su-34 có thể thực hiện các nhiệm vụ không chiến, tấn công mặt đất và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, ném bom chính xác ở độ cao lớn.

Sức mạnh mới của Su-34 Nga trên chiến trường Ukraine - 2

Tiêm kích bom Su-34 của Không quân Nga (Ảnh: The Drive).

Su-34 vẫn có thể bị bắn hạ

Su-34 có thể thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập với khả năng tấn công trên không, mặt đất và cả chế áp điện tử, mà không cần sự giúp đỡ phối hợp của các loại chiến đấu cơ khác.

Nhưng Su-34 cũng dễ bị thiệt hại do có trọng lượng nặng và kích thước lớn hơn nên không nhanh bằng máy bay chiến đấu.

Mặc dù có khả năng cơ động, nhưng nó sẽ không đủ để vượt qua F-16 nếu chúng đối đầu nhau trên không. Nếu bị F-16 tấn công vào thời điểm "bụng" của Su-34 đang căng đầy vũ khí, sẽ xảy ra những vụ nổ lớn, cả trên không và dưới mặt đất.

Ở chiến trường Ukraine, Su-34 bị bắn hạ (hoặc bắn hỏng) một số chiếc, chỉ đứng sau Su-25 và Su-24. Gần đây nhất, phòng không Ukraine được cho là đã bắn hạ một chiếc Su-34 trên khu vực Bryansk, cùng 1 Su-35 và 2 trực thăng Mi-8.

Ngoại trừ việc chiếc Su-34 bị rơi ở khu vực Bryansk gần đây chưa rõ nguyên nhân, còn các trường hợp Su-34 bị bắn hạ khác đều trong khi phải thực hiện các hoạt động ném bom thường (bom không có điều khiển) ở độ cao thấp, dễ bị tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) của Ukraine phục kích tiêu diệt.

Tuy nhiên, khi Không quân Nga sử dụng bom lượn có điều khiển, việc Su-34 bị MANPAD bắn rơi hoàn toàn chấm dứt.

Sức mạnh mới của Su-34 Nga trên chiến trường Ukraine - 3

Những mảnh vỡ của 1 chiếc Su-34 Nga sau khi bị Ukraine bắn hạ tháng 4/2022 (Ảnh: MilitaryAviationInUa).

Su-34 tăng sức mạnh với vũ khí mới

Tiêm kích bom Su-34 đã có nhiều thành công trên chiến trường Ukraine, nhất là trong các nhiệm vụ ném bom. Từ đầu năm tới nay, Su-34 đã xuất kích nhiều hơn và có vai trò lớn hơn.

Ví dụ, vào tháng 3 vừa qua, Su-34 đã phóng thành công bom lượn GROM vốn chỉ được trang bị trên máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 thế hệ 5. Tuy nhiên, vũ khí chính mà Su-34 mang phóng nhiều nhất là bom lượn có điều khiển FAB-500M62.

Chẳng hạn, vào ngày 8/5, một chiếc Su-34 đã phát hiện ra một căn cứ lính đánh thuê phương Tây ở Ukraine và thả một số bom lượn có điều khiển phá hủy hoàn toàn.

Trong các trận tập kích đường không, ngoài ưu thế vượt trội so với Ukraine, Nga đã thay đổi loại vũ khí, khi họ bắt đầu sử dụng bom nhiều hơn tên lửa. Cho đến nay, Ukraine vẫn chưa thể đánh chặn một quả bom lượn nào được Su-34 thả ở cự ly cách mục tiêu từ 30-80km.