1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sức hút mang tên Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á

Trong bối cảnh ngày 31-3, hạn chót để các nước đăng ký làm thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, đang đến gần, thì việc ngày càng có nhiều nước phương Tây nộp đơn xin đăng ký tham gia, bất chấp sự phản đối của Mỹ, đã cho thấy sức hút đáng kể mà AIIB tạo ra.

Khác với WB và IMF

Theo Wall Street Journal (WSJ), tính đến ngày 27-3 đã có 35 nước tuyên bố sẵn sàng làm thành viên sáng lập của AIIB. Đáng chú ý là trong danh sách này, bên cạnh sự góp mặt của nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Philíppiné… còn có 6 nước châu Âu gồm Anh, Italia, Đức, Pháp, Luxemburg và Thụy Sĩ. Gần đây nhất, hãng tin Bloomberg cho biết, Canada cũng đang xem xét khả năng gia nhập AIIB. Như vậy, trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) chỉ còn Mỹ và Nhật Bản đứng ngoài cánh cửa của AIIB.

Đại diện các quốc gia ký Bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB tại Bắc Kinh vào tháng 10-2014
Đại diện các quốc gia ký Bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB tại Bắc Kinh vào tháng 10-2014

Câu hỏi đặt ra là điều gì đã làm nên sức hấp dẫn của AIIB?

Sự ra đời của AIIB xuất phát từ nhu cầu thực tế khi châu Á là khu vực có dân số lớn nhất thế giới - chiếm 60% nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng. Hơn nữa, khác với nhiệm vụ và nghiệp vụ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) là mang tính toàn cầu thì trên thực tế, AIIB có tính chất khu vực, có thể phát huy vai trò hỗ trợ bằng việc đáp ứng các yêu cầu đầu tư ở châu Á, thúc đẩy sự phát triển khu vực châu Á không chỉ giúp nhiều người thoát nghèo, mà còn có thể làm gia tăng tầng lớp trung lưu ở khu vực này, tạo ra thị trường tiêu thụ cực lớn cho nền kinh tế khác bên ngoài châu lục.

WSJ cho rằng, AIIB thu hút nhiều nước tham gia do Trung Quốc chủ động từ bỏ quyền phủ quyết tại AIIB, khác cách làm xưa nay tại IMF và WB. Tại IMF và WB, nhiều năm qua, Mỹ dù với chưa tới 20% phiếu bầu nhưng luôn nắm quyền phủ quyết đối với nhiều quyết sách quan trọng-điều mà nhiều nước thành viên khác chỉ trích là không công bằng.
 
Trong khi đó, Trưởng ban Thư ký AIIB Kim Lập Quần mới đây cho biết, Trung Quốc sẽ không “bắt nạt” các thành viên khác mà sẽ hợp tác cùng họ nhằm tìm kiếm nhận thức chung trong tất cả các quyết định của AIIB. Theo ông Kim Lập Quần, địa vị là cổ đông lớn nhất AIIB của Trung Quốc không phải là đặc quyền, mà là trách nhiệm và sự đảm đương. Chính quan điểm này của Trung Quốc với AIIB đã thúc đẩy Anh, Pháp, Đức và Italia phá vỡ lập trường thống nhất với Mỹ và nộp đơn gia nhập AIIB. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn nỗ lực loại bỏ lo lắng từ Mỹ và các nước khác về tính minh bạch và việc điều hành AIIB.

Các nhà phân tích cho rằng, việc các nước đồng minh châu Âu của Mỹ gia nhập AIIB chủ yếu xuất phát từ lợi ích kinh tế, lựa chọn Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế tại châu Âu vẫn rất ảm đạm. Các nước châu Âu rõ ràng đã kết luận rằng, họ không thấy có lý do gì để hy sinh những cơ hội kinh tế giá trị nhằm hỗ trợ những mục tiêu chiến lược của Mỹ, trong khi Wasington không có khả năng hoặc không muốn cung cấp thứ gì để đổi lại.

Theo WSJ, AIIB dự định sẽ bắt đầu hoạt động với số vốn tối thiểu 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 40%, Ấn Độ đóng góp 10%, các nước châu Á khác đóng góp 25%, 25% còn lại sẽ do các nước châu Âu đóng góp. AIIB được kỳ vọng sẽ chính thức được thành lập và bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2015.

Lựa chọn nào cho Mỹ?

WSJ chỉ ra rằng AIIB là ngân hàng mà Mỹ vẫn nhìn nhận “sẽ trở thành kỳ phùng địch thủ” của các tổ chức tài chính truyền thống của thế giới hiện do Mỹ chi phối như IMF và WB. Wasington cũng lo ngại việc AIIB vận hành trơn tru sẽ là cơ hội để Bắc Kinh đầu tư cho cơ sở hạ tầng, làm đòn bẩy nâng cao tầm ảnh hưởng của quốc gia này trong khu vực, đe dọa tới vị thế của Mỹ. Vì vậy, Mỹ vẫn khuyến cáo các nước đồng minh nên thận trọng trước việc tham gia AIIB, song lời khuyên này trên thực tế đã bị bỏ ngoài tai. "Cơn sốt" của bạn bè và đồng minh của Mỹ nhằm trở thành những thành viên sáng lập của định chế tài chính này đã được tờ Financial Times miêu tả là một "thất bại" của Mỹ.

Vậy Wasington sẽ phải làm gì trước tình hình trên?

Trong một bài viết đăng trên tờ Diplomat, chuyên gia Elizabeth Economy thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ cho rằng, hiện tại Mỹ có 3 lựa chọn.
 
Một là tiếp tục gây sức ép lên các đồng minh để họ không tham gia AIIB cho đến khi quy trình vận hành của AIIB được thông qua. Theo bà Elizabeth Economy, lựa chọn này rõ ràng là không phù hợp. Mỹ khó có thể sử dụng ảnh hưởng chính trị để thuyết phục các nước trong khu vực và các đồng minh không tham gia vào AIIB. Nếu Mỹ vẫn tiếp tục nỗ lực này thì sẽ chỉ là một hành động vô nghĩa, làm yếu đi hình ảnh một nước Mỹ đang có tầm ảnh hưởng trong khu vực.
 
Hai là tham gia AIIB. Có nhiều lý do chứng minh lựa chọn thứ hai là một ý tưởng tốt cho Mỹ. Việc tham gia AIIB sẽ tạo cơ hội để Mỹ có một chỗ đứng trong thể chế của AIIB và sẽ có kiểm soát nếu như chính sách không phù hợp; đặc biệt AIIB cũng bảo đảm cho các công ty Mỹ có thể tiếp cận công bằng với những cơ hội đấu thầu từ việc đầu tư tài chính vào AIIB.
 
Ba là buông xuôi vấn đề. Nếu AIIB hoạt động không tốt bằng các ngân hàng khác thì đây không chỉ là một khiếm khuyết nhỏ của Bắc Kinh, mà còn sẽ tổn hại đến các quốc gia tham gia. Khi đó, Mỹ sẽ có cớ để hạ thấp uy tín của Trung Quốc, “răn dạy” đồng minh, ngăn chặn khả năng xảy ra một vụ việc tương tự.

Trong khi đó, ông Robert Kahn, nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, lại nhận định trên đài VOA rằng, Mỹ gần như chắc chắn không tham gia AIIB: "Với tình hình chính trị tốt hơn, Mỹ có thể tham gia AIIB. Nhưng vì hoàn cảnh tại Quốc hội Mỹ, Mỹ không ở vào vị thế có thể tham gia AIIB. Thậm chí, Mỹ còn không thể thực hiện những cải cách cơ bản tại IMF để làm cho định chế hiện có trở nên hấp dẫn hơn với các cường quốc đang phát triển".

Theo Hoàng Vũ
Quân đội Nhân dân