1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sức ép khủng khiếp lên các bệnh viện tại Mỹ vì đại dịch Covid-19

(Dân trí) - Bệnh viện trên khắp nước Mỹ phải hoãn các dịch vụ không khẩn cấp để nhường chỗ cho điều trị bệnh nhân Covid-19, song vẫn không thể đủ nguồn lực từ nhân viên y tế đến máy thở, trang bị bảo hộ.

Sức ép khủng khiếp lên các bệnh viện tại Mỹ vì đại dịch Covid-19 - 1

Số người mắc Covid-19 tại Mỹ tăng nhanh. (Ảnh minh họa: Reuters)

New York “quá tải”

"Cuối cùng thì chúng tôi cũng phải tiếp nhận những ca dương tính (với Covid-19) đầu tiên. Đó là khi tất cả bắt đầu sụp xuống”, một bác sĩ giấu tên tại một bệnh viện ở New York, Mỹ chia sẻ với CNN.

Bác sĩ này cho biết, bệnh viện nơi ông làm việc gần như chưa sẵn sàng cho việc tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân Covid-19 như vậy trong 2 tuần trở lại đây. Số bệnh nhân Covid-19 tăng mạnh khiến nguồn lực của bệnh viện cạn kiệt, lượng máy thở của bệnh viện không đủ cho các bệnh nhân nặng.

“Chúng tôi thiếu thốn máy thở, thiếu thốn giường bệnh. Chuyện này đang xảy ra ở ngay giữa thành phố New York. Thật đáng sợ”.

Cũng theo bác sĩ này, ban đầu bệnh nhân chủ yếu là người trên 70 tuổi, nhưng trong tuần qua đã có thêm nhiều bệnh nhân dưới 50 tuổi. “Tôi nghĩ là họ (những bệnh nhân trẻ) chưa thực sự hiểu mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này. Cách đây 2 tuần, cuộc sống ở đây hoàn toàn khác”, vị bác sĩ cảnh báo.

Giới chức y tế Mỹ cảnh báo, Mỹ có thể trở thành “Italia thứ hai” khi các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, bác sĩ buộc phải đưa ra quyết định bệnh nhân nào được dùng máy thở. Thực tế, tình trạng này đã bắt đầu xảy ra ở một số khu vực của Mỹ, đánh dấu một giai đoạn bùng phát mới của Covid-19 tại quốc gia này.

"Thực tế là những gì mà chúng tôi nhìn thấy trong các phòng cấp cứu rất đáng lo ngại”, bác sĩ Craig Spencer, Giám đốc bộ phận y tế toàn cầu thuộc Trung tâm y tế Đại học NewYork-Presbyterian/Columbia ở thành phố New York, cho biết.

Ông Spencer cho biết thêm: “Tuần trước khi tôi đi làm, chúng tôi mới chỉ bàn bạc về 1 hoặc 2 bệnh nhân trong số hàng chục người bị nghi mắc Covid-19. Nhưng đến ca trực hôm qua, gần như tất cả bệnh nhân mà tôi phụ trách đều mắc Covid-19, thậm chí một số bệnh nhân đã chuyển biến nặng, nhiều người phải đặt ống thở”.

Giới chức New York đang hối thúc các bệnh viện trên toàn bang tăng năng lực tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Hiện bang New York chiếm hơn 6% số người mắc Covid-19 của thế giới, và khoảng một nửa số ca nhiễm bệnh ở Mỹ.

Tại thành phố New York, chính quyền địa phương bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng các bệnh viện dã chiến. Ngoài ra, hàng nghìn y bác sĩ, trong đó có cả những người đã nghỉ hưu, đã được huy động vào đội ngũ tuyến đầu ứng phó Covid-19, Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết.Theo ông Cuomo, ngoài 4.000 máy thở có sẵn, bang này đã mua thêm 7.000 chiếc và chuẩn bị tiếp nhận thêm 2.000 chiếc từ chính phủ liên bang. Tuy vậy, New York ước tính vẫn thiếu 30.000 máy thở nữa.

Sức ép với toàn hệ thống bệnh viện ở Mỹ

Sức ép khủng khiếp lên các bệnh viện tại Mỹ vì đại dịch Covid-19 - 2
Đường phố ở New York ngày 24/3. (Ảnh: Getty)

Không chỉ New York, các bệnh viện trên khắp nước Mỹ đều chứng kiến tình trạng số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh trong khi trang thiết bị y tế thiếu hụt nghiêm trọng, trong đó có đồ bảo hộ cho đội ngũ y tế.

Một y tá tại bang Virginia mô tả tình hình tại bệnh viện nơi cô làm việc “rất hỗn loạn”. Tại khoa cấp cứu của bệnh viện này, các bệnh nhân Covid-19 ngồi sát các bệnh nhân mắc các bệnh lý khác. Nữ y tá này cũng chia sẻ, cô không dám ôm hôn con gái kể từ khi dịch bùng phát vì lo ngại có thể lây truyền bệnh cho cô bé bất cứ lúc nào.

Một y tá khác tại Georgia cho biết, cô nhiều lần bị từ chối xét nghiệm mặc dù các triệu chứng nghi mắc Covid-19 ngày càng tệ hơn. Đến ngày 24/3 cô mới được xét nghiệm và có kết quả dương tính với Covid-19 và buộc phải nhập viện điều trị cách ly.

Judy Sheridan-Gonzalez, một y tá tại trung tâm y tế Montefiore và là chủ tịch Hiệp hội y tá bàng New York, cho biết các nhân viên y tế ở đây rất lo bị nhiễm bệnh bởi họ thiếu trang thiết bị bảo hộ, nhiều người được yêu cầu sử dụng lại khẩu trang nhiều lần.

“Nếu nhân viên y tế cũng nhiễm virus, mọi chuyện sẽ chấm dứt. Ngọn đèn sẽ tắt. Nếu nhiều nhân viên y tế tuyến đầu gục ngã trong đại dịch này, mọi thứ sẽ bất ổn hơn bao giờ hết với nước Mỹ”, Peter Hotez, giáo sư thuộc Đại học Dược Baylor, nhận định.

Trong khi đó, Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, nhận định: “Một đại dịch như này có thể làm sụp đổ bất cứ hệ thống y tế nào trên thế giới. Khi không có đủ máy thở, chúng ta sẽ buộc phải đưa ra những quyết định rất nghiệt ngã”.

 

Minh Phương

Theo CNN, New York Post