Sự 'thỏa hiệp' có chủ đích của ông Trump
Tổng thống Trump từ bỏ nguyên tắc Triều Tiên phi hạt nhân "toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược", tuyên bố tạm ngừng các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc nằm trong một loạt toan tính của Mỹ để đối phó với tham vọng hạt nhân của Triều Tiên cũng như giành sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế và thực hiện các cam kết với cử tri Mỹ.
Ngày 12/6, phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Trump tuyên sẽ ngừng các cuộc tập trận quân sự chung với đồng minh Hàn và Quốc.
Trước đó, Tổng thống Trump đã ký "tuyên bố chung" với Triều Tiên trọng tâm là từ bỏ nguyên tắc yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân "toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" tại hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 12/6.
Một loạt động thái của Tổng thống Trump khiến cho giới chuyên gia, báo chí và thậm chí ngay trong nội bộ nước Mỹ phản ứng rằng Tổng thống rump đã "nhượng bộ quá nhiều" trước Triều Tiên và cho rằng ông Trump là người thua cuộc trong "ván cờ" với ông Kim.
Tuy nhiên, cũng không ít phân tích cho rằng, sự thỏa hiệp của ông Trump nằm trong một loạt toan tính của Mỹ trong việc đối phó với tham vọng hạt nhân của Triều Tiên cũng như giành lấy sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế và thực hiện các cam kết với cử tri nước Mỹ.
Bằng việc cam kết sẽ ngừng các cuộc tập trận với đồng minh Hàn Quốc sẽ khiến cho khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên từng bước giảm xuống.
Khi mối nguy cơ xung đột quân sự với Triều Tiên không còn nữa, các biện pháp gây sức ép mạnh lên Triều Tiên của ông Trump và đội ngũ cố vấn của mình sẽ phát huy hiệu quả rõ nét.
Qua đó giúp ông Trump có thể thực hiện mục tiêu hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên-một mục tiêu mà các đời Tổng thống Mỹ trước kia chưa có ai làm được.
Với việc Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa và ngừng các cuộc thử nghiệm tên lửa có thể đe dọa an ninh lãnh thổ Mỹ và đồng mình của Mỹ, điều đó là quá đủ với chính quyền Tổng thống Trump trong bối cảnh hiện tại.
Trong khoảng thời gian dài trước khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều chưa chính thức diễn ra, Tổng thống Trump đã giành được 2 thắng lợi quan trọng để chứng minh cho các cam kết của mình trước các cử tri đã bầu cho ông.
Một là, ông Trump đã thuyết phục thành công Triều Tiên thả 3 công dân Mỹ bị giam cầm. Thứ hai, ông Trump đã buộc Triều Tiên phải thực hiện cam kết phá hủy khu thử hạt nhân duy nhất Punggye-ri thuộc huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamqyong.
Như vậy, các tuyên bố và cam kết của Mỹ về vấn đề Triều Tiên dường như đó là một sự nhượng bộ của ông Trump. Xét trong bối cảnh hiện tại, những động thái này của Mỹ hàm chứa nhiều tính toán cho mục tiêu dài hạn phía sau. Và đó mới thực sự là những bước đi tiếp theo của Mỹ trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thời gian tới.
Theo Đức Thức
Tiền Phong