1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ nhằm đối phó Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Việc Mỹ và Canada cùng đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan được xem là tín hiệu cho thấy cách tiếp cận phối hợp của chính quyền Tổng thống Joe Biden và các đồng minh trong việc đối phó Trung Quốc.

Sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ nhằm đối phó Trung Quốc - 1

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey của Mỹ (Ảnh: Reuters).

Động thái đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan của hải quân Mỹ và Canada gần đây đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc đụng độ có thể xảy ra trên tuyến hàng hải nhạy cảm về địa chính trị. Quân đội Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích, gọi đây là hành động "đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan".

Động thái này cũng có thể làm giảm hy vọng về việc cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và Canada, sau khi giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu được đưa về nước gần đây sau gần 3 năm bị quản thúc tại Canada.

Khi được hỏi về chuyến đi chung của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ USS Dewey và chiến hạm Canada HMCS Winnipeg vào tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Canada nên chú ý nhiều hơn đến lợi ích và mối quan hệ của mình với Trung Quốc, chứ không phải liên minh với những nước khác.

Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động "tuần tra tự do hàng hải" ở eo biển Đài Loan cũng như Biển Đông và đây là chuyến đi thứ 10 của tàu chiến Mỹ qua khu vực này trong năm nay. Tuy nhiên, đây là động thái phối hợp quân sự đầu tiên của Mỹ và đồng minh tại eo biển Đài Loan - khu vực Bắc Kinh đưa máy bay quân sự tới tuần tra và giám sát gần như hàng ngày.

"Mặc dù chuyến đi chung của các tàu chiến Mỹ và Canada bị hạn chế cả về sức mạnh và quy mô, nhưng nó phản ánh sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận chiến lược của Mỹ trong việc chống lại Trung Quốc. Đó là một bước đột phá, có nghĩa là Mỹ đã thành công trong việc thuyết phục nhiều quốc gia đối phó với Trung Quốc ở tuyến hàng hải nhạy cảm này", Liu Weidong, chuyên gia kỳ cựu về các vấn đề Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định.

Động thái của Mỹ và Canada cũng phù hợp với cách tiếp cận ngoại giao của chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các đồng minh khi đối phó với các mối đe dọa chung, trái ngược hoàn toàn với người tiền nhiệm Donald Trump.

"Cách tiếp cận phối hợp chống lại Trung Quốc không chỉ diễn ra ở eo biển Đài Loan, mà còn rất rõ ràng trong vấn đề Biển Đông, khi một số quốc gia ngoài khu vực đã đưa tàu quân sự đến khu vực này để thể hiện lập trường của họ", ông Liu cho biết.

Theo chuyên gia Liu, chính quyền Biden đã "tận dụng tình hình quốc tế đầy sóng gió, trong đó Trung Quốc đang ở vị thế kém hơn để đạt được mục tiêu, nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc".

Ding Yifan, cựu Phó Giám đốc Viện Phát triển Thế giới tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, cho biết việc Mỹ và Canada cùng triển khai tàu chiến "chắc chắn" sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ Trung Quốc - Canada, mặc dù Bắc Kinh không có khả năng thực hiện bất kỳ hành động cụ thể nào chống lại Canada.

Bên cạnh các hoạt động quân sự chung với các đồng minh, Mỹ cũng tăng cường tham gia vào Bộ Tứ, một liên minh an ninh của 4 quốc gia gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Mỹ gần đây cũng công bố hiệp ước an ninh 3 bên AUKUS với Anh và Australia, nhằm giúp Australia đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân dựa trên công nghệ của Mỹ.

Anh, một đồng minh quan trọng của Mỹ, cũng đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan vào tháng trước. Quân đội Trung Quốc đã chỉ trích chuyến đi này của Hải quân Hoàng gia Anh.

Một chuyên gia quân sự dự đoán sự hiện diện quân sự của Mỹ và đồng minh tại eo biển Đài Loan chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng, thậm chí có thể dẫn tới va chạm và xung đột. Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn bằng cách gây thêm áp lực lên hòn đảo thông qua việc triển khai thêm máy bay và tàu quân sự áp sát Đài Loan.