1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sự thật về mạng lưới phổ biến vũ khí hạt nhân ngầm lớn nhất thế giới

(Dân trí) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hai khủng hoảng hạt nhân ở Triều Tiên và Iran có lẽ sẽ không ở đỉnh điểm căng thẳng như hiện nay nếu như nó không được một mạng lưới phổ biến vũ khí hạt nhận khổng lồ hậu thuẫn.

Nhắc đến đây, lập tức người ta nói tới A. Q. Khan, cha đẻ của bom nguyên tử Pakistan và là chủ của một mạng lưới phổ biến vũ khí hạt nhân giết người rộng khắp. Các chuyên gia bom nguyên tử của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá: "Mạng lưới này chứa đựng âm mưu chính trị của các quốc gia và mục đích lợi nhuận của những xí nghiệp tư nhân".

 

Năm 2004, Khan bị bắt và công việc điều tra về y nhanh chóng được tiến hành. Dựa trên những cứ liệu của CIA và AIAE cùng nhiều cơ quan an ninh và các tổ chức khác, tờ thời báo Lefigaro của Pháp đã có viết về hoạt động của mạng lưới phổ biến vũ khí hạt nhân lớn nhất hành tinh này.

 

Ngày 18/5/1974, Ấn Độ đã thực hiện thành công vụ thử nguyên tử đầu tiên. Với nước láng giềng Pakistan, đây thực sự là một cú sốc. Thủ tướng Ali Bhutto thề không chịu kém miếng, hùng hồn tuyên bố: "Bom nguyên tử sẽ chống bom nguyên tử. Để làm điều này nếu cần chúng ta sẽ ăn cỏ và lá cây".

 

Đầy nhiệt huyết, kỹ sư trẻ A. Q. Khan,  con trai của một nhà dân tộc học Pakistan theo chủ nghĩa Quốc tế hóa, đã viết cho ngài Thủ tướng một bức thư đưa ra những sáng kiến về bom nguyên tử phục vụ đất nước. Ngay lập tức A. Q. Khan được mời đến làm việc ở Urenco, một liên hiệp xí nghiệp chuyên sản xuất các máy quay ly tâm.

 

Nhờ Khan, thời kỳ mới đã mở ra cho Pakistan. Một Trung tâm nghiên cứu và sản xuất có tên Khan Research Laboratory (KRL) ra đời, thu nạp các kỹ sư tài năng khắp thế giới. Rất nhiều máy ly tâm đã được sản xuất và một trung tâm làm giàu uranium cũng được hình thành. Đến 5/1998, Pakistan đã thực hiện 6 vụ thử nguyên tử ở sa mạc Baloutchistan. Dù vẫn xa mới được thành công như mong đợi song Khan cũng đã đạt được đỉnh vinh quang trong sư nghiệp bom nguyên tử của mình.Từ đó người này tiến hành phổ biến vũ khí hạt nhân ra bên ngoài và thực hiện hàng loạt các hoạt động phi pháp  khác.

 

Khan đã chuyển KRL thành xí nghiệp đa quốc gia, có khả năng cung cấp cho khách hàng các loại thuốc nổ màu, các dụng cụ cần thiết cho việc vận hành hạt nhân quân sự như máy ly tâm, máy móc sản xuất các thành phần, sơ đồ và những tài liệu. Nhiều vụ buôn bán mờ ám diễn ra bí mật, nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền Pakistan.

 

Thời kỳ đó, chương trình hạt nhân của Iran dưới sự quản lý của Shah đang bị đóng băng và Iran đã trở thành khách hàng đầu tiên của Khan. Hai bên đã có rất nhiều buổi thương lượng về việc cung cấp các linh kiên máy móc và các kỹ thuật sản làm giàu uranium. Các chuyên gia nhận định có một sự giống nhau giữa lò phản ứng của Iran và Pakistan.

 

Theo Lefigaro sau đó A. Q. Khan quảng bá sản phẩm của mình với  nhiều nước khác trong đó có CHDCND Triều Tiên. Giữa những năm 90, theo thỏa thuận với Washington, một chi nhánh sản xuất pluton của Bình Nhưỡng buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, Triều Tiên đã bí mật cung cấp cho Pakistan những tên lửa Trung Quốc loại Nodong để đổi lấy công nghệ bom nguyên tử.

 

Hành động của Khan là sự pha trộn giữa chủ nghĩa yêu nước, sự hám của và tính hoang tưởng tự đại. Nhưng đến nay, kẻ buôn bán hạt nhân nguyên tử lớn nhất trong lịch sử vẫn được coi là vị anh hùng của dân tộc Pakistan. Khan đã biết cách mua chuộc những quan chức cấp cao để mọi hành vi nguy hiểm của hắn được che đậy.

 

Cựu giám đốc CIA George Tenet coi AQ Khan cũng nguy hiểm như Osama Bin Laden, nhưng người ta không thể phủ nhận "di sản" của hắn. Mô hình hoạt động của mạng lưới này đã lôi kéo được rất nhiều "môn đệ". Các chuyên gia Cơ quan nghiên cứu chiến lược đánh giá: "Một nền kinh tế phổ biến vũ khí hạt nhân thực sự đang xuất hiện trên thế giới. Sự quốc tế hóa các công cụ tài chính tạo điều kiện cho những giao dịch phi pháp này. Việc tư nhân hóa các hoạt động quốc gia có lợi cho cá nhân giống như mạng lưới Khan đã  làm thực sự gây lo lắng cho nhân loại về vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân".

 

Ông Mohamed el-Baradei, Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đã phát biểu: "Thật nguy hiểm khi những người mua hàng ngày hôm qua lại trở thành người bán hàng ngày hôm nay. Một ngày nào đó, Triều Tiên sẽ bán những kiến thức về bom nguyên tử, hoặc Iran sẽ bán công nghệ cho Syria. Và thị trường buôn bán công nghệ hạt nhân ngầm trở thành một khu chợ ồn áo náo nhiệt. Công nghệ hạt nhận sẽ thoát khỏi chiếc hộp đựng và người ta sẽ không thể bắt nó trở lại nữa. Khi mà việc sở hữu vũ khí nguyên tử trở thành công cụ không thể thiếu để khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế thì chắc chắn người ta sẽ trả mọi giá để mua được nó, dù phải "ăn rau hay lá cây". Điều này có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột hạt nhân thế giới trong tương lai mà nhãn tiền là cuộc khủng hoảng nguyên tử Iran và Triều Tiên hiện nay". 

 

H.N

Theo Lefigaro