1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sự nghiệp chính trị của ông Abe Shinzo - Thủ tướng lâu năm nhất Nhật Bản

Thủ tướng Abe Shinzo là “con nhà nòi về chính trị”, đã cầm quyền trên chính trường Nhật Bản trong nhiều năm qua.

Ông Abe Shinzo vừa tuyên bố từ chức với các lý do liên quan đến sức khỏe tại 1 cuộc họp báo ở Tokyo vào ngày 28/8. Ông là vị thủ tướng Nhật Bản phục vụ lâu năm nhất trong lịch sử nước này.

 
Sự nghiệp chính trị của ông Abe Shinzo - Thủ tướng lâu năm nhất Nhật Bản - 1

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ảnh: Bracknell News.

Ông Abe bày tỏ xin lỗi người dân Nhật Bản vì ông đã không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình trong đại dịch Covid-19. Đây là lần thứ 2 ông từ chức Thủ tướng.

Ông Abe bị chứng viêm đại tràng – đây cũng là nguyên nhân ông đột ngột từ chức Thủ tướng vào năm 2007 sau khi nhậm chức có một năm. Thủ tướng Abe cho biết, ông đã kiểm soát được căn bệnh mạn tính này trong 8 năm nhưng vào tháng 6 vừa qua, ông phải thường xuyên kiểm tra y tế do bệnh này, nên ông quyết định không làm thủ tướng nữa và tập trung vào chữa trị bệnh tật.

Sau khi từ chức vào năm 2007, ông Abe đã tái cử vào năm 2012. Kể từ đó ông luôn là nhân vật nổi bật trong nền chính trị Nhật Bản và giành được nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3 vào năm 2017, thứ 4 vào năm 2019.

Dưới thời ông Abe, đảng Dân chủ Tự do của ông (LDP) cũng có nhiều thành công lớn.

Abe sẽ tiếp tục nắm chức vụ Thủ tướng cho đến khi Nhật Bản chọn được người kế vị ông.

Chính sách kinh tế Abenomics gây tranh cãi

Khi Abe đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ 2 vào năm 2012, Nhật Bản đang khó khăn về kinh tế sau nhiều năm trì trệ. Ông nhanh chóng thực hiện một cuộc đại thử nghiệm kinh tế mang tên Abenomics, với 3 mũi tên chính là gói kích thích tiền tệ ồ ạt, gia tăng chi tiêu chính phủ, và cải cách cơ cấu. Các đồng minh của Abe cho rằng những cải cách này giúp hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản và thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Hồi tháng 1/2020, Thủ tướng Abe nói rằng “Nhật Bản không còn là Nhật Bản của quá khứ và chúng ta đã thành công trong việc đột phá qua ‘bức tường trì trệ’”.

Nhưng bất cứ thành công nào của Abenomics đều phần lớn nhờ vào việc tránh suy giảm hơn là thúc đẩy một sự tăng trưởng lớn. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vẫn dễ bị tổn thương trong suốt thời kỳ ông Abe giữ chức Thủ tướng. Và rồi Nhật Bản trượt sâu vào suy thoái khi bị đại dịch Covid-19 tấn công vào năm 2020.

Bên cạnh đó, trong các nhiệm kỳ của ông Abe, một vấn đề luôn đeo đuổi ông là tình trạng già hóa nhanh chóng của dân số Nhật Bản. Hơn 1/3 dân số nước này là trên 65 tuổi, nghĩa là đội ngũ lao động giảm đi trong khi dân số già cần tiền hưu trí và chăm sóc y tế thì lại tăng lên.

Mặc dù vậy, nước Nhật thời Abe vẫn cơ bản tránh nới lỏng quy định về nhập cảnh – điều có thể giúp nước này gia tăng lực lượng lao động.

Các thành tựu ngoại giao

Thành tựu của ông Abe trên mặt trận ngoại giao cũng có nhiều mặt khác nhau.

Abe phát triển quan hệ với Mỹ (đồng minh truyền thống của Nhật) và cố gắng xây dựng mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Donald Trump, bay tới New York để gặp gỡ ông Trump ngay cả khi ông Barack Obama vẫn đang tại vị Tổng thống.

Trong cuộc gặp không chính thức đó, Abe ca ngợi liên minh Mỹ-Nhật và cho biết ông muốn “xây dựng lòng tin” với tân Tổng thống Mỹ. Ông ủng hộ mạnh mẽ cho đường lối cứng rắn ban đầu của ông Trump đối với Triều Tiên. Quan hệ cá nhân giữa Trump và Abe có thể là 1 trong các nguyên nhân chính cho việc Nhật Bản tránh được một cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Nhưng khi quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên hướng tới sự đối thoại thì Abe có vẻ lại bị gạt ra bên ngoài.

Di sản Thế chiến 2, trong đó quân đội Đế chế Nhật xâm chiếm nhiều nước láng giềng và phạm tội ác chiến tranh, đã tạo ra mối nghi ngờ về Nhật Bản ở cả Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc.

Nhiều người trong khu vực thù địch với mong muốn của ông Abe về sửa đối Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản để cho phép nước này xây dựng quân đội và tham gia các hoạt động quân sự ở nước ngoài.

Đầu nhiệm kỳ thứ 2 của mình, Thủ tướng Abe thăm đền Yasukuni, tạo ra làn sóng phản đối từ các nước láng giềng. Đền Yasukuni bị Trung Quốc, Triều Tiên, và Hàn Quốc coi là biểu tượng cho quá khứ quân phiệt của Nhật Bản.

Thời Abe làm thủ tướng, Nhật Bản đã chứng kiến cuộc đối đầu nóng bỏng với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Vụ Thế vận hội Tokyo 2020

Một trong những thành tựu của Abe đối với nước Nhật là việc giành được quyền đăng cai Thế vận hội vào năm 2020. Nhưng thành công này đã bị phá hoại bởi chính đại dịch toàn cầu Covid-19 và việc tổ chức Olympic này bị lùi sang năm 2021.

Thủ tướng Abe đã thành công hơn trong việc xử lý vấn đề thoái vị của Nhật hoàng Akihito.

Thủ tướng Abe sinh vào ngày 21/9/1954 trong một gia đình chính trị có tiếng ở Tokyo. Ông nội và bác của ông Abe từng làm Thủ tướng Nhật Bản. Cha của ông cũng là cựu Tổng thư ký của đảng LDP.

Abe học chính trị tại Đại học Seiki Tokyo và Đại học Nam California. Ban đầu ông làm trong lĩnh vực kinh doanh, tại Kobe Steel vào năm 1979. Ba năm sau, ông trở thành trợ lý tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Năm 1993, Abe được bầu vào Hạ viện ở tuổi 38. Ông tái cử tới 7 lần và giữ một số vị trí trong nội các trong suốt thập niên 2000.

Năm 2003, Abe trở thành Tổng thư ký đảng LDP, và bốn năm sau thì trở thành Chủ tịch của đảng này và Thủ tướng Nhật Bản.