Sứ mệnh khẩn cấp của ông Kim Jong-un
Ông Kim Jong-un có thể nhận được sự ủng hộ nhiều hơn của Bắc Kinh sau khi Washington đánh thuế các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc
Chuyến thăm Bắc Kinh của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khiến Mỹ và Hàn Quốc đặt câu hỏi ông làm gì ở đó và muốn gì từ Trung Quốc.
Đến Bắc Kinh trên con tàu bọc thép mà cha ông, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, từng sử dụng để đến Trung Quốc trước khi qua đời vào năm 2011, ông Kim Jong-un được cho là đang tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc trước thềm các cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Quan trọng hơn, ông Kim Jong-un đang muốn chống lại những biện pháp trừng phạt khiến kinh tế Triều Tiên chật vật trong những năm qua. Theo nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc không còn nhập khẩu than của Triều Tiên cũng như hạn chế xuất khẩu dầu mỏ sang Bình Nhưỡng.
Dù không thích cầu cạnh nhưng ông Kim Jong-un cần Trung Quốc giúp chống lại áp lực gia tăng từ Mỹ trong bối cảnh ông John Bolton trở thành tân cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền ông Donald Trump. Ông Bolton từng kêu gọi Nhà Trắng không nhượng bộ Triều Tiên bất kỳ điều gì trừ khi ông Kim chịu phi hạt nhân hóa.
Hy vọng lớn nhất của ông Kim Jong-un là đề nghị đóng băng thử tên lửa và hạt nhân để đổi lại việc Washington - Seoul đồng ý ngưng tập trận chung. Lãnh đạo Triều Tiên chấp nhận thực tế lực lượng Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận chung "Đại bàng non", "Giải pháp then chốt" thường niên từ ngày 1-4 nhưng muốn Trung Quốc kêu gọi dỡ bỏ hoặc ít nhất là nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Tính khẩn cấp của sứ mệnh trên thể hiện rõ qua việc ông Kim Jong-un rốt cuộc cũng chịu ra nước ngoài lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền năm 2011. Ông Kim từng đi cùng cha đến Bắc Kinh ít nhất một lần nhưng sau đó tránh rời đất nước giữa lúc quan hệ căng thẳng với Trung Quốc và Nga. Cả 2 nước này đều chỉ trích chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, ông Kim có thể chắc chắn vào sự ủng hộ nhiều hơn của Bắc Kinh sau khi chính quyền ông Trump đánh thuế các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp công nghệ của Washington trong khi bán phá giá sản phẩm tại Mỹ nhờ nhân công giá rẻ. Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ hành động đánh thuế và những rào cản khác do chính quyền ông Donald Trump dựng lên, đồng thời cảnh báo về một cuộc chiến thương mại bất chấp kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ hiện lên đến con số khó tin 400 tỉ USD/năm.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gọi động thái trên của ông Trump là một sai lầm mà về lâu dài sẽ chỉ gây tổn hại cho Mỹ và mối quan hệ song phương. Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng gợi ý trên trang Twitter rằng Trung Quốc giảm thặng dư thương mại với Mỹ khoảng 1 tỉ USD/năm - con số tương đối nhỏ so với mức hiện tại.
Trong lúc cứng rắn với Bắc Kinh, chính quyền ông Trump đã giải quyết tranh chấp thương mại với Seoul. Cụ thể, số lượng xe Mỹ xuất khẩu sang Hàn Quốc được phép tăng gấp đôi, từ 25.000 lên 50.000 chiếc/năm. Đổi lại, Hàn Quốc đồng ý giảm xuất khẩu thép sang thị trường Mỹ, duy trì ở mức 70% so với hiện tại. Chính quyền ông Donald Trump đạt được những thỏa thuận này với Hàn Quốc trong khi hợp tác với Tổng thống Moon về vấn đề cải thiện quan hệ và mở ra cơ hội đối thoại với Triều Tiên. Washington nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì liên minh quân sự với Seoul và ủng hộ hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa ông Moon và ông Kim. Dù vậy, các lãnh đạo quân sự Mỹ và Hàn Quốc cũng cho rằng hai bên cần thắt chặt quan hệ và Seoul phải tăng cường khả năng quân sự.
Trong dấu hiệu cho thấy Triều Tiên lo ngại một liên minh Mỹ - Hàn vững mạnh, tờ Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên cảnh báo lực lượng vũ trang Hàn Quốc không được phản bội "tinh thần hợp tác" giữa hai miền Triều Tiên. Bình Nhưỡng cho đến giờ chưa công khai nói về hội nghị thượng đỉnh liên Triều cũng như khả năng diễn ra cuộc hội đàm giữa ông Kim và ông Trump. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã kiềm chế những phát ngôn công kích thường thấy kể từ Thế vận hội mùa đông vào tháng 2.
Một số nhà phân tích cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đã thúc giục ông Kim Jong-un đến thăm Bắc Kinh. Họ thắc mắc phải chăng chính sách của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng đã được chuyển hướng sau khi ông Tập tái đắc cử chủ tịch Trung Quốc. Cuộc gặp giữa 2 ông Tập và Kim có thể cho thấy có sự điều phối về chính sách giữa hai bên trước thềm các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều dự kiến sắp tới. Dù vậy, vẫn còn quá sớm để biết Trung Quốc tặng quà gì cho ông Kim Jong-un và liệu nó có vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc hay không.
Theo Xuân Mai
Người Lao Động